Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nỗi buồn 'nhàn cư' của tình nguyện viên Olympic Tokyo
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nỗi buồn 'nhàn cư' của tình nguyện viên Olympic Tokyo

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 8 03, 2021 12:01 pm






    Ikuko Nagano đã hy vọng có thể hộ tống các vận động viên đến Fujisawa tham gia đua thuyền buồm nhưng hiện tại, bà chỉ tưới cây tại nhà ga thành phố.

    Giáo viên ngoại quốc Jordan Michels muốn có một kỷ niệm chương tình nguyện Olympic giống như cha và ông anh từng nhận tại Thế vận hội Atlanta 1996. Phiên dịch viên Emma Parker đã sẵn sàng tự bỏ tiền túi đến Tokyo để có những trải nghiệm mới với tư cách một tình nguyện viên Olympic.

    Nhưng như hàng nghìn người khác, họ đã phải suy nghĩ lại về giấc mơ của mình, khi các vấn đề bắt đầu nảy sinh chồng chất tại Thế vận hội năm nay.

    Hình ảnh
    Một tình nguyện viên Olympic Tokyo tạo dáng bên trái bóng chuyền tại trung tâm truyền thống trước khi Thế vận hội khai mạc. Ảnh: AFP.

    Trong 110.000 tình nguyện viên đăng ký hỗ trợ Olympic Tokyo, gần 1/10 được cho là đã từ bỏ. Nhiều người thất vọng khi thấy rằng các công việc tình nguyện truyền thống, như dẫn khách VIP từ các nước hay chỉ dẫn cho du khách lạc đường, sẽ không còn cần thiết nữa bởi Nhật đã cấm khán giả nước ngoài tới xem Olympic.

    Những người khác từ bỏ vì cho rằng lúc này việc di chuyển xung quanh Tokyo là quá rủi ro bởi số ca Covid-19 đang tăng nhanh, trong khi chương trình tiêm chủng của đất nước vẫn chậm trễ.

    Với những người ở lại, dù nhiều tình nguyện viên đã rút lui, công việc vẫn rất nhẹ nhàng, thậm chí quá nhàn rỗi. Ban tổ chức Olympic quyết định không giảm số lượng tình nguyện viên vì không muốn gây thất vọng cho họ.

    Hệ quả là nhiều tình nguyện viên giờ đây cảm thấy họ chỉ giống như những khán giả bất đắc dĩ hoặc bất ngờ đảm nhận những vai trò mới. Nagano, thành viên tích cực của câu lạc bộ chèo thuyền Fujisawa, là một trong số đó.

    Thay vì dẫn du khách đi tham quan, Nagano đang tưới cây ở ga Fujisawa và thỉnh quảng quay video bà trong bộ đồng phục màu xanh trắng cổ vũ các vận động viên qua mạng. Hôm 1/8, bà giống một khán giả hơn, vẫy cờ khi các vận động viên đi qua.

    Michels, 26 tuổi, người sẵn sàng vượt 350 km từ nơi cô làm việc ở Yokkaichi, phía nam Nhật Bản, đến Tokyo, bỏ cuộc khi biết rằng cô không thể tiêm chủng đúng hẹn. Parker, bà mẹ đang nuôi con nhỏ, rút lui vì lo sợ dịch bệnh và lịch trình làm việc hỗn loạn tại Thế vận hội.

    "Tôi sẵn sàng tự chi tiền đến Tokyo, kể cả chi phí ăn ở và chăm sóc con nhỏ, chấp nhận luôn việc bị mất thu nhập trong những ngày phục vụ Olympic. Nhưng nguy cơ nhiễm virus quá cao, trong khi việc tiêm chủng cho các tình nguyện viên chỉ được công bố vài ngày trước Thế vận hội", Parker nói.

    Người phụ nữ 48 tuổi này phải vượt hơn 400 km từ thành phố Toyama, bờ biển phía đông Nhật Bản, đến Tokyo và sợ rằng mình có thể mang virus trở về quê nhà.

    Điều tồi tệ hơn là lịch trình làm việc của cô tại Thế vận hội quá bất hợp lý. Nó trải dài suốt ba tuần và không tính đến việc cô còn phải chăm sóc con nhỏ. Parker cho rằng ban tổ chức có lẽ không muốn phụ nữ có con nhỏ làm tình nguyện viên.

