Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Hy vọng cho người ung thư từ công nghệ vaccine Covid-19
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Hy vọng cho người ung thư từ công nghệ vaccine Covid-19

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 6 22, 2021 1:01 pm






    Moderna và BioNTech đang sử dụng công nghệ mRNA để sản xuất vaccine và các liệu pháp giúp điều trị, ngăn ngừa khối u ác tính tái phát.

    Công nghệ mRNA được sử dụng để sản xuất vaccine Covid-19 dựa trên nguyên lý đưa mRNA vào cơ thể người để kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công một loại virus cụ thể. Công nghệ này đang được thử nghiệm để tìm ra các liệu pháp điều trị và ngăn ngừa bệnh ung thư tái phát. Nếu những phương pháp này có hiệu quả (điều sẽ sáng tỏ ít nhất sau một hoặc hai năm nữa), chúng sẽ gia nhập hàng ngũ các liệu pháp miễn dịch giúp cơ thể chống lại khối u.

    Ryan Sullivan, chuyên gia về ung thư tế bào hắc tố tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, cho biết: "Chúng tôi thấy khá mừng khi bệnh nhân tham gia các thử nghiệm và hy vọng có thể thu được kết quả tốt".

    Ông Sullivan không kỳ vọng rằng công nghệ mRNA là một phép màu. "Nó không phải toàn bộ câu trả lời mà chỉ là một phần", ông nói.

    Stephen Hahn, người từng là bác sĩ ung thư trước khi điều hành Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) từ 2019 đến đầu năm nay, cho biết các bác sĩ vẫn thận trọng vì đã có rất nhiều vaccine ung thư chưa đạt thành công.

    Tuy nhiên, lần này, ông Hahn cảm thấy lạc quan hơn vì giới nghiên cứu đã am hiểu nhiều hơn về vai trò của hệ miễn dịch đối với bệnh ung thư. Hầu hết các thử nghiệm vaccine ung thư mRNA hiện nay đều nhắm tới các ung thư hắc tố và ung thư thận. Trong đó, các loại thuốc ức chế phân tử kiểm soát miễn dịch đã tạo ra sự khác biệt đáng kể cho nhiều bệnh nhân.

    Điều trị ung thư vốn là một thách thức vì cơ thể coi các tế bào ung thư là một phần của chính nó và không động tới chúng. Nhiều liệu pháp điều trị ung thư nhắm đến cả tế bào khỏe mạnh, do đó thường gây tổn hại nặng nề cho sức khỏe nói chung.

    Trong thập kỷ qua, các hãng dược trên khắp thế giới đã và đang phát triển những phương pháp mới, hướng dẫn hệ miễn dịch chống lại các khối u, đặc biệt là khối u ác tính.

    Họ đã học cách loại bỏ các phân tử kiểm soát miễn dịch, giải phóng các "chiến binh" của hệ miễn dịch và tấn công tế bào ung thư. 10 năm trước, chỉ có khoảng 5% người bị ung thư hắc tố giai đoạn cuối sống sót sau 5 năm. Giờ đây, tỷ lệ này tăng gần 50%.

    Trước khi được tiêm vaccine Covid-19 mRNA, ông Bobby Fentress, 68 tuổi, đã tiêm vaccine khác dựa trên công nghệ tương tự để chống lại bệnh ung thư hắc tố. Các nhà nghiên cứu của Moderna đã lấy các tế bào từ khối u của Fentress và tìm những điểm khác biệt nhỏ so với các tế bào bình thường.

    Họ cũng xác định các đột biến tạo ra biến thể protein chỉ có ở các tế bào ung thư. Sau đó, một mRNA sẽ hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein này - giống như cách vaccine Covid-19 kích hoạt sản xuất protein gai có trên bề mặt nCoV. Khi hệ miễn dịch phát hiện các mảnh protein, nó sẽ tấn công bất cứ thứ gì có protein đó.

    Tháng 4/2020, tại Viện Nghiên cứu Sarah Cannon, ông Fentress đã tiêm mũi vaccine mRNA đầu tiên để điều trị ung thư. Ông cũng sử dụng thuốc giúp giải phóng hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Sự kết hợp này được kỳ vọng sẽ khiến bệnh không tái phát.

    Đầu mùa xuân năm 2021, ông Fentress hoàn thành thời gian điều trị kéo dài gần một năm. Còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của phương pháp, nhưng bác sĩ Meredith McKean - người chữa bệnh cho ông Fentress tại Sarah Cannon - nói rằng, ông đáp ứng tốt với quá trình điều trị.

    "Tôi không bị ung thư nữa. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn", ông Fentress chia sẻ.

