Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
WHO lo ngại Covid-19 tại các nước tổ chức Euro
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    WHO lo ngại Covid-19 tại các nước tổ chức Euro

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 6 22, 2021 5:44 pm






    WHO bày tỏ lo ngại việc các nước tổ chức Euro nới lỏng biện pháp phòng chống Covid-19, lưu ý rằng ca nhiễm tại một số nơi đang gia tăng.

    "Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại việc nới lỏng các biện pháp tại một số quốc gia đăng cai Euro. Một số sân vận động tổ chức giải đấu đang tăng số lượng khán giả được cho phép", giám đốc văn phòng khu vực châu Âu của WHO Robb Butler cho biết hôm qua.

    WHO không nêu rõ tên bất kỳ thành phố nào, nhưng bình luận được đưa ra sau khi Anh thông báo hơn 60.000 khán giả sẽ được vào sân vận động Wembley ở thủ đô London để xem các trận bán kết và chung kết của Euro năm nay, trong khi giới hạn ban đầu là 40.000 người.

    Butler cho biết "ca nhiễm nCoV đang gia tăng ở khu vực tổ chức các trận đấu tại một số thành phố", đồng thời kêu gọi những thành phố này hành động nhanh chóng. "Chúng ta phải hành động nhanh trước các dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm đang gia tăng. Cần mở rộng xét nghiệm và giải trình tự, đẩy mạnh truy vết, tăng tốc tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao nhất", ông cho hay.

    Tại Đan Mạch, 29 ca nhiễm nCoV được phát hiện liên quan đến các trận đấu Euro diễn ra ở Copenhagen. Anette Lykke Petri, một quan chức y tế Đan Mạch, cho biết "về lý thuyết số ca nhiễm có thể cao hơn". Số lượng khán giả được vào sân tại Đan Mạch cũng vừa được tăng từ 16.000 lên 25.000.

    Hình ảnh
    Sân vận động Puskas Arena tại thành phố Budapest trước trận đấu giữa chủ nhà Hungary và Bồ Đào Nha, trong khuôn khổ Euro, hôm 15/6. Ảnh: AFP.

    Thế giới đã ghi nhận 179.867.235 ca nhiễm nCoV và 3.896.051 ca tử vong, tăng lần lượt 394.052 và 9.749, trong khi 164.616.910 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.432.387 ca nhiễm và 617.824 ca tử vong do nCoV, tăng 8.569 ca nhiễm và 295 ca tử vong so với một ngày trước đó.

    Jeffrey Zients, điều phối viên nhóm phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 22/6 thừa nhận chính phủ Mỹ có thể không đạt được mục tiêu tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho 70% người trưởng thành Mỹ vào ngày quốc khánh 4/7. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền Joe Biden đã "thành công vượt mong đợi cao nhất" của nhóm phản ứng, trong việc đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

    "Chúng tôi cho rằng sẽ mất thêm vài tuần nữa để đạt con số 70% người trưởng thành tiêm ít nhất một liều", Zients phát biểu trong một cuộc họp báo. Tính đến ngày 22/6, 65,4% người trên 18 tuổi tại Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.

    Tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày của Mỹ đang giảm mạnh, từ mức cao nhất là hơn 4,6 triệu liều hôm 10/4 xuống còn hơn 500.000 liều hồi đầu tháng 6. Chính quyền Biden cho biết họ đang tiếp tục cải tiến chiến lược khuyến khích tiêm chủng, đặc biệt nhằm tiếp cận nhóm trẻ tuổi hơn, từ 18 đến 27 tuổi.

    Ngoài những cuộc trò chuyện trực tiếp và chương trình khuyến khích tiêm chủng, giới chức bắt đầu cảnh báo ngày càng nhiều về nguy cơ từ biến chủng Delta, lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ, lây lan dễ dàng hơn và gây tỷ lệ tử vong cao hơn.

    Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 30.027.850 ca nhiễm và 390.691 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 54.393 và 1.129 ca.

    Chiến dịch tiêm chủng tại nước này dường như ngày càng tiến bộ, với kỷ lục 7,5 triệu liều vaccine Covid-19 được tiêm trong ngày 21/6. Giới chuyên gia cho biết Ấn Độ cần tiêm 10 triệu liều mỗi ngày để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 950 triệu người vào tháng 12. Hơn 5% dân số Ấn Độ đã tiêm đủ hai liều.

    Hồi đầu tháng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết chính phủ sẽ mua 75% vaccine từ các nhà sản xuất và phân phối miễn phí đến các bang. Nhiều bệnh viện tư nhân trước đó cũng chủ động mua vaccine cho người từ 18 đến 45 tuổi. "Nếu nguồn cung ổn định, chúng tôi sẽ tiêm được cho phần lớn dân số vào cuối năm nay", D.N Patil, quan chức y tế cấp cao ở bang Maharashtra, cho biết.

