Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Vaccine Covid-19 có thúc đẩy virus đột biến?
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Vaccine Covid-19 có thúc đẩy virus đột biến?

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 6 23, 2021 12:52 pm






    Vaccine Covid-19 hiệu quả cao và được tiêm đúng thời hạn sẽ bảo vệ người dân chống lại virus, chứ không phải là tác nhân khiến nCoV đột biến.

    Tháng 5/2021, trong cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu khoa học mang tên "Hold-Up", chuyên gia virus người Pháp Luc Montagnier tuyên bố nCoV không bị tiêu diệt sau khi gặp kháng thể do vaccine tạo ra. Thay vào đó, nó tìm "con đường khác" để lây nhiễm cho người, đó chính là đột biến.

    Nhà nghiên cứu từng đoạt giải Nobel Y học nói: "Điều này xảy ra ở mọi quốc gia. Đường cong dịch tễ đằng sau chiến dịch tiêm chủng là đường cong chết chóc".

    Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia y tế đánh giá tuyên bố của Montagnier là không chính xác. Phó giáo sư, tiến sĩ Peter Stoilov, cho rằng lập luận này "hoàn toàn sai lầm".

    Virus dùng cơ chế tự nhân lên để sinh sản. Mỗi lần nhân lên, chúng tạo ra các lỗi sao chép nhỏ. Sai số đó khiến mã di truyền của virus thay đổi, chúng đột biến bên trong vật chủ.

    Ngoài ra, giống với tất cả các loại sinh vật sống, virus không ngừng phát triển suốt dòng đời. Nếu một đột biến mang lại lợi thế sống sót cho virus, phiên bản đó trở nên phổ biến hơn. Đây là quá trình chọn lọc tự nhiên. Ví dụ, biến thể Alpha thống trị Anh bởi nó có đặc tính lây lan nhanh chóng.

    Như vậy, vaccine không phải lý do trực tiếp gây ra các biến thể nCoV.

    Thực tế, ý tưởng vaccine khiến virus đột biến được các nhà khoa học thảo luận kể từ tháng 2, khi Anh quyết định trì hoãn liều vaccine thứ hai để tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều dân càng tốt.

    Một số người cho rằng vaccine gây áp lực tiến hóa lên virus. Biến thể được lựa chọn để tiếp tục sinh sản là những loại có thể trốn tránh hệ miễn dịch. Quy trình chọn lọc tự nhiên loại bỏ các phiên bản virus quá nguy hiểm, đến nỗi giết chết vật chủ. Vaccine cho phép vật chủ sống sót, nhưng không ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh, vô tình tạo ra các biến thể virus nguy hiểm hơn. Tình trạng này tương tự hiện tượng kháng kháng sinh ở vi khuẩn.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 của Pfizer tại Nashville, tháng 5/2021. Ảnh: NY Times

    Tuy nhiên, theo Richard Harris, phóng viên khoa học của Đài Phát thanh Quốc gia Mỹ, quá trình này diễn ra rất chậm, không đáng ngại.

    "Virus luôn đột biến. Có trường hợp người đã tiêm vaccine tình cờ tạo ra một biến thể trốn tránh miễn dịch, virus nhân lên bên trong cơ thể họ. Nhưng đây chỉ là bước rất nhỏ trong toàn bộ quy trình đột biến. Nếu vaccine giữ nồng độ biến thể ở mức thấp, người nhiễm sẽ không sản sinh đủ lượng virus để lây sang cộng đồng", ông nói.

    Tình huống xấu chỉ xảy ra nếu sử dụng một loại vaccine yếu hoặc trì hoãn liều thứ hai quá lâu. Đây là điều nhà virus học Andrew Read của Đại học bang Pennsylvania cảnh báo. Nghiên cứu trên virus cúm gia cầm năm 2003 của ông cho thấy vaccine hiệu quả thấp thúc đẩy sự phát triển của chủng virus nguy hiểm hơn.

    Các nhà khoa học khác lập luận khi hoãn tiêm liều vaccine thứ hai, cơ thể người phát triển phản ứng miễn dịch nhưng không đủ mạnh. Virus có thêm thời gian để thích ứng và trốn tránh kháng thể. Đó là lý do nhiều chuyên gia cho rằng cần đảm bảo tiêm chủng theo đúng lịch trình định sẵn.

    Trì hoãn liều vaccine thứ hai trên quy mô lớn có thể tạo ra hàng triệu người đủ miễn dịch để chống lại virus, song không tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh. Đây là công thức hoàn hảo để tạo ra các biến thể làm giảm hiệu quả của vaccine, Florian Krammer, chuyên gia virus tại Trường Y Icahn, Mount Sinai, New York, nhận định.

    Trên thực tế, vaccine vẫn là phương pháp tối ưu để đẩy lùi Covid-19. Nhờ có vaccine đủ hiệu quả và một chiến dịch tiêm chủng kịp thời, đúng hạn, Mỹ đang ở gần nhất với ngưỡng thoát khỏi đại dịch. Nước này đã tiêm đủ hai liều vaccine cho 45% dân số, tương đương với 150 triệu người. Vaccine được sử dụng là Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, độ hiệu quả lần lượt là 91%, 90% và 72%.

    Số ca nhiễm theo ngày giảm mạnh từ hơn 250.000 hồi đỉnh dịch tháng 1 xuống còn khoảng 11.000 trong tháng 6. Số ca tử vong trên 1 triệu dân cũng giảm từ 10,03 xuống còn 0,85.

    "Điều này có ý nghĩa rất lớn. Mùa hè đang trở nên tươi sáng hơn", giáo sư, tiến sĩ Monica Gandhi, Đại học Đại học California, San Francisco, nói.

    Anh sử dụng vaccine AstraZeneca, hiệu quả 76%. Hiện 46% dân số, tương đương 31 triệu người, đã tiêm đủ hai liều. Số ca nhiễm nCoV theo ngày giảm mạnh từ mức đỉnh hồi tháng 1 là 60.000 ca xuống còn dưới 10.000 ca trong tháng 6. Tỷ lệ tử vong chạm đáy, còn 0,15 trên 1 triệu dân.

    Thục Linh (Theo DW, NPR, USA Today, Plos Biology)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 73 khách