    "Dường như ban tổ chức mong đợi phụ nữ tự tìm ra cách giải quyết, như họ vẫn thường làm", cô nói.

    Parker không phải người duy nhất lo ngại về vấn đề an toàn. Thông báo về việc tình nguyện viên, những người tiếp xúc gần với các vận động viên và Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC), đủ điều kiện tiêm vaccine chỉ được đưa ra hồi đầu tháng trước. Điều này đồng nghĩa mũi vaccine thứ hai, theo tiêu chuẩn khoảng cách 4 tuần, sẽ chỉ được tiêm vào đầu tháng 8, sau ngày Thế vận hội khai mạc vào 23/7.

    Cảm giác rằng sự an toàn của tình nguyện viên không được ban tổ chức quan tâm khiến những người từng vô cùng nhiệt tình, như Michels, thấy chán nản.

    "Chúng tôi từng nhận được email rằng JOC sẽ không chịu trách nhiệm nếu chúng tôi nhiễm virus", Michels nhớ lại. "Điều gây bực mình không kém là họ không cung cấp đủ khẩu trang cho chúng tôi. Họ muốn chúng tôi tự tới Tokyo để nhận đồng phục, có nghĩa tôi có thể lây nhiễm cho cộng đồng nhỏ của mình ở Yokkaichi nếu dính virus".

    Với không ít tình nguyện viên, mối lo về an toàn càng trở nên tồi tệ hơn bởi những gì họ mô tả là công tác tổ chức lộn xộn và liên lạc thất thường từ ban tổ chức. Michels nhận được email chỉ định cô làm trưởng nhóm tại một địa điểm, nhưng cô không được hướng dẫn nhiệm vụ chính xác của mình là gì.

    "Thông tin chi tiết duy nhất là 'đảm bảo đội của bạn có nước uống'", Michels kể. "Đáng lẽ tôi phải tương tác với những người đến xem Thế vận hội nhưng không có khán giả thì tôi sẽ giúp ai đây? Tôi được giao nhiệm vụ trưởng nhóm và giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn, nhưng bản thân tôi còn bối rối cho đến tận trước ngày sự kiện diễn ra. Sau cùng, tôi quyết định bỏ cuộc".

    Hình ảnh
    Tình nguyện viên Olympic Tokyo Ikuko Nagano. Ảnh: SCMP.

    Thậm chí quy trình rút lui cũng khó khăn đối với một số tình nguyện viên. Khi Parker đăng nhập trực tuyến để xác nhận mình sẽ không tham gia nữa, cô được yêu cầu chọn ra lý do cho quyết định của mình từ một danh sách có sẵn. Tuy nhiên, việc nêu nguyên nhân thực sự là không thể.

    "Dịch bệnh không phải một lựa chọn trong danh sách và không có chỗ để viết phản hồi khác. Có lẽ họ không định thu thập dữ liệu này", cô cho hay.

    Đối với những người ở lại, nhiều vấn đề vẫn tồn tại. Anna, một người nước ngoài đã sống ở Nhật 10 năm, cho biết cô đăng ký tình nguyện vì muốn trả ơn cho đất nước đã đối đãi tốt với cô.

    Nhưng cô bắt đầu hoài nghi quyết định ban đầu khi cuộc hẹn tiêm chủng của cô bị hủy vào phút chót. Anna cũng mất tinh thần sau khi gặp rắc rối với việc xin nghỉ làm, cô đến địa điểm làm tình nguyện được chỉ định nhưng không được giao nhiệm vụ nào.

    Theo lời Anna, một ứng dụng được cho là giúp lên lịch làm việc mà cô và các tình nguyện viên đã được đào tạo cách sử dụng từ vài tháng trước đến nay vẫn không hoạt động. Điều này khiến các trưởng nhóm cũng căng thẳng như những tình nguyện viên mà họ dẫn dắt.

    Anna cho hay cô vẫn cân nhắc việc rút lui nhưng cảm thấy biết ơn vì nhiệm vụ của cô không bị phân công lại như tình cảnh nhiều người khác gặp phải.

    "Tôi mừng vì không phải ra đường dưới cái nắng gay gắt để cầm tấm biển ghi 'Cẩn thận say nắng', công việc mà tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi được giao làm", cô nói.

