Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Lò tôi luyện siêu sao K-pop
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Lò tôi luyện siêu sao K-pop

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 5 13, 2021 10:36 pm






    30 thiếu niên trải qua hàng nghìn giờ huấn luyện để chọn ra nhóm nhạc 7 người trong thế giới K-pop khốc liệt với hy vọng thành BTS khác .

    Ban nhạc toàn nam, giống hiện tượng âm nhạc BTS đứng đầu bảng xếp hạng Billboard năm ngoái của Mỹ, đã trải qua ba năm đào tạo, chắt lọc quãng thời gian đó thành ba phút âm nhạc và vũ đạo mang tính quyết định họ có trở thành một hiện tượng hay chỉ là một ban nhạc vô danh khác.

    Lịch trình lúc nào cũng căng thẳng, dày đặc các buổi tập thể lực, luyện thanh, chụp quảng cáo, tập vũ đạo 10 tiếng một ngày từ sáng sớm. Họ được phép ngủ chưa đầy 5 tiếng mỗi đêm trên giường tầng trong nhà chung ở Seoul. Giường nào trống nghĩa là người đó đã bị đào thải.

    Hình ảnh
    Ban nhạc Blitzers tập luyện trong studio ở Seoul hôm 29/4.

    Trong một studio hai bên tường là gương vào cuối tháng 4, những người vượt qua vòng loại khắc nghiệt luyện tập cho màn ra mắt đĩa đơn đầu tiên ngày 12/5 có tiêu đề "Breathe again" (Hít thở lại) giữa sự đánh giá của các huấn luyện viên, người quản lý và biên đạo múa.

    Khoảnh khắc tiếng nhạc vang lên, 7 thiếu niên thực hiện hàng loạt bước nhảy có độ khó cao, nhịp nhàng, chính xác như diễu hành quân sự.

    "Dù muốn nắm tay em nhưng anh không thể đến gần em. Bởi anh đang kẹt cứng", Cho Woo-ju, 17 tuổi, hát khi nhảy khỏi đội hình.

    Khi bài hát lên tới cao trào, 7 người xếp hàng, tung ra những tư thế đặc trưng của K-pop. Nhưng như thế thôi chưa đủ.

    "Đó chỉ là phần khởi động thôi đúng không?" một biên đạo múa nói. "Hãy làm thật nào".

    "Vâng", các chàng trai đồng thanh hô to.

    "Chúng tôi liên tục luyện tập vũ đạo tới khi hoàn hảo", Jang Jun-ho, ca sĩ dự bị trong nhóm, nói.

    K-pop là ví dụ mới nhất và lớn nhất về cái gọi là Làn sóng Hàn Quốc, trong bối cảnh văn hóa đại chúng Hàn Quốc được công nhận ở nước ngoài và thể hiện sự thành công toàn cầu qua nhóm nhạc nam BTS. BTS được coi là một hiện tượng K-pop, kiếm được hàng tỷ USD cho nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.

    Blitzers do Wuzo Entertainment thành lập, một công ty giải trí mới mở tại Seoul. Công ty đã đầu tư khoảng 900.000 USD vào ban nhạc, sản phẩm đầu tay của mình, và đang đặt cược số phận công ty vào thành công của nhóm nhạc. Lợi nhuận tiềm năng vô cùng lớn. Big Hit Entertainment, công ty đứng sau BTS nay đổi tên thành Hybe, đã lên sàn chứng khoán Hàn Quốc năm ngoái và hiện giá trị vốn hóa thị trường hơn 7 tỷ USD.

    "Mỗi năm có hơn 50 nhóm nhạc thần tượng được tung ra thị trường", Kim Jin-hyung, đồng giám đốc điều hành Wuzo nói. "Chỉ vài nhóm tồn tại được".

    "Nếu Blitzers thành công, công ty sẽ thành công", ông bày tỏ. "Nếu thất bại, chắc chắn chúng tôi sẽ phải đóng cửa".

    Các thành viên Blitzer đều từ 17 tới 19 tuổi, được chiêu mộ khi còn đi học, một số người vừa đi học vừa tham gia đào tạo bán thời gian. Sau quá trình sàng lọc khốc liệt, 12 người vượt qua vòng loại sẽ chuyển tới ngôi nhà chung để chuẩn bị cho giai đoạn cuối chọn ra 7 người.

    Ngay cả người chiến thắng cũng mang tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Choi Jin-hwa, trưởng nhóm, 19 tuổi, cho biết đã thấy 20 thực tập sinh cùng mình bị đào thải và "đến giờ vẫn chưa quen".

    "Bất kể họ đã ở với chúng tôi bao lâu, ngày nào họ cũng đều luyện tập với tôi từ khi gia nhập", Choi nói. "Tôi không làm gì sai nhưng vẫn cảm thấy có lỗi".

    Họ luôn phải tuân thủ kỷ luật, làm đúng lịch trình ăn cái gì, trang điểm thế nào, mấy giờ đi ngủ mà Wuzo đề ra. Cân nặng luôn bị khống chế.

    "Chúng tôi cấm họ ăn vặt ban đêm", Oh Chang-seok, quản lý, người sống cùng ban nhạc có trách nhiệm chăm sóc và đảm bảo các thành viên tuân thủ quy định, nói.

    "Đây là điều bắt buộc", anh giải thích. "Họ lúc nào cũng phải trong trạng thái sẵn sàng" nếu có cơ hội ra mắt.

    Ngành công nghiệp K-pop bị cáo buộc là nơi triệt tiêu hy vọng của thanh thiếu niên, những người mơ trở thành ngôi sao nhưng chỉ rất ít thành công.

    Ryu Seram, cô gái từng là thành viên nhóm nhạc thần tượng nữ Nine Muses, so sánh K-pop với "hệ thống nhà máy sản xuất hàng loạt". Tuy nhiên, giám đốc Kim bác bỏ, cho rằng lời chỉ trích mang tính "phiến diện".

    "Với tư cách là một công ty, chúng tôi mang tới cơ hội theo đuổi và hiện thực hóa giấc mơ cho các thực tập sinh. Còn họ giúp chúng tôi có cơ hội phát triển thành một công ty lớn mạnh", Kim nói. "Chúng tôi luôn sát cánh vì nhau".

    Quản lý Oh rất thực tế khi nói về những người bị loại.

    "Chúng tôi không thể giúp những người đã được trao cơ hội hoàn thiện bản thân nhưng không thể theo kịp người khác", ông nói. "Chúng tôi cần những người giỏi nhất ra mắt công chúng".


    Hồng Hạnh (Theo AFP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 63 khách