Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Doanh nghiệp tranh thủ vay nợ trong đại dịch
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Doanh nghiệp tranh thủ vay nợ trong đại dịch

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 6 15, 2021 11:19 pm





    MỸ- Tranh thủ bối cảnh lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp vay tiền để đầu tư hoặc trả các khoản nợ cũ hay đôi khi chỉ là nhằm tích trữ.

    Trước đại dịch, doanh nghiệp Mỹ mạnh tay vay tiền hưởng lãi suất thấp rồi tới khi Covid-19 bùng phát, nhiều nơi phong toả, họ thậm chí vay nhiều hơn và trả nợ ít hơn.

    Sau khoảng thời gian ngắn tăng nóng, lãi suất các khoản nợ vay của doanh nghiệp rơi xuống mức kỷ lục, doanh nghiệp vì vậy đua nhau phát hành trái phiếu.

    Riêng trong năm ngoái, các doanh nghiệp phi tài chính của Mỹ phát hành 1.700 tỷ USD trái phiếu, cao hơn gần 600 tỷ USD so với ngưỡng cao trước đây, theo Daelogic.

    Tính đến cuối tháng 3, tổng nợ của các doanh nghiệp Mỹ ở mức 11.200 tỷ USD tương đương khoảng nửa quy mô kinh tế Mỹ, theo tính toán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

    Nguồn tiền rẻ đã giúp cho mọi loại hình doanh nghiệp hưởng lợi. Các công ty kinh doanh dịch vụ du thuyền, hãng hàng không và rạp chiếu phim chống chọi được với khủng hoảng bằng cách bù đắp cho doanh thu mất đi bằng tiền thu về từ bán trái phiếu.

    Cùng lúc đó, những doanh nghiệp đang làm ăn kinh doanh tốt có thể dự trữ tiền mặt đồng thời tiết kiệm được tiền bằng cách tái cấp vốn những khoản nợ cũ hơn. Còn những doanh nghiệp vốn từng khó khăn từ trước đại dịch Covid-19 có thể tránh được kịch bản phá sản bằng cách phát hành nợ dài hạn.

    Hình ảnh
    Delta Airlines, một trong những doanh nghiệp vay nợ tăng gấp đôi. Ảnh: AP.

    Giám đốc tài chính của tập đoàn Crown Castle International chuyên cung cấp hạ tầng viễn thông, ông Dan Schlanger, chia sẻ: "Thực sự rất đáng ngạc nhiên khi mà chi phí nợ nần đã giảm đến mức như vậy. Chúng tôi đã thực sự hưởng thụ khoảng thời gian thuận lợi đó". Công ty này đã không ngừng phát hành trái phiếu với lãi suất rất thấp để có tiền cho các dự án và trả nợ cũ.

    Nhiều người đang đặt câu hỏi những gì đang diễn ra có phải là các doanh nghiệp đang trì hoãn đối diện với khó khăn. Các công ty có nợ nần đã đứng vững trong đợt suy thoái kinh tế năm ngoái tốt hơn so với dự tính của nhiều người. Tuy nhiên, nhìn từ nhiều phương diện, cuộc khủng hoảng như một cú sốc đối với nền kinh tế, nó giống thảm họa thiên nhiên hơn suy thoái kinh tế thông thường.

    Sau tất cả những sự nhiệt tình huy động vốn đó, nhiều giám đốc tài chính và nhà đầu tư thừa nhận rằng doanh nghiệp sẽ có thể phải chịu hậu quả trong điều kiện kinh tế suy giảm thông thường, nó làm tăng chi phí vốn trong thời gian dài hơn.

    Trong báo cáo công bố vào tháng 5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh rằng nhà đầu tư hiếm khi được đền bù cho rủi ro khi nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp kể cả khi mà thị giá cổ phiếu tương đương với các mức trung bình trong lịch sử. Báo cáo kết luận rằng các yếu tố dễ tổn thương từ việc nợ doanh nghiệp tăng đang lớn dần.

    Còn theo số liệu từ công ty dữ liệu tài chính FactSet, những doanh nghiệp vay tiền nhiều nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19 chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ hoạt động vay nợ đó. Công ty quản lý du thuyền lớn nhất thế giới Carnival nợ khoảng 33 tỷ USD tính đến ngày 28/2/2021, gần gấp 3 lần so với con số vào cuối năm 2019. Nợ của Boeing tăng hơn gấp đôi trong thời kỳ đại dịch Covid-19 lên 64 tỷ USD còn nợ của Delta Airlines tăng hơn hai lần lên 35 tỷ USD.

    Khi mà các chuyến đi lại bằng du thuyền bị hủy trên khắp thế giới, việc huy động tiền của nhà đầu tư không hề dễ dàng. CEO của Carnival, ông David Bernstein, cho biết ông đã mất 2 tuần trong tháng 3/2020 để có thể thực hiện được đợt bán trái phiếu cho các trái chủ bởi công ty không có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu.

    Và rồi ông mất thêm 10 ngày nữa làm việc gấp rút để có thể hướng đến thỏa thuận cuối cùng mà trong đó có cả việc chào bán cổ phiếu. Đầu tháng 4/2021, Carnival phát hành 4 tỷ USD trái phiếu đảm bảo với lãi suất 11,5% - mức lãi suất của doanh nghiệp có tín nhiệm tín dụng rất thấp, ngoài ra là 500 triệu USD cổ phiếu và 2 tỷ USD trái phiếu chuyển đổi. Cuối cùng, doanh nghiệp huy động được 6,5 tỷ USD.

    Không phải ai cũng nghĩ rằng việc các doanh nghiệp khó khăn dễ dàng huy động tiền để tái cấp vốn các khoản nợ như vậy lại tốt cho nền kinh tế trong dài hạn. Cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Deutsche Bank Securities và đang làm chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management – ông Torsten Slok vào năm ngoái khẳng định rằng hậu quả của môi trường lãi suất chính là nó giúp cho các công ty thiếu hiệu quả tồn tại, và trong dài hạn ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của nền kinh tế.

    Một số chuyên gia phân tích khẳng định có những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận các mức lãi suất thấp với trái phiếu doanh nghiệp như vậy không phải chỉ bởi triển vọng kinh tế được dự báo sẽ sáng hơn mà còn bởi cách phản ứng của Fed với đại dịch Covid-19, điều mà họ tin sẽ lặp lại trong các đợt suy thoái kinh tế tương lai.

    Diệu Thanh (Theo WSJ)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 72 khách