    Dù vậy, không ít tình nguyện viên đã vượt qua các thử thách và vẫn giữ thái độ vui vẻ với vai trò được giao, bất kể nó nhỏ bé hơn so với mong đợi. Steve Klein, 64 tuổi, là một trong những người vẫn nhìn về khía cạnh tươi sáng của vấn đề.

    "Mọi người đều đang làm những gì tốt nhất có thể để giảm thiểu rủi ro. Ý nghĩa của Olympic là về chấp nhận khác biệt và tạo ra bình đẳng. Nó không hoàn hảo nhưng mục tiêu của nó là đem mọi người lại gần nhau hơn", Klein chia sẻ.

    Klein là người Mỹ nhưng sống và làm việc tại Nhật. Ông tiêm mũi vaccine đầu tiên tại quê nhà Mỹ hồi đầu năm và mũi thứ hai khi ông quay trở lại Nhật Bản.

    Ông được giao nhiệm vụ quản lý khu vực nghỉ của các đội khúc côn cầu, một không gian mà Klein mô tả là không đông đúc và thông thoáng. Tuy nhiên, ông hiểu rõ các mối lo lắng của những người đã bỏ cuộc.

    "Rõ ràng tôi sẽ có một quan điểm rất khác nếu tôi chưa được tiêm chủng đầy đủ. Và tôi rất vui vì tất cả những người tôi tiếp xúc đến nay cũng đều đã tiêm vaccine", Klein nói.

    Ayako Ueda, 48 tuổi, là một tình nguyện viên khác vẫn hăm hở và nhiệt tình với vai trò của mình tại Thế vận hội.

    "Tôi không nghĩ Olympic sẽ được tổ chức tại Nhật Bản thêm một lần nữa trong đời mình", nữ chuyên gia tư vấn truyền thông, cho hay. "Tôi đã học tập tại nước ngoài, có nhiều bạn bè quốc tế và tự xem mình là một công dân toàn cầu, vì thế với tôi, được tham gia một sự kiện toàn cầu như Olympic thực sự tuyệt vời".

    Nhưng Ueda thừa nhận rằng cô chắc hẳn cũng sẽ có cảm nhận khác nếu chưa tiêm đầy đủ vaccine. Nhiều vận động viên tham dự Thế vận hội chưa tiêm chủng và đã có một vài ca Covid-19 trong số họ.

    "Nếu chưa tiêm chủng, tôi không chắc liệu mình có thể tiếp tục làm tình nguyện viên nữa hay không bởi nhiệm vụ đòi hỏi tôi phải tiếp xúc gần với các vận động viên và tôi phải di chuyển bằng phương tiện công cộng tới nơi làm việc ở Công viên Quần vợt Ariake", Ueda chia sẻ.

    Ueda cho rằng việc ban tổ chức không cắt giảm số lượng tình nguyện viên là "cử chỉ tốt đẹp", ngay cả khi điều đó khiến một số người cảm thấy không được trọng dụng.

    "Được chỉ định làm khán giả, ít nhất họ có thể xem một số trận thi đấu", cô dí dỏm đùa.

    Theo Ueda, bất chấp những vấn đề không mong muốn phát sinh, Olympic Tokyo vẫn là một sự kiện mang đến những điều tích cực.

    "Khi tôi đến Anh, tôi nghe được rằng người dân ở London ban đầu phản đối đăng cai Thế vận hội 2012, nhưng sau đó họ dần dần đón nhận và thậm chí hân hoan vì nó", cô nói. "Đây là sự kiện mà nếu bạn có thể trở thành một phần của nó, với tư cách người xem hay tình nguyện viên, hoặc địa điểm thi đấu gần nơi bạn ở thì đó đã là một trải nghiệm đủ để tận hưởng rồi".

    "Thật tiếc khi chính phủ quyết định không cho khán giả xem trực tiếp. Không ít người đã bỏ lỡ cơ hội được là một phần của Olympic. Nhưng tôi cảm thấy người dân Nhật Bản vẫn đón nhận sự kiện bằng cách theo dõi qua tivi", nữ tình nguyện viên này chia sẻ.


    Vũ Hoàng (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 62 khách