Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Mỹ chìa nhành ô liu với Triều Tiên
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27912
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Mỹ chìa nhành ô liu với Triều Tiên

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 6 22, 2021 1:28 pm






    Mỹ bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên và Bình Nhưỡng dường như cũng để ngỏ khả năng này, nhưng hai bên khó đàm phán trong tương lai gần.

    Tại một cuộc họp đảng Lao động tuần trước, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ chuẩn bị "cho cả đối thoại hoặc đối đầu" với Mỹ, ngay trước khi đặc phái viên mới của Mỹ về vấn đề Triều Tiên thăm Seoul. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã hứa hẹn sẽ có "cách tiếp cận thực tế, được hiệu chỉnh", bao gồm các nỗ lực ngoại giao, để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

    Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhận xét bình luận của ông Kim là "tín hiệu thú vị" khi Washington đang chờ đợi Bình Nhưỡng gửi thông điệp rõ ràng "liệu họ có sẵn sàng ngồi xuống đàm phán hay không". "Chúng tôi sẽ chờ xem liệu họ có bất kỳ hình thức giao tiếp trực tiếp nào với chúng tôi về con đường tiềm năng phía trước hay không", ông nói.

    Tuần này, trong chuyến thăm Hàn Quốc, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đề nghị gặp quan chức Bình Nhưỡng "mọi lúc, mọi nơi, không có điều kiện tiên quyết", bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với nỗ lực tiếp cận của họ. Tờ JoongAng Daily của Hàn Quốc bình luận Mỹ đang chìa "nhành ô liu" với Triều Tiên.

    Hình ảnh
    Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên tại Hàn Quốc ngày 21/6. Ảnh: AFP.

    Nhiều chuyên gia tin rằng tuyên bố của Kim Jong-un cho thấy ông đang đi theo chính sách "chờ xem tình hình" và tránh khiêu khích chính quyền Biden vào thời điểm nền kinh tế đang khó khăn khi Triều Tiên áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngăn Covid-19.

    Triều Tiên còn lâm vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng sau những cơn bão lớn tàn phá mùa màng hồi năm ngoái. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) gần đây ước tính Triều Tiên thiếu hụt khoảng 860.000 tấn lương thực, tương đương với hơn hai tháng nguồn cung toàn quốc.

    Triều Tiên nói rằng họ chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào, nhưng vẫn áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong nước. Covax, cơ chế phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết sẽ cung cấp gần hai triệu liều vaccine cho Triều Tiên, nhưng lô hàng bị trì hoãn vì các cuộc tham vấn kéo dài.

    Bình Nhưỡng có thể nghĩ rằng "quả bóng đang ở sân Mỹ và họ đang chờ xem cách tiếp cận của chính quyền Biden ra sao", Vipin Narang, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ, nói. Narang cho rằng ông Kim có lẽ muốn tránh một "cuộc đối đầu trong tương lai gần" trong tình hình khó khăn này.

    38 North, chương trình thuộc Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ, đánh giá "có những dấu hiệu cho thấy Washington và Bình Nhưỡng đang ở giai đoạn đầu đầy thận trọng của một nỗ lực ngoại giao", nhưng Triều Tiên hiện chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về khả năng đàm phán.

    "Đó là một dấu hiệu tốt khi Sung Kim nhấn mạnh lập trường của Washington rằng họ luôn sẵn sàng đối thoại. Vấn đề là Triều Tiên dường như chưa sẵn sàng", Duyeon Kim, chuyên gia từ Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Seoul, nói.

    Vài ngày trước khi Biden lên nắm quyền, Kim Jong-un đã mô tả Mỹ là "kẻ thù lớn nhất" và kêu gọi chế tạo vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn. Nhưng theo Rachel Minyoung Lee, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên của chính phủ Mỹ, "điều đáng chú ý là Bình Nhưỡng đã không tung ra những bình luận như vậy về chính quyền Biden trên truyền thông nhà nước. Điều đó cho thấy Bình Nhưỡng đang để ngỏ các lựa chọn chính sách của mình".

    Hình ảnh
    Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc họp ở Bình Nhưỡng ngày 18/6. Ảnh: KCNA.

    Kể từ tháng một, chính quyền Biden đã tìm cách xây dựng cách tiếp cận mới đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, thay vì tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh dựa trên quan hệ cá nhân như dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.

    Các quan chức Mỹ gợi ý rằng Biden sẽ dung hòa giữa chính sách tổ chức cuộc gặp trực tiếp với Kim Jong-un của Trump và "sự kiên nhẫn chiến lược" của Barack Obama để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

    Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, cho rằng Triều Tiên sẽ không sớm quay lại bàn đàm phán hạt nhân dưới thời Biden. Theo ông, Triều Tiên sẽ chỉ làm vậy sau khi chứng tỏ sức mạnh bằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

    Bình Nhưỡng có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm quân sự vào cuối mùa hè này, khi Mỹ - Hàn thường tổ chức tập trận chung. Mỹ - Hàn mô tả những cuộc tập trận như vậy mang tính chất phòng thủ, nhưng Triều Tiên coi đây là hành động tập dượt cho một cuộc xâm lược.

    "Một số người cho rằng việc Kim Jong-un đề cập đến khả năng đối thoại là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang để mở khả năng đàm phán, nhưng Bình Nhưỡng vẫn chưa bày tỏ thiện chí về các cuộc đàm phán cấp chuyên viên xoay quanh phi hạt nhân hóa", Easley nói.


    Phương Vũ (Theo EurAsianTimes/AP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 103 khách