Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Trái Đất đang giữ lại lượng nhiệt kỷ lục
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Trái Đất đang giữ lại lượng nhiệt kỷ lục

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 6 20, 2021 8:25 pm






    Nghiên cứu của NASA cho thấy lượng nhiệt Trái Đất giữ lại trong bầu khí quyển tăng gần gấp đôi kể từ 2005, góp phần làm thời tiết nóng lên.

    "Lượng nhiệt mà Trái Đất giữ lại trong bầu khí quyển đang ở mức chưa từng có", Norman Loeb, nhà khoa học Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) kiêm tác giả chính của nghiên cứu công bố tuần trước trên tạp chí Nghiên cứu Địa Vật lý, nói. "Trái Đất đang nóng lên nhanh hơn dự kiến".

    Sử dụng dữ liệu vệ tinh, nhóm nghiên cứu tính toán hiện tượng mất cân bằng năng lượng, tức sự chênh lệch giữa năng lượng mà Trái Đất hấp thụ từ Mặt Trời so với nhiệt lượng mà nó tỏa ra hoặc phản xạ trở lại không gian.

    Hình ảnh
    Ảnh chụp Trái Đất từ Trạm Vũ trụ Quốc tế bay trên Đại Tây Dương, tây nam Nam Phi. Ảnh: NASA.

    Stuart Evans, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Buffalo, cho hay khi tỷ lệ mất cân bằng này ở mức dương, nghĩa là Trái Đất hấp thụ nhiệt nhiều hơn tỏa nhiệt, đó là bước đầu tiên dẫn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.

    "Đó là dấu hiệu Trái Đất đang tích thêm năng lượng", Evans nói. Nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng đó đã tăng gần gấp đôi từ năm 2005 tới 2019.

    "Đó là lượng năng lượng khổng lồ", Gregory Johnson, nhà hải dương học tại Phòng thí nghiệm Môi trường biển Thái Bình Dương của Cơ quan Khí quyển Đại dương Mỹ (NOAA), đồng tác giả của nghiên cứu, nói.

    Johnson cho hay mức tăng nhiệt lượng này tương đương với 4 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima nổ trong mỗi giây, hoặc mỗi người trên Trái Đất bật 20 ấm điện đun nước cùng lúc.

    Trái Đất nhận khoảng 240 W nhiệt lượng từ Mặt Trời trên mỗi m2. Vào giai đoạn đầu nghiên cứu, năm 2005, nó đã bức xạ lại không gian khoảng 239,5 W, khiến sự mất cân bằng dương 0,5 W. Cuối năm 2019, mức chênh lệch này tăng gần gấp đôi, lên khoảng 1 W/m2.

    Đại dương hấp thụ hầu hết số nhiệt lượng đó, khoảng 90%. Khi so sánh dữ liệu vệ tinh với kết quả đo nhiệt độ từ hệ thống cảm biến đại dương, các nhà nghiên cứu phát hiện một mô hình tương tự.

    Loeb gọi kết quả mất cân bằng này là "cái đinh đóng vào quan tài". "Việc các nhà nghiên cứu sử dụng hai cách quan sát khác nhau và đều phát hiện xu hướng giống nhau là điều đáng chú ý", Elizabeth Maroon, nhà khí hậu học tại Đại học Wisconsin, Madison, nói. "Nó khiến họ tự tin hơn với kết quả nghiên cứu".

    Hình ảnh
    Kênh Lemaire, phía tây bán đảo Nam Cực ngày 3/3/2016. Ảnh: AFP.

    Câu hỏi lớn nhất là điều gì đã thúc đẩy Trái Đất tăng hấp thu nhiệt. Nghiên cứu chỉ ra độ giảm che phủ của mây và băng biển, những thứ phản xạ năng lượng Mặt Trời trở lại vũ trụ, cùng sự gia tăng khí nhà kính do con người phát thải như metan và carbon dioxit, cũng như hơi nước, thứ giữ nhiệt ở lại lâu hơn trên Trái Đất, cùng các yếu tố khác. Nhưng rất khó để phân biệt thay đổi do con người gây ra với thay đổi theo chu kỳ khí hậu.

    "Chúng đã kết hợp cùng nhau", Loeb nói, cho hay cần nghiên cứu thêm để xác định các yếu tố.

    Quãng thời gian nghiên cứu trùng với những biến động về khí hậu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng nhiệt, bao gồm hiện tượng El Nino mạnh từ năm 2014 tới 2016, dẫn tới nước biển ấm lên bất thường. Dao động Thập niên Thái Bình Dương (PDO - hiện tượng biến đổi khí hậu theo chu kỳ 10 năm trên Thái Bình Dương), một hiện tượng giống El Nino, cũng chuyển từ "mát" sang "ấm" vào năm 2014.

    Nhưng Johnson cho hay điều này cũng không thể ngụy biện cho hành vi của con người. "Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho một số nguyên nhân", ông nói, nhưng chưa rõ là bao nhiêu.

    Kevin Trenberth, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia, cho hay kết quả nghiên cứu không gây ngạc nhiên với những biến đổi khí hậu hiện nay, nhưng thời gian 15 năm không đủ để tạo ra một xu hướng.

    "Chắc chắn cần quan sát thêm 10-15 năm nữa để xem điều này diễn ra như thế nào", ông nói. "Câu hỏi đặt ra là: Liệu xu hướng này có tiếp diễn?"

    "Càng quan sát lâu, chúng ta càng chắc chắn về xu hướng của nó", ông giải thích.

    Theo dõi sự mất cân bằng nhiệt lượng của Trái Đất cũng giúp nhà khoa học hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu, Johnson nói. Các chỉ số thông thường khác như nhiệt độ không khí chỉ phản ánh một phần nhỏ ảnh hưởng của nhiệt lượng Mặt Trời. Sự mất cân bằng nhiệt lượng Trái Đất thể hiện "tổng lượng nhiệt đi vào hệ thống khí hậu".

    Trenberth cho rằng bất kể lý do nào thúc đẩy sự mất cân bằng năng lượng Trái Đất, việc tỷ lệ này ở mức dương thể hiện "toàn cầu đang nóng lên". Lượng nhiệt tăng, đặc biệt ở đại dương, đồng nghĩa với việc các trận bão và sóng nhiệt ở biển sẽ dữ dội hơn.

    "Tôi hy vọng Trái Đất sẽ không tiếp tục bị đốt nóng theo chiều hướng này", Loeb nói. "Đây không phải tin tốt".


    Hồng Hạnh (Theo Washington Post)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 70 khách