Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Shipper Australia 'cầu cứu' giữa lệnh phong tỏa
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Shipper Australia 'cầu cứu' giữa lệnh phong tỏa

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 7 26, 2021 12:40 pm






    Khi Sydney bị áp lệnh phong tỏa, những shipper như Cobin Li muốn được coi như người làm việc ở tuyến đầu và được tiêm vaccine để bảo vệ mình.

    Li, 27 tuổi, làm nhân viên giao đồ ăn cho nền tảng EASI và Uber Eats 6 tháng nay, muốn chính quyền Sydney coi shipper là lao động trong ngành nghề thiết yếu khi thành phố triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.

    Anh cảm thấy mình dễ bị tổn thương bởi Covid-19 và muốn tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe bản thân. Anh cho rằng shipper nên được coi là những người làm việc ở tuyến đầu, như cảnh sát hay giáo viên, bởi anh phải ra vào nhiều khu chung cư và quán cà phê, tiếp xúc với rất nhiều người khi làm công việc của mình.

    Hình ảnh
    Cobin Li, 27 tuổi, làm shipper sau khi thất nghiệp 6 tháng trước vì Covid-19. Ảnh: Jane Dempster.

    "Nguy cơ với người làm nghề giao hàng lúc này rất cao bởi dịch đang bùng phát và mỗi ngày có thêm 130 ca nhiễm mới", Li nói trong cuộc phỏng vấn hôm 25/7. "Lý do chúng tôi muốn tiêm phòng là để bảo vệ chính mình, không ai muốn nhiễm nCoV khi đang giao đồ ăn cả".

    Khi các nhà hàng khắp vùng đô thị Sydney, Wollongong, Shellharbour, Blue Mountaines và Central Coast chỉ được phép giao hàng mang đi, còn Thủ hiến bang New South Wales kêu gọi người dân hạn chế di chuyển, nhu cầu giao thực phẩm tận nhà tăng vọt.

    Mỗi tối, hàng chục shipper, đa số không đủ điều kiện tiêm vaccine, ngập trong các đơn giao hàng tận nhà. Nick McIntosh, trợ lý bộ trưởng quốc gia phụ trách Công đoàn Vận tải, hôm 8/7 cho hay đội ngũ những người làm nghề vận chuyển hàng hóa, thực phẩm bày tỏ "lo ngại lớn" với sức khỏe bản thân trong thời gian phong tỏa.

    "Họ là người làm việc trong ngành nghề thiếu yếu nhưng bị bỏ qua hoàn toàn và đang ở ngay tiền tuyến khi dịch lan rộng", ông nói. "Họ lo lắng vì không được ưu tiên tiêm chủng, không được cung cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân và không có chế độ nghỉ ốm hay bất kỳ hỗ trợ nào".

    McIntosh cho hay những người làm nghề giao hàng đặc biệt sợ mất việc nếu xuất hiện triệu chứng hay tiếp xúc gần với ca nhiễm nCoV. Nhiều shipper là người nhập cư, tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, điều càng gây thêm thách thức trong tuyên truyền kiến thức y tế quan trọng.

    Nguy cơ với shipper càng nghiêm trọng hơn do biến chủng Delta dễ dàng lây "khi tiếp xúc thoáng qua". Giáo sư Adrian Esterman, nhà dịch tễ học Đại học Nam Australia, cho hay shipper có nguy cơ lây cũng như nguy cơ phát tán nCoV cao, "đặc biệt với biến chủng mới".

    "Rõ ràng là người nào di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều, thì họ gặp rủi ro lớn hơn", ông nói. "Ai cũng hy vọng họ đều đeo khẩu trang, găng tay và thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa".

    Giáo sư Esterman cho hay ông muốn chính quyền xếp shipper vào nhóm lao động "có nguy cơ lây nhiễm cao", bao gồm binh sĩ, cảnh sát, cứu hộ khẩn cấp và lao động trong ngành chế biến thịt. Nhóm người này được ưu tiên tiêm vaccine, bên cạnh các nhân viên y tế.

    Các công đoàn cũng muốn mở rộng nhóm ưu tiên vaccine, với lý do shipper giao hàng đóng vai trò quan trọng để giúp ngành ăn uống, khách sạn duy trì hoạt động trong thời kỳ phong tỏa.

    "Vấn đề mà chúng ta gặp phải khi nguồn cung vaccine hạn chế là tất cả những người lao động làm việc trong ngành nghề thiết yếu này, bao gồm cả lao động tự do và theo hợp đồng ngắn hạn, không được tiêm phòng, mà họ lại là những người cần tiêm nhất", McIntosh nói.

    "Mọi người đều dựa vào họ để giao thực phẩm, nhà hàng dựa vào họ để tiếp tục hoạt động. Họ ra ngoài hàng ngày. Họ tương tác với người dân tại điểm nóng giữa đại dịch. Vậy mà họ không được ưu tiên tiêm chủng", ông bày tỏ.

    Bộ trưởng Tài chính Australia Jossh Frydenberg hồi đầu tháng 7 đã gặp đại diện các công ty lớn để thảo luận về kế hoạch triển khai vaccine cho người lao động.

    Frydenberg cho hay kế hoạch mở rộng chiến dịch tiêm chủng còn phụ thuộc vào nguồn cung vaccine Pfizer, dự kiến được tăng cường từ tháng 9 đến tháng 10. "Khi nguồn cung nhiều hơn, doanh nghiệp có thể phát huy vai trò lớn hơn", ông nói, bác bỏ ý kiến rằng chính phủ đang lôi kéo các doanh nghiệp lớn tham gia chiến dịch vaccine.

    Hình ảnh
    Một shipper giao đồ ăn ở Sydney hôm 28/6. Ảnh: AAP.

    McIntosh cho rằng những công ty lớn trong ngành giao nhận thực phẩm như Uber và Deliveroo phải có trách nhiệm bảo vệ nhân viên, bao gồm khuyến khích và hỗ trợ họ tiêm chủng.

    "Mọi công ty chắc chắn phải có nghĩa vụ với shipper, bởi họ đang thu về hàng triệu đôla", ông nói. "Nếu người lao động không được trả lương khi nghỉ phép, cũng không được bồi thường nếu bị ốm do nhiễm virus, vậy lấy đâu ra động lực cho những người lao động làm việc theo giờ và theo hợp đồng ngắn hạn?"

    Li từ Trung Quốc tới Australia du học 7 năm trước. Anh không còn lựa chọn nào khác là làm shipper sau khi thất nghiệp 6 tháng trước.

    "Tôi mất việc vì Covid-19. Bây giờ thì không sao nhưng tôi không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu lệnh phong tỏa tiếp tục trong 2-3 tháng nữa", Li nói. "Đa phần mọi người không có việc nếu ở nhà, vì vậy tôi quyết định ra ngoài kiếm tiền. Vừa làm tôi vừa lo về tình hình Covid-19".


    Hồng Hạnh (Theo SBS, Australian)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 40 khách