Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Án mạng từ tình tay ba vào tác phẩm của Charles Dickens
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Án mạng từ tình tay ba vào tác phẩm của Charles Dickens

    by VietNews » Thứ 7 Tháng 6 19, 2021 7:45 pm






    LONDON- Chứng kiến Marie cùng chồng bị hành quyết trước 30.000 người do giết tình nhân, nhà văn Charles Dickens đã kêu gọi bỏ hình phạt treo cổ trước đám đông.

    Trong bầu không khí ngột ngạt ở Bermondsey, London, chiều tối 9/8/1849, Patrick O'Connor (nam hải quan 50 tuổi, người Ireland) đến ngôi nhà trên đường Miniver Place để dự bữa tối theo lời mời của cô gái trẻ Marie Manning cùng chồng là Frederick Manning. Nhưng không có bữa tối nào đợi ông ở đó.

    Khi O'Connor đang rửa tay, Marie Manning bắn ông bằng khẩu súng lục. Viên đạn găm vào phía sau hộp sọ làm ông gục xuống, sau đó Frederick tiếp tục dùng xà beng đập vào đầu đến khi quý ông giàu có tắt thở.

    Án mạng đã đi vào lịch sử nước Anh với tên gọi Bermondsey Horror (tạm dịch Thảm kịch Bermondsey). Marie và Frederick trở thành cặp vợ chồng đầu tiên ở nước này cùng chịu án treo cổ trước đám đông kể từ năm 1700. Khởi nguồn của thảm kịch là mối tình tay ba giữa Maria, O'Connor và Frederick, giữa tình yêu, lòng tham, và phản bội.

    Hình ảnh
    Marie và Frederick Manning. Ảnh: Southwark News.

    Marie sinh ra ở Thụy Sĩ, cô đến London để làm người giúp việc cho giới quý tộc Anh. Năm 1846, cô chuyển đến lâu đài Stafford House để làm hầu gái cho con gái công nương xứ Sutherland.

    Cuộc sống trong lâu đài khiến cô gái 25 tuổi rơi vào cạm bẫy của xa hoa và nỗi sợ cảnh nghèo khó. Trong một chuyến đi thuyền cùng gia chủ đến Boulogne, Marie đã gặp O'Connor và bị quyến rũ bởi vẻ lịch duyệt, phong độ của ông. Họ hẹn gặp lại nhau ở London.

    Nhiều tháng sau, O'Connor đến lâu đài Stafford House để đưa cô đi ăn tối. Khi ấy, Marie đang trong mối quan hệ với Frederick. Cả hai người đàn ông đều đưa ra lời cầu hôn, khiến cô hầu gái tiến thoái lưỡng nan.

    Marie phải chọn "người cung cấp" tốt nhất cho mình. Patrick O'Connor là đàn ông đúng nghĩa, phong độ và giàu có. Ngoài làm viên chức hải quan ở cảng, ông còn cho vay tiền. Điểm trừ là khoảng cách tuổi tác và nghiện rượu. Còn Frederick thì chỉ hơn cô vài tuổi, từng là nhân viên đường sắt nhưng bị mất việc do dính líu đến vài vụ trộm cắp, thu nhập thấp.

    Nhưng Frederick đã vẽ ra một tương lai đầy hứa hẹn, rằng anh sẽ được hưởng một khoản thừa kế từ mẹ, nên Marie nghe theo. Cô quyết định kết hôn với anh ta vào tháng 5/1847.

    Lời đường mật của Frederick chỉ là một cú lừa, khi nhận ra, Marie bắt đầu dan díu với người tình lớn tuổi Patrick O'Connor. Ông thường xuyên đến nhà cặp vợ chồng trẻ để dùng bữa, và chồng Marie dường như cũng biết được mối quan hệ giữa hai người.

    Hai năm sau, Marie đã chắc chắn việc chọn hôn phu của mình là sai lầm. Cô đi đến một quyết định cực đoan, nếu không có được O'Connor, thì ít nhất cũng có được tiền của ông ta.

    Sau khi chuẩn bị súng, xà beng để mưu sát, ngày 8/8/1949, cô mời người tình đến nhà. Hôm đó, kế hoạch của Marie cùng chồng bất thành khi O'Connor đến cùng một người bạn. Vì thế, Marie đã rù quyến người tình đến một mình vào chiều tối hôm sau để hai người có thể "thân mật" hơn. Mọi thứ đã diễn ra đúng như kịch bản. Sau khi đập chết tình địch, Frederick cùng vợ đào hố dưới nhà bếp để giấu xác.

