Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Cuộc sơ tán của phóng viên AP trước đòn không kích Israel
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Cuộc sơ tán của phóng viên AP trước đòn không kích Israel

    by VietNews » Thứ 7 Tháng 5 15, 2021 11:20 pm





    Tiếng hét của đồng nghiệp đánh thức Fares Akram, anh vội thu nhặt những vật quan trọng và lao khỏi tòa nhà, trước khi quân đội Israel đánh sập nó.

    Vào khoảng 13h55 ngày 15/5, Akram đang ngủ trưa trên căn hộ áp mái hai tầng của tháp Jala, từng là văn phòng hãng tin Mỹ AP ở thành phố Gaza từ năm 2006. "Điều này không có gì lạ những ngày gần đây. Từ khi giao tranh bắt đầu, tôi ngủ trong phòng tin tức đến đầu giờ chiều, sau đó làm việc suốt đêm", Akram cho hay.

    Tiếng la hét của đồng nghiệp đánh thức anh. Akram hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có ai bị thương trên đường phố Gaza, hay chuyện gì đó tồi tệ hơn.

    Akram vội vã xuống cầu thang và thấy các đồng nghiệp đội mũ bảo hộ, mặc áo bảo hộ. Họ hét lên: "Sơ tán! Sơ tán ngay!".

    Sau này Akram mới biết quân đội Israel đã nhắm mục tiêu phá hủy tòa nhà và đưa ra cảnh báo ngắn gọn trước đó. "Cho tới thời điểm đó, họ đã phá hủy ba tòa nhà, cảnh báo cư dân và cư dân đôi khi có vài phút để sơ tán. Tôi nhanh chóng được thông báo có 10 phút để rời đi", Akram nói.

    Hình ảnh
    Các nhà báo AP đứng cạnh đống đổ nát của tháp Jala, nơi đặt các văn phòng báo chí quốc tế, sau cuộc không kích của Israel ở Dải Gaza hôm 15/5. Ảnh: AFP.

    Akram nhanh chóng chộp lấy máy tính xách tay và vài món đồ điện tử khác. "Tôi nhìn không gian làm việc của mình suốt nhiều năm qua, tràn ngập những vật lưu niệm từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Tôi chỉ chọn một số ít: chiếc đĩa trang trí có ảnh gia đình. Cốc cà phê do con gái tôi, hiện sống an toàn ở Canada cùng mẹ và chị gái, tặng từ năm 2017. Giấy chứng nhận đánh dấu 5 năm làm việc tại AP", nam phóng viên nhớ lại.

    "Tôi bắt đầu rời đi. Sau đó tôi nhìn lại nơi từng là ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi nhận ra đây là lần cuối cùng tôi có thể nhìn thấy nó. Lúc đó mới hơn 14h, tôi nhìn xung quanh. Tôi là người cuối cùng ở đó. Tôi đội mũ bảo hộ và bắt đầu chạy".

    Sau những ngày tháng bất an nhất ở nơi Akram sinh ra, lớn lên và bây giờ được đưa tin, nơi mẹ và anh chị em ruột, anh chị em họ và chú của anh đang sống. Akram bây giờ có cảm giác như anh đang ở nhà. Anh ước có thể nói anh an toàn ở đây, nhưng không thể. Ở Gaza, không nơi nào an toàn.

    Hôm 14/5, một cuộc không kích đã phá hủy trang trại của gia đình Akram ở rìa phía bắc Gaza. Và bây giờ, văn phòng AP, nơi anh nghĩ bất khả xâm phạm và sẽ không được nhắm đến vì cả văn phòng của AP và al-Jazeera đều nằm trên các tầng cao nhất, chỉ còn là đống gạch vụn.

    Nhiều người Gaza còn chịu cảnh tồi tệ hơn. Ít nhất 148 người đã thiệt mạng từ hôm 10/5, khi Hamas bắt đầu bắn hàng trăm quả rocket vào Israel, và Israel đáp trả bằng các cuộc tấn công vào Dải Gaza. Tại Israel, 8 người đã thiệt mạng, gồm một người đàn ông trúng tên lửa ở Ramat Gan, ngoại ô Tel Aviv.

