Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Chậm bổ nhiệm đại sứ cản trở sách lược của Biden
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Chậm bổ nhiệm đại sứ cản trở sách lược của Biden

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 6 20, 2021 11:03 pm





    Tổng thống Biden muốn đưa nước Mỹ trở lại chính trường quốc tế nhưng tham vọng đang bị cản bước vì thiếu đội ngũ đại sứ.

    Khi Joe Biden đặt chân đến châu Âu tuần qua, đón tiếp ông ở cả ba nước công du Anh, Bỉ và Thụy Sĩ đều vắng mặt đại sứ Mỹ. Washington vẫn chưa chọn được đại sứ cho bất kỳ nước nào tại 6 nước thành viên còn lại của G7. Mỹ cũng chưa cử đại sứ đến Liên minh châu Âu (EU). Sau hơn 5 tháng chính phủ Biden nắm quyền, Mỹ vẫn thiếu đại diện ngoại giao cấp cao tại một loạt trọng tâm đối ngoại trên toàn cầu, từ Bắc Kinh, New Dehli, Seoul, Manila đến Kiev, Islamabad, Riyadh.

    Hình ảnh
    Tổng thống Joe Biden tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ vào ngày 14/6. Ảnh: Reuters.

    Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan không có mặt tại Moskva suốt ba tháng qua vì căng thẳng ngoại giao song phương, sau khi Tổng thống Joe Biden gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin là "sát nhân" khiến Điện Kremlin phẫn nộ. Phải đến hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tuần qua, Putin và Biden mới tuyên bố các đại sứ sẽ trở về nhiệm sở ở thủ đô hai nước. Tuy nhiên, vị trí này cũng không mang dấu ấn riêng của chính phủ Biden. Sullivan do Tổng thống Donald Trump lựa chọn vào cuối năm 2019 và được giữ lại đến nay.

    Ngày 15/6, Nhà Trắng công bố ý định chọn Julianne Smith làm đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Có 8 đề cử khác cùng xuất hiện trong danh sách, nổi bật là vị trí đại sứ Mỹ tại Israel và Mexico. Lần gần nhất Nhà Trắng công bố danh sách tương tự là vào tháng 4. Quá trình từ đề cử đến bổ nhiệm chính thức còn tốn rất nhiều thời gian, trải qua chất vấn vấn và bỏ phiếu phê duyệt từng ứng viên tại Thượng viện Mỹ.

    Khó xác định mức độ tác động từ việc thiếu vắng đại sứ giữa giai đoạn ngoại giao quốc tế nhiều biến động vì Covid-19. Thông thường, khi một nước chưa kịp bổ nhiệm đại sứ ở nước khác, một quan chức ngoại giao cấp cao sẽ giữ vai trò đại biện quán xuyến công việc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mô hình ngoại giao "trực tuyến"cũng chứng tỏ phần nào hiệu quả khi các nhà ngoại giao không thể gặp mặt trên thực địa. Nguyên thủ quốc gia và bộ trưởng ngoại giao thường trao đổi trực tiếp, hiếm khi qua đại sứ nếu không có vấn đề đối ngoại nghiêm trọng.

    Trong 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, một số trường hợp bổ nhiệm đại sứ thiếu kinh nghiệm ngoại giao thậm chí còn phản tác dụng, tác động tiêu cực lên quan hệ song phương. Điển hình là cựu đại sứ Mỹ Richard Grenell làm mất lòng chính phủ Đức đến mức quan chức ngoại giao nước sở tại tiết lộ ông bị "cô lập chính trị", theo Der Spiegel. Đảng cánh tả Dân chủ Tự do (FDP) từng đề nghị Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trục xuất Grenell khỏi nước này. Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm, Anthony Bliken, đang chủ trương không đi vào vết xe đổ và muốn đẩy mạnh bổ nhiệm nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm cho các vị trí đại sứ.

    Song thực trạng hiện nay không mấy thuận lợi cho tôn chỉ "đối ngoại là sự mở rộng hợp lý của những mối quan hệ cá nhân" mà Washington đang theo đuổi. Cách mô tả này được Tổng thống Joe Biden đưa ra sau hội đàm với người đồng cấp Nga vào ngày 16/6 tại Geneva.

    Hình ảnh
    Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield trong buổi chất vấn của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày 9/1. Ảnh: AP.