    Sáng hôm sau, Marie đến chỗ ở của người tình trên đường Mile End Road, đông London, lấy đi hàng trăm bảng Anh, đồng hồ vàng, dây chuyền và trái phiếu đường sắt. Ba ngày sau, hai đồng nghiệp hải quan của O'Connor đến thăm nhà Marie để hỏi thăm tung tích người bạn, vì họ biết ông đã ăn ở đây vào tối ngày 9/8. Cô nói không thấy ông đâu. Nhưng chuyến thăm đã khiến cặp vợ chồng hoảng sợ vì nghĩ những người vừa đến là thám tử.

    Vợ chồng họ bắt đầu trở mặt nhau để mưu tính riêng. Marie nói Frederick bán một số đồ đạc để bỏ trốn, nhưng khi anh ta đi bán thì cô đã mang tài sản biến mất.

    Trở về nhà, khi nhận ra mình bị lừa, Frederick điên tiết rồi vội vàng gom vài món đồ, bắt tàu đến đảo Jersey cách nhà 250 dặm. Marie lúc này đang trên taxi đến bến tàu hỏa King's Cross để vượt đoạn đường 400 dặm đến thủ đô Edinburgh của Scotland.

    Điều tra vụ mất tích của O'Connor, các thám tử nắm được việc Maria đã đến nơi ở của ông O'Connor lấy tài sản nên nghi ngờ viên hải quan bị cặp vợ chồng sát hại.

    Hình ảnh
    Tranh vẽ cảnh hành quyết tại nhà tù Horsemonger Lane Gaol. Ảnh: Southwark News.

    Ngày 17/8/1849, hơn một tuần sau án mạng, cảnh sát khám nhà Marie và Frederick, phát hiện một số viên gạch bị vênh trong nhà bếp nên khai quật được thi thể của nam sĩ quan.

    Người lái taxi sau đó đã báo với cảnh sát về lịch trình đến Scotland của Marie. Khi cảnh sát London báo cho nhà chức trách Scotland thì Marie đã bị giam giữ, do nghi ngờ bán các cổ phiếu của ông O'Connor bất hợp pháp.

    Còn Frederick cố tìm quên trong rượu mạnh. Khi bị cảnh sát bắt, anh nói: "Tôi chưa bao giờ thích ông ta", và khai nhận hành vi phạm tội.

    Trong phiền tòa xét xử vào cuối tháng 10 năm đó, luật sư biện hộ của hai vợ chồng đều tìm cách đổ lỗi cho người còn lại. Song bồi thẩm đoàn đã tuyên án cả hai về tội Giết người. Maria bị cáo buộc "tham lam, giết người tình vì tiền", còn Frederick bị cho là "hành động vì ghen tuông với người đàn ông ngủ cùng vợ mình".

    Cặp đôi bị hành quyết trên nóc nhà tù Horsemonger Lane Gaol vào ngày 13/11/1849. Khi đó, Maria đã mặc một chiếc váy sa tanh đen khi bước lên giá treo cổ, và cô đã trao cho chồng một nụ hôn trước khi chết. Ước tính, 30.000 đến 50.000 người đã đến xem cặp vợ chồng bị treo cổ.

    Hình ảnh
    Bài bình luận của Charles Dickens gửi tờ The Times về vụ hành quyết là một trong những tiếng nói đầu tiên chống lại hình phạt treo cổ trước đám đông. Ảnh: British Library.

    Nhà văn Charles Dickens, từ một căn phòng ông thuê gần đó, chứng kiến toàn bộ việc hành quyết cũng như hành vi của đám đông lúc đó. Ghê tởm trước sự man rợ, ông đã viết một bình luận gửi tờ The Times. "Tôi tin rằng cảnh tượng kinh khủng khi sự độc ác và thiếu đứng đắn của đám đông quy tụ tại buổi hành quyết sáng nay là không thể tưởng tượng được", ông viết và kêu gọi việc hành quyết chỉ nên diễn ra trong phạm vi nhà tù chứ không phải trước công chúng.

    Charles Dicken được cho là đã lấy Marie làm nguyên mẫu để xây dựng nhân vật Mademoiselle Hortense, hầu gái của Lady Dedlock trong Bleak House (Ngôi nhà ảm đạm), tiểu thuyết được đánh giá là u tối của nhà văn, xuất bản vào năm 1853.

    Những năm sau, Dickens là một trong những người vận động chống lại hình phạt treo cổ công khai, dẫn đến việc bãi bỏ chính thức hình phạt này vào 1868, gần 20 năm sau khi xảy ra án mạng.

    Phạm Linh (Theo The Ministry of History, Southwark News)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 66 khách