Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Tranh cãi về đợt giảm Covid-19 ở Anh sau 'sổ lồng'
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Tranh cãi về đợt giảm Covid-19 ở Anh sau 'sổ lồng'

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 7 27, 2021 5:35 pm






    Ca Covid-19 ở Anh liên tiếp giảm sau "ngày sổ lồng", nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo đây có thể chỉ là đà giảm ngắn hạn.

    Số ca nhiễm mới ở Anh đã giảm liên tiếp nhiều ngày qua, từ 54.674 ca hôm 17/7 xuống còn 24.950 ca hôm 26/7. Trong khi số ca nCoV mới liên tục giảm kể từ khi Anh chính thức dỡ bỏ toàn bộ hạn chế Covid-19 hôm 19/7, số ca tử vong và nhập viện có xu hướng tăng lần lượt 50% và 27% sau mỗi tuần.

    Giới khoa học đã cảnh báo về một đợt bùng phát Covid-19 mới ở Anh sau "ngày sổ lồng". Dù hàng triệu người đã nhiễm nCoV và khoảng 70% người trưởng thành đã tiêm đủ hai mũi vaccine, gần nửa dân số Anh chưa tiêm vaccine đầy đủ. Điều đó đồng nghĩa hàng triệu người, chủ yếu là giới trẻ, có thể lây lan virus mà không bị kiểm soát.

    Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ước tính khoảng 92% người trưởng thành ở Anh có kháng thể nhờ tiêm vaccine hoặc từng nhiễm. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng khác với từng nhiễm. Tiêm chủng đầy đủ có thể giảm một nửa nguy cơ nhiễm, trong khi miễn dịch hậu nhiễm thường có xu hướng tạo ra hàng rào bảo vệ dễ thay đổi. Điều quan trọng hơn là dù miễn dịch có khả năng đẩy lùi virus, nó chưa đủ để xóa sổ đại dịch, theo Ian Sample, biên tập viên của Guardian.

    Hình ảnh
    Người dân Anh đi lại trên cầu Westminster ở thủ đô London hôm 4/7. Ảnh: Reuters.

    Ngưỡng miễn dịch cộng đồng, thời điểm nhiều người được bảo vệ dù dịch bùng phát, có thể thay đổi và phụ thuộc vào cách hành xử của con người, cũng như biến đổi của virus. Theo lý thuyết, 85% dân số có kháng thể là ngưỡng cần đạt để đẩy lùi biến chủng Delta. Tuy nhiên, Anh chưa hoàn thành được mục tiêu này trước khi "thả cửa" hoàn toàn.

    Giới quan sát cho rằng xu hướng giảm số ca nhiễm lần này của Anh có thể chỉ là "đợt sóng lùi" ngắn hạn. "Nếu những gì chúng ta thấy là một đợt suy giảm ngắn hạn, tiếp theo sẽ là một đợt gia tăng khác", giáo sư Rowland Kao, nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, cảnh báo.

    Ian Sample cho rằng số ca nhiễm giảm cũng có thể do số lượng xét nghiệm giảm sau "Ngày Tự do", như cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố vào tháng 5/2020 rằng "nếu chúng ta không xét nghiệm, chúng ta sẽ có rất ít ca nhiễm". Biên tập viên của Guardian thêm rằng xu hướng giảm cũng có thể là do các trường học đã bắt đầu đóng cửa nghỉ hè từ tháng 7, dẫn tới giảm nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm trong học sinh, sinh viên.

    Một khảo sát của Savanta ComRes mới đây cho biết hơn 1/3 người dân Anh trong độ tuổi 18-34 đã xóa ứng dụng truy vết Covid-19 của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), gây cản trở quá trình truy vết ca nhiễm mới hoặc nghi nhiễm.

    "Hành vi của con người luôn là biến số khó đoán nhất trong đại dịch", Sample cho hay.

    Nhiều người cho rằng đợt bùng phát ca nhiễm mới hồi đầu tháng 7 liên quan tới giải vô địch bóng đá châu Âu Euro, trong đó Anh là nơi đăng cai tổ chức nhiều trận đấu, gồm cả hai trận bán kết và chung kết. Anh đã ghi nhận số ca nhiễm tăng trên cả nước, với nhiều ca là nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 44. Tuy nhiên, xu hướng này giờ đã đảo ngược.

    Giáo sư Kao cho rằng bóng đá là một lý do "hoàn toàn hợp lý". Ông dẫn chứng số ca nhiễm ở Scotland đã bắt đầu giảm từ 1/7, hai tuần sau trận đấu cuối cùng của đội tuyển nước này ở Euro. Ca nhiễm ở Anh chỉ bắt đầu giảm từ ngày 17/7, một tuần sau trận chung kết.

    Các trận bóng ở Wembley, đặc biệt là trận bán kết và chung kết, chính là cơ hội cho virus lây lan, khi rất nhiều người đã tụ tập để cùng theo dõi trận đấu, không chỉ ở sân vận động, mà còn ở quán bar, quán rượu hay tại nhà riêng. Uớc tính hơn 31 triệu người đã theo dõi trận chung kết hôm 11/7 chỉ riêng trên BBC và ITV.

    Thời tiết cũng có thể góp phần vào đợt suy giảm này, theo Sample. Các bệnh về đường hô hấp thường giảm vào mùa hè và tăng vào đông, ít nhất là do mọi người thường ra ngoài khi trời ấm áp, hơn là ở trong phòng bí, thông gió kém giữa thời tiết lạnh giá. Các đợt nắng nóng nhỏ cũng có thể giúp hạn chế sự lây lan của virus.

    Tuy nhiên, giáo sư Iain Buchan của Đại học Liverpool cho rằng đà suy giảm ca nhiễm hiện nay của Anh là kết quả của nhiều yếu tố.

    "Tỷ lệ tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch hậu nhiễm kết hợp với thời tiết thuận lợi, mọi người ra ngoài nhiều hơn sau khi mở cửa đã mang tới lợi ích cho Anh. Nhưng chúng ta không nên tự mãn, bởi tại rất nhiều cộng đồng, đặc biệt ở vùng khó khăn, chiến dịch tiêm chủng còn cả một chặng đường dài", ông nói.

    Trong khi đó, giáo sư Graham Medley tại Trường Dịch tễ và Y học Nhiệt đới London lưu ý Anh hiện chưa thể rõ liệu các ca nhiễm có tăng mạnh trở lại trong vài tuần tới hay không. Tác động thực sự của quyết định "thả cửa" sẽ chưa thể rõ ràng cho tới tuần sau.

    "Chúng ta có thể sẽ trải qua nhiều đợt tăng giảm trong vài tháng tới. Chúng ta không chỉ có một ngọn núi", Sample viết.


    Thanh Tâm (Theo Guardian)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 54 khách