    Mỹ hoàn tất bổ nhiệm đại sứ càng sớm, đội ngũ hoạch định chiến lược tại Washington sẽ càng nhanh chóng nắm bắt những nhân tố quyết định quan hệ và khởi động quá trình xây dựng niềm tin. Ngoài ra, những nhà ngoại giao được đích thân tổng thống Mỹ lựa chọn có tiếng nói nặng ký hơn với cả Washington lẫn quốc gia họ được cử đến.

    Chậm trễ bổ nhiệm đại sứ đã khiến Mỹ đánh mất một vài cơ hội khẳng định vị thế dẫn dắt quốc tế thời gian qua, trong đó có thể kể đến xung đột Israel - Palestine. Phải đến ngày 15/6, Nhà Trắng mới đề cử Tom Nides làm đại sứ tại Israel. Giả sử ông được hoàn tất bổ nhiệm trước đó một tháng, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ có thể tận dụng được sức ảnh hưởng và các mối quan hệ cá nhân để thuyết phục Washington quan tâm hơn đến căng thẳng tại Jerusalem, hoặc trực tiếp can thiệp trước khi chiến sự bùng phát giữa quốc gia Do Thái và tổ chức Hamas. Thiếu đại sứ hiện diện, chính phủ Biden rơi vào tình thế bị động và ứng phó bằng cách cử Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hady Amr làm đặc phái viên hòa giải.

    Tình trạng chậm trễ bổ nhiệm không dừng lại ở mảng đối ngoại mà đang trở thành thực tế chung trong toàn bộ máy chính phủ Biden.

    Sau giai đoạn khởi đầu đầy tốc độ với một loạt bổ nhiệm nội các, công tác nhân sự ở Washington đang chững lại. Qua 5 tháng đầu nhiệm kỳ, có 67 đề cử chính trị của Tổng thống Mỹ được Thượng viện phê duyệt. Con số này cao hơn người tiền nhiệm Donald Trump với 41 vị trí, nhưng thấp hơn rất nhiều so với 149 bổ nhiệm của Tổng thống Barack Obama trong cùng khoảng thời gian. Mỗi tổng thống Mỹ trung bình phải bổ nhiệm 1.100 vị trí cần Thượng viện phê chuẩn và khoảng 3.000 không cần bỏ phiếu.

    Có hai lực cản khiến tốc độ bổ nhiệm chính trị không được như Biden kỳ vọng. Bộ máy quản lý nhân sự chính phủ chưa hoàn chỉnh khi ba vị trí quan trọng nhất vẫn chưa được lấp đầy: Giám đốc Văn phòng Quản lý Nhân sự, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách. Đây là các cơ quan giám sát việc chọn lọc ứng viên cho Tổng thống Mỹ bổ nhiệm. Bên cạnh đó, nhiều đề cử từ Nhà Trắng đang nghẽn tại Thượng viện Mỹ.

    Các vị trí trợ lý ngoại trưởng quan trọng đã được ông Biden chọn ra từ giữa tháng 4 nhưng đến nay chưa đề xuất nào được thông qua. Chậm trễ bổ nhiệm nhân sự là câu chuyện không mới tại Đồi Capitol. Dưới thời Barack Obama, thượng viện tốn trung bình 510 ngày để phê duyệt một trợ lý ngoại trưởng. Con số này trong nhiệm kỳ Donald Trump là 525 ngày.

    Chính phủ và quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử luôn bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng mới hoặc cần thúc đẩy chính sách mới, khiến quá trình đề xuất nhân sự và chất vấn ở thượng viện trì trệ. Với nhiệm kỳ của Joe Biden, quốc hội Mỹ trong tháng đầu tiên đã sa vào cuộc luận tội cựu tổng thống Donald Trump tốn nhiều nguồn lực chính trị. Nhà Trắng cũng cần tập trung cho nhiều ưu tiên cấp bách hơn như chương trình tiêm vaccine Covid-19 toàn quốc và gói giải cứu nền kinh tế. Câu chuyện tổ chức nhân sự vì vậy trở thành vấn đề thứ yếu.

    Biden cùng đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm đã rất khéo léo bổ nhiệm hơn 1.000 nhân sự không thuộc diện cần Thượng viện phê duyệt để bắt tay vào việc từ ngày đầu tiên nhậm chức. Dù vậy, họ vẫn không thoát được vòng xoáy quen thuộc mỗi kỳ chuyển giao chính phủ.


    Trung Nhân (Theo Economist)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 72 khách