    Akram chạy thang bộ 11 tầng, xuống hầm để xe. Đột nhiên anh nhận ra xe của mình là chiếc duy nhất còn ở đó. Tất cả những người khác đã di tản.

    "Tôi ném đồ đạc của mình vào phía sau, nhảy vào và lái xe đi. Khi cảm thấy đã đủ xa, tôi đỗ xe và ra ngoài để có thể nhìn thấy tòa nhà văn phòng của mình. Tôi thấy các đồng nghiệp đều đang ở gần đó. Họ theo dõi, chờ đợi những gì tiếp theo", Akram cho biết.

    Ở gần đó, chủ sở hữu tòa nhà đang nói chuyện điện thoại với sĩ quan quân đội Israel, người đã yêu cầu ông sơ tán nơi này. Chủ sở hữu xin thêm một chút thời gian, nhưng không được chấp thuận. Thay vào đó, ông được yêu cầu quay lại tòa nhà, đảm bảo tất cả mọi người đã ra ngoài. "Có 10 phút, ông nên nhanh lên", sĩ quan quân đội Israel nói.

    Akram quay về phía tòa nhà, cầu nguyện điều đó sẽ không xảy ra. Anh nghĩ đến những gia đình sống ở 5 tầng trên của tòa nhà, ngay bên dưới các văn phòng truyền thông. Họ sẽ làm gì? Họ sẽ đi đâu?

    Các nhà báo khác tụ tập xung quanh, trong khi phóng viên video phát trực tiếp những gì đang diễn ra.

    Trong 8 phút tiếp theo, một cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhỏ, rồi hai đợt không kích kế tiếp. Và sau đó là ba cuộc không kích mạnh mẽ từ những tiêm kích F-16. Tòa nhà dần đổ sụp xuống, khói bụi bao trùm mọi thứ. Bầu trời rung chuyển. Tòa nhà từng là văn phòng của họ biến mất trong lớp bụi mù mịt. Trong túi Akram lúc đó vẫn còn chìa khóa của căn phòng không còn tồn tại.

    "Những đám khói đen dày đặc bao phủ khi tòa nhà sụp đổ. Bụi và những mảnh xi măng, mảnh kính rơi vãi khắp nơi. Những gì từng thân thuộc với chúng tôi đã biến mất", Akram nói. "Tôi nghĩ về hàng trăm kỷ vật của mình giờ đã thành mảnh vụn, gồm cả chiếc máy ghi âm băng cassette 20 năm tuổi mà tôi dùng khi lần đầu trở thành nhà báo. Nếu tôi có một giờ, tôi sẽ mang đi mọi thứ".

    Hình ảnh
    Một cảnh sát đứng trên đống đổ nát từ tháp Jala ở thành phố Gaza hôm 15/5. Ảnh: AP.

    Với Akram, đó là một trong những cảnh tượng khủng khiếp nhất mà anh từng chứng kiến. Nhưng anh cũng cảm thấy biết ơn vì không ai bị thương. Các lãnh đạo AP đã lên án cuộc tấn công khiến họ "sốc và kinh hoàng".

    "Chúng tôi là nhà báo, chúng tôi không phải một phần của câu chuyện. Ưu tiên đối với chúng tôi không phải bản thân mình, mà là kể câu chuyện của những người khác, những người đang sống trong cộng đồng mà chúng tôi đưa tin", anh cho hay. "Vì vậy, tôi dành thêm vài phút để xem nơi từng định hình rất nhiều cuộc đời tôi. Và rồi tôi bắt đầu tỉnh dậy sau cơn ác mộng này".

    "Tôi tự nhủ vụ tấn công đã xảy ra. Bây giờ chúng ta hãy tìm ra những gì cần làm tiếp theo. Hãy tiếp tục đưa tin toàn bộ. Đây là lịch sử, và có thêm nhiều câu chuyện để kể. Và như mọi khi, khi thế giới rung chuyển quanh chúng ta, chúng ta phải tìm ra cách làm như thế nào", Akram nói thêm.


    Huyền Lê (Theo AP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 60 khách