    Hình ảnh
    Nhà khoa học Ozlem Tureci, giám đốc y tế. hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech, đơn vị dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu vaccine công nghệ mRNA. Ảnh: BioNTech

    Vaccine ngừa khối u ác tính tái phát

    Tiến sĩ Özlem Türeci, đồng sáng lập và giám đốc y tế của hãng BioNTech, cho biết việc ngăn ngừa ung thư tái phát là "cơ sở lý tưởng" cho công nghệ mRNA. Sau khi khối u phần lớn đã được loại bỏ qua phẫu thuật, vaccine có khả năng hỗ trợ cơ thể tạo ra các tế bào T, giúp kiểm soát tế bào ung thư, ngăn chúng phát triển.

    Như trong trường hợp của ông Fentress, mẫu sinh thiết được gửi đến phòng thí nghiệm - nơi sẽ so sánh tế bào ung thư của bệnh nhân với tế bào khỏe mạnh. Sau đó, theo bà Melissa J. Moore, giám đốc khoa học Moderna, một thuật toán sẽ phân tích các đột biến có trong tế bào ung thư và tìm những đột biến có thể kích hoạt sản sinh tế bào T.

    Bà Moore cho biết Moderna cùng hãng dược danh tiếng Merck đã thiết kế riêng và thử nghiệm các loại vaccine này trên khoảng 100 bệnh nhân. Họ đặt mục tiêu tạo ra vaccine mRNA tiêm trong khoảng 45 ngày sau khi bệnh nhân ung thư phẫu thuật.

    Hôm 18/6, BioNTech thông báo công ty đang tiến hành thử nghiệm mới trên 120 bệnh nhân ung thư hắc tố ở châu Âu, Anh, Australia và Mỹ. Phương pháp điều trị mới nhắm vào bốn kháng nguyên liên hệ khối u. Hơn 90% khối u hắc tố chứa ít nhất một trong bốn loại này.

    Ngoài việc điều trị và phòng ngừa, mRNA có thể được ứng dụng để giúp cơ thể tự chống lại ung thư. Ngày nay, các loại thuốc như Herceptin dùng trong điều trị ung thư vú phải được sản xuất trong các thùng lên men rất lớn. Các thiết bị phải được làm sạch và kiểm tra liên tục, theo bà Özlem Türeci, giám đốc y khoa của BioNTech. Thay vào đó, với công nghệ mRNA, cơ thể bệnh nhân có thể tự sản xuất các mảnh protein. Quá trình sản xuất cũng nhanh hơn và không cần nhà máy lớn.

    Những tiến bộ nhờ Covid-19

    Vaccine Covid-19 mang lại lợi ích to lớn đối với việc sử dụng mRNA trong chữa bệnh ung thư. Nó khiến thuật ngữ công nghệ mRNA được biết đến nhiều hơn, chứng minh hiệu quả tiềm năng và chỉ ra vaccine mRNA có thể được tạo ra rất nhanh trên quy mô lớn.

    Bằng chứng là Moderna đã sản xuất những liều vaccine Covid-19 đầu tiên chỉ hai tháng sau khi có kết quả giải trình tự gene của nCoV. Đại dịch cũng thúc đẩy sản xuất mRNA lên mức khó tin so với một thập kỷ trước, bà Moore cho hay.

    Tuy nhiên, phát triển vaccine ung thư phức tạp hơn, yêu cầu giải trình tự gene của các khối u và xác định những gene hữu ích nhất. Với vaccine Covid-19, ta chỉ cần mã di truyền của virus để tạo ra một loại vaccine duy nhất.

    Bên cạnh đó, số lượng lớn người mắc Covid-19 giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm vaccine. Nhờ vậy, các công ty chỉ mất vài tháng để nhận ra khả năng bảo vệ của vaccine.

    Trong khi đó, tất cả 5 trung tâm điều trị ung thư ở Đức chỉ nhận khoảng hai bệnh nhân đủ điều kiện thử nghiệm mỗi tháng, theo bà Türeci. Các nhà nghiên cứu có thể mất hai đến năm năm để xác định hiệu quả của vaccine. Các thử nghiệm ung thư cũng bị trì hoãn trong thời đại dịch.

    Türeci nói: "Tôi học được rằng điều trị ung thư là một địa hạt khó nhằn". Để đạt thành quả của hôm nay, bà và những nhà khoa học khác đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu.

    "Có quá nhiều thứ cần đầu tư về nỗ lực và ý tưởng", bà chia sẻ. Song, lời hứa với những bệnh nhân ung thư đã cho bà thêm động lực.

    "Chúng tôi sẽ không đầu hàng", bà Türeci nói.

    Mai Dung (Theo USA Today)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 36 khách