    Giridhara Babu, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ, nhận định "thảm cảnh Covid-19 đã chấm dứt". Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo nguy cơ ở vùng nông thôn, nơi 2/3 dân số sinh sống. Việc tái mở cửa các thành phố cũng có thể làm phức tạp hóa nỗ lực tiêm chủng.

    Nga, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, báo cáo 5.350.919 ca nhiễm và 130.347 người chết, tăng lần lượt 16.715 và 546 trường hợp. Đây là số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể tử tháng hai. Thủ đô Moskva luôn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi đại dịch khởi phát.

    Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin hôm qua yêu cầu các quán bar và nhà hàng từ ngày 28/6 chỉ phục vụ những người đã tiêm vaccine Covid-19, từng nhiễm virus và khỏi bệnh trong 6 tháng qua, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng ba ngày. Đây là một trong những biện pháp cứng rắn nhất của Moskva, để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa mới.

    Điện Kremlin cho biết làn sóng lây nhiễm mới trong hai tuần qua là do biến chủng Delta và tốc độ chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng, dù 4 loại vaccine được sản xuất nội địa đã được cấp phép sử dụng. Giới chức đang kêu gọi người dân đi tiêm bằng cách treo thưởng ô tô và căn hộ mới, đồng thời cảnh báo những người không tiêm có thể bị mất thu nhập và sa thải.

    Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2.018.113 ca nhiễm, tăng 13.668, và 55,291 người chết, tăng 335. Số ca nhiễm tại Indonesia giờ đây cao thứ ba châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Iran.

    Từ ngày 22/6, Indonesia thắt chặt các hạn chế xã hội đối với những "vùng đỏ" trong hai tuần, nhằm ngăn số ca nhiễm mới gia tăng. Các văn phòng, nhà hàng, quán cà phê và trung tâm thương mại chỉ được phép hoạt động với 25% công suất. Hoạt động tôn giáo tạm thời bị đình chỉ và điểm tham quan du lịch phải đóng cửa.

    Tình hình đại dịch đang gây áp lực lên hệ thống bệnh viện, bao gồm thủ đô Jakarta, nơi 80% giường bệnh đã được sử dụng, đồng thời thúc đẩy chính phủ khẩn trương thực hiện kế hoạch tiêm chủng một triệu người mỗi ngày vào tháng sau. Giới chức tới nay mới chỉ tiêm được đầy đủ cho 12,3 triệu người trong tổng số 270 triệu dân.

    Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.367.894 ca nhiễm và 23.809 ca tử vong, tăng lần lượt 3.666 và 60 ca.

    Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 21/6 dọa bỏ tù những người không tiêm vaccine Covid-19, sau khi có báo cáo về tỷ lệ người tiêm chủng thấp tại một số địa điểm ở thủ đô Manila. Tuyên bố này trái ngược với quan chức y tế Philippines, những người nói rằng dù kêu gọi người dân tiêm vaccine Covid-19, đây vẫn là lựa chọn mang tính tự nguyện.

    Philippines đã đặt hàng 113 triệu liều vaccine từ 5 nhà sản xuất, gồm 26 triệu liều Sinovac, 10 triệu liều Sputnik V, 20 triệu liều Moderna, 17 triệu liều AstraZeneca và 40 triệu liều từ Pfizer/BioNTech mới đạt thỏa thuận.

    Tình hình Covid-19 tại Thái Lan cũng diễn biến phức tạp, với tổng cộng 225.365 ca nhiễm và 1.693 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 4.059 và 35. Hơn 85% số ca nhiễm và 95% ca tử vong được báo cáo kể từ tháng 4.

    Kiatiphum Wongrajit, một quan chức y tế cấp cao Thái Lan, hôm qua cho biết những khu vực đã phát hiện biến chủng Delta có thể "điều chỉnh thời gian tiêm liều vaccine thứ hai", với khoảng cách giữa hai liều vaccine AstraZeneca giảm từ 10-12 tuần xuống 8 tuần.

    Thái Lan ghi nhận ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên tại thủ đô Bangkok vào tháng trước. Giờ đây, biến chủng này đã lan tới 20 tỉnh, với hơn 660 ca nhiễm được báo cáo. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng của Thái Lan, sử dụng vaccine của Sinovac và AstraZeneca, từng bị đình trệ một tuần hồi đầu tháng do thiếu nguồn cung. Khoảng 2,2 triệu người đã được tiêm đầy đủ, trong tổng số hơn 66 triệu dân.


    Ánh Ngọc (Theo Worldometers, AFP, Reuters)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 29 khách