Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Điểm nghẽn ngăn G7 cạnh tranh hạ tầng với Trung Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Điểm nghẽn ngăn G7 cạnh tranh hạ tầng với Trung Quốc

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 6 16, 2021 8:51 pm






    G7 quyết theo đuổi dự án cơ sở hạ tầng cạnh tranh Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng gặp khó vì thiếu kinh phí.

    Lãnh đạo nhóm các nước phát triển (G7) hôm 12/6 thông qua dự án "Tái Xây dựng Thế giới Tốt hơn" (B3W) lấy cảm hứng từ Mỹ, sau một hội nghị thượng đỉnh hướng đến giải quyết vấn đề "cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, cam kết thực hiện những hành động cụ thể để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng to lớn tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình", theo tuyên bố của Nhà Trắng.

    Nhà Trắng cho biết sáng kiến B3W sẽ có quy mô toàn cầu, với ước tính các nước đang phát triển cần hơn 40 nghìn tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề vốn trở nên nan giải hơn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

    "B3W sẽ giúp thúc đẩy đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình trong những năm tới", tuyên bố có đoạn, thêm rằng dự án sẽ chú trọng tới môi trường và khí hậu, các biện pháp bảo vệ người lao động, tính minh bạch và chống tham nhũng.

    Hình ảnh
    Các lãnh đạo nhóm G7 chụp ảnh bên Vịnh Carbis, hạt Cornwall, phía tây nam Anh, hôm 11/6. Ảnh: AP.

    Các yếu tố này dường như thể hiện sự đối lập với những lo ngại về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Được triển khai từ năm 2013, BRI là dự án phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Bắc Kinh, trải dài từ châu Á sang châu Âu và xa hơn nữa, với hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng hệ thống đường sắt, cảng, cao tốc và công trình khác.

    Tuy nhiên, giới phê bình nghi ngờ Trung Quốc sử dụng sáng kiến này để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Những bên nhận các khoản vay nhiều tỷ USD từ Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng theo BRI có thể khó trả nợ, hoặc phải chấp nhận những dự án không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về tính bền vững và quyền lợi cho người lao động.

    Do đó, cùng với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu trong những năm tới, bất kỳ dự án nào được xây dựng một cách nghiêm túc để thay thế BRI đều có khả năng được hoan nghênh nồng nhiệt. Kế hoạch của G7 dường như đầy hứa hẹn, lại đến đúng lúc Covid-19 làm chậm tiến độ các dự án của BRI.

    Lệnh hạn chế đi lại qua biên giới nhằm ngăn virus lây lan cũng đồng nghĩa với việc người lao động Trung Quốc không thể đến xây dựng các công trình ở nước ngoài. Trong khi đó, thách thức kinh tế trong nước khiến giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng tỏ ra thận trọng với những dự án tốn kém ở nước ngoài, mà thường khó hoàn được vốn.

    Bất chấp những điều kiện thuận lợi và kỳ vọng lớn, bình luận viên James Crabtree của tạp chí NewStatesman chỉ ra rằng dự án B3W của G7 vẫn gặp phải một vấn đề nghiêm trọng là kinh phí.

    G7 không nêu bất cứ chi tiết nào về B3W sau hội nghị thượng đỉnh, nhưng những thông tin được tiết lộ dường như cho thấy kế hoạch này sẽ có rất ít, hoặc thậm chí không có chút ngân sách nào.

    Theo một quan chức giấu tên, B3W khả năng cao liên quan đến "cam kết hướng tới việc tạo ra khuôn khổ chiến lược", một lời hứa mơ hồ có nguy cơ bị Trung Quốc chế nhạo. Chưa có thông báo về việc B3W chính xác sẽ hoạt động như thế nào, hoặc cuối cùng bao nhiêu vốn sẽ được phân bổ.

    Đây không phải lần đầu tiên nỗ lực đưa ra giải pháp khả thi thay thế cho BRI từ phương Tây gặp vấn đề về kinh phí. Dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington cũng thường đề cập đến việc phát triển một dự án cạnh tranh với BRI. Cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi năm 2018 tuyên bố thành lập một quỹ mới để "đấu với Trung Quốc", nhưng chỉ kêu gọi được 113 triệu USD.

    Một ví dụ khác là sáng kiến Mạng lưới Điểm xanh do Mỹ phát triển cùng Australia và Nhật Bản vào năm 2019, với mục tiêu thu hút vốn tư nhân từ những quỹ hưu trí và nhà đầu tư lớn khác cho các hợp đồng cơ sở hạ tầng tại thị trường mới nổi. Dự án này ban đầu gần như không đạt được kết quả nào, vài tuần gần đây mới được tính đến một lần nữa. Tuy nhiên, dự án vẫn không có kinh phí.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là có cách tiếp cận nghiêm túc hơn. Ông đề xuất ý tưởng thành lập dự án cạnh tranh BRI với Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi đầu năm nay, như một phần của kế hoạch rộng lớn hơn cho "kỷ nguyên cạnh tranh cực độ" với Trung Quốc. Tại Mỹ, Biden thúc đẩy vay vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và dường như đang cố gắng làm điều tương tự trên phạm vi quốc tế.

    Bình luận viên Crabtree cho rằng Mỹ có thể đi theo một số hình mẫu, rõ ràng nhất là Nhật Bản. Quốc gia này đã âm thầm tài trợ cho những dự án trị giá hàng tỷ USD khắp châu Á, gây dựng danh tiếng về chất lượng cơ sở hạ tầng vượt xa Trung Quốc.

    Theo mô hình liên minh, G7 đã làm việc với cả Liên minh châu Âu (EU) và những nền kinh tế phát triển tại châu Á – Thái Bình Dương như Australia và Nhật Bản để tài trợ cho các cơ sở hạ tầng mới. Dưới thời Kurt Campbell, điều phối viên chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Biden, Mỹ cũng có nhiều khả năng hơn trong việc gắn kết những quan hệ đối tác như vậy, từng thể hiện qua kế hoạch phân phối vaccine Covid-19.

    Bình luận viên Crabtree kết luận rằng một kế hoạch thay thế BRI chỉ có thể hiệu quả nếu huy động được cả ý chí chính trị lẫn nguồn lực tài chính kèm theo. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốn kém, đặc biệt với những công trình xuyên quốc gia như đường sắt hoặc lưới điện thông minh.

    "Các nền kinh tế mới nổi sẽ theo dõi chặt chẽ để xem những nhóm như G7 có kế hoạch cạnh tranh với Trung Quốc nghiêm túc đến mức nào", Crabtree nhận định.


    Ánh Ngọc (Theo NewStatesman, AFP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 62 khách