Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Phía sau ánh hào quang của ngành công nghiệp mỹ phẩm
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27908
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Phía sau ánh hào quang của ngành công nghiệp mỹ phẩm

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 6 10, 2021 11:09 pm





    Để phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Ấn Độ, hàng chục nghìn người đang phải làm việc điều kiện tối tăm, thiếu thốn và đầy rẫy nguy hiểm.

    Trên khắp Ấn Độ, hàng nghìn thợ mỏ đang khai thác bất hợp pháp mica - loại khoáng chất được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm như phấn mắt, son bóng... để tăng độ bóng cho sản phẩm. Tuy nhiên, để có được thành phần này, những người khai thác thường phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm luôn rình rập.

    Hình ảnh
    Basanti Mosamat và gia đình đang khai thác mica. Ảnh: CNA.

    Jharkhand, một bang phía đông bắc Ấn Độ giàu tài nguyên khoáng sản, là nhà sản xuất than, đồng và mica hàng đầu của đất nước tỷ dân này. Nhưng gần một nửa dân số ở tiểu bang này sống trong cảnh nghèo đói.

    Trong số này là góa phụ Basanti Mosamat, 40 tuổi, chuyên nhặt và bán mica để kiếm sống. Đây cũng là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình cô. Mỗi tuần một lần, Mosamat cùng bố chồng và 5 người con của cô đi bộ 10 km vào khu rừng giáp ranh với làng để dựng trại, nơi họ sẽ dành vài ngày để phân loại khoáng sản. "Chúng tôi không có miếng ăn và phải cố gắng để sinh tồn," cô nói

    Việc thu nhặt mica không có dụng cụ bảo hộ khiến bàn tay người phụ nữ này trầy xước và thâm tím. Con gái lớn của cô, Karishma Kumari Birhor, 14 tuổi, đã nhặt mica từ khi lên 5.

    "Càng nhiều người phụ giúp, sẽ càng có nhiều cơ hội để cả nhà có bữa cơm ngon. Cha tôi đã qua đời, vì vậy tôi cần phụ mẹ", cô bé nói.

    Một kg mica vụn bán được 7 rupee (khoảng 2 ngàn đồng). Hôm nào may mắn, gia đình Mosamat hy vọng có thể kiếm được 150 rupee.

    "Ở đây chẳng có gì cả, cuộc sống bữa đói bữa no khiến chúng tôi chẳng thể trông chờ gì vào tương lai", cô bé Birhor nói.

    Nghèo đói và túng thiếu, một số người khai thác mica thậm chí chuyển sang các hang động, hầm mỏ bỏ hoang, nơi có nhiều mica hơn. Tuy nhiên, họ không có đèn chiếu sáng hay các thiết bị bảo hộ và chỉ khai thác hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm bản thân.

    "Mọi người có thể trượt chân và ngã ở đâu đó hoặc bị đá rơi vào đầu. Việc khai thác rất khó khăn. Chúng tôi luôn phải cảnh giác, hầm mỏ có khả năng sập bất cứ lúc nào. Đôi khi một người mắc sai lầm có thể giết chết tất cả", Mukesh Bhulla, bắt đầu nhặt mica từ khi còn bé, kể.

    Vào tháng 1, có ít nhất 3 báo cáo về các vụ sập hầm mỏ ở Koderma và Jharkhand. Ước tính có khoảng 10 đến 20 người chết mỗi tháng do những rủi ro trong việc khai thác mica ở phía đông bắc Ấn Độ nơi hàng ngàn người sống trong cảnh nghèo đói và không có nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục, việc làm và y tế.

    Trên thực tế, có nhiều vụ tai nạn hơn những gì được báo cáo. Tuy nhiên các thợ mỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rủi ro.

    Hình ảnh
    Ảnh: CNA.

    "Nếu không làm việc ở đây, tất cả chúng tôi sẽ chết", Dimpi Devi, một bà mẹ 3 con chia sẻ. Cô ấy phải vật lộn để kiếm sống qua ngày. Chi phí hàng tuần của gia đình cô có thể lên đến 2.500 rupee, nhưng đôi khi cô chỉ kiếm được 1.000 rupee.

    Điều này khiến những người thợ mỏ như cô ấy dễ bị bóc lột, đặc biệt là khi phải đối mặt với các gánh nặng về chi phí gia đình hoặc y tế. Nếu không được tiếp cận với các hệ thống ngân hàng chính thức, họ chuyển sang tín dụng đen, với lãi suất cao tới 200% một năm.

    Các cuộc thanh tra của cơ quan quản lý rừng cũng diễn ra phổ biến, các thợ mỏ đôi khi phải hối lộ để có thể tiếp tục làm việc. "Cảnh sát không thường xuyên đến nhưng các nhân viên kiểm lâm luôn theo dõi chúng tôi", Mosamat chia sẻ.

    Việc khai thác mica gây ra tranh cãi vào giữa những năm 2000, sau khi những cuộc điều tra về lạm dụng lao động trẻ em được tiến hành. Hiện, ước tính có tới 70% sản lượng mica của Ấn Độ tới từ việc khai thác bất hợp pháp. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Ấn Độ có hơn 10 triệu trẻ em đang đi làm dù chưa đủ tuổi lao động, đặc biệt là những thợ mỏ "nhí" làm việc tại các mỏ mica.

    Tuy nhiên, những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình khai thác mica không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục công việc của cha mẹ.

    Hình ảnh
    Dù biết là vô vàn hiểm nguy nhưng người dân không còn cách nào khác. Ảnh: CNA.

    Giữa mối quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng đối với nạn bóc lột lao động trẻ em ở các mỏ mica, một số liên minh toàn cầu đã được thành lập. Một trong số đó là Sáng kiến Mica có trách nhiệm, dự định sẽ xóa bỏ hoạt động sử dụng trẻ em khai thác mỏ ở Jharkhand vào năm tới thông qua các quy định và thực tiễn tốt hơn. Các thành viên của nó bao gồm các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, L’Oréal và Sephora.

    Một số thương hiệu khác cũng cam kết kiểm tra nghiêm ngặt hơn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, họ cũng phải thừa nhận rằng việc quản lý nguồn mica là rất khó khăn.

    Năm 2019, mica xuất khẩu tại Ấn Độ đạt hơn 37 triệu USD. Với số lượng giao dịch quá lớn, các thương hiệu không thể theo dõi chính xác mica của họ tới từ đâu.

    Hoàng Phong (Theo Channel News Asia)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 71 khách