Scotland tranh cãi về thoát đại dịch
Đã gửi: Thứ 3 Tháng 8 10, 2021 2:24 pm
Mọi thứ đã đảo lộn vì Covid-19, nhưng giáo sư Francois Balloux tự tin Scotland đã thoát đại dịch nhờ tiêm chủng.
Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền Đại học College, London, cho rằng cuối cùng đại dịch sẽ "gần như" kết thúc ở Scotland sau khi nước này nới các biện pháp kiểm soát. Ông "khá tự tin" ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, trong đó có Scotland, đại dịch sẽ kết thúc vào mùa xuân năm sau.
"Chúng tôi đang thấy ánh sáng cuối đường hầm", ông nói.
Những ánh sáng lần đầu tiên lấp ló vào mùa đông vừa qua, khi Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cho phép triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà.
Chiến dịch tiêm chủng ở Scotland không kịp ngăn chặn đợt bùng phát mùa đông, với đỉnh điểm trung bình 65 ca tử vong mỗi ngày vì Covid-19 vào tháng 1. Nhưng kể từ đó, 9 trong 10 người trưởng thành ở Scotland đã tiêm ít nhất một liều và hơn 70% đã tiêm đủ liều.
Tác động của chiến dịch tiêm chủng ở Scotland khá ấn tượng. Nước này đã ghi nhận đợt bùng phát lớn vào mùa hè, với số ca nhiễm chạm đỉnh hôm 30/6, nhưng số ca tử vong chưa vượt qua trung bình 8 ca mỗi ngày.
Thực tế này khiến nhiều người tin rằng Scotland đã đạt "miễn dịch cộng đồng", nhờ tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên, đồng nghĩa virus không còn cơ hội lây lan. Tuy nhiên, Lauren Ancel Meyers, giám đốc Hiệp hội Mô hình Covid-19 tại Đại học Texas, cho rằng thực tế không phải như vậy.
Theo Meyers, việc đạt miễn dịch cộng đồng hiện giờ "dường như không thể" do biến chủng Delta dễ lây lan, 85% dân số thế giới chưa được tiêm chủng đầy đủ và nhiều ca nhiễm đột phá.
"Có vẻ như chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới điểm mà toàn cầu có đủ miễn dịch để Covid-19 biến mất mãi mãi", giáo sư Meyers nói.

Lối vào điểm tiêm chủng Covid-19 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Edinburgh ở Scotland hồi tháng 2. Ảnh: PA.
Giáo sư Balloux đồng tình rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, giống như khoảng hơn 200 loại virus theo mùa gây bệnh hô hấp đang lưu hành. Tuy nhiên, giai đoạn này chưa thể xác định nó sẽ gây bệnh cảm lạnh nhẹ hay cúm nghiêm trọng.
Theo ông, vaccine hiện phát huy hiệu quả rất tốt, giúp số ca nhập viện và tử vong giảm mạnh, nhưng nó không thể ngăn chặn lây nhiễm hoàn toàn.
Giáo sư Meyers lo sợ kịch bản một biến chủng nCoV khác xuất hiện, có khả năng né vaccine mà con người đang sử dụng, cũng như gây bệnh nặng và tử vong.
"Nếu virus còn tiếp tục lưu hành trong các cộng đồng trên thế giới, chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ biến chủng xuất hiện với khả năng né các loại vaccine", bà cảnh báo.
Tuy nhiên, giáo sư Ballaux không quá lo ngại về kịch bản này, khi tin rằng nCoV sẽ không trải qua đột biến bất ngờ nào để tạo ra một loại "siêu virus".
Khi số lượng người trưởng thành tiêm chủng ngày càng nhiều, Scotland giờ dồn quan tâm cho trẻ em, với lo ngại về nguy cơ lây nhiễm ở nhóm tuổi này. Chiến dịch tiêm chủng hiện được tiến hành cho những người 16-17 tuổi và yêu cầu các lớp học tự cách ly hoàn toàn nếu xuất hiện một ca dương tính.
Huda, 10 tuổi, sống ở Glasgow, đã phải tự cách ly 4 lần, cũng như phải đi cách ly hai lần nữa với cả gia đình. "Cháu đã từng có cuộc sống rất hạnh phúc trước khi Covid-19 đến. Cháu thực sự phẫn nộ và thất vọng về nó", Huda nói.
Cha Huda cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để Scotland dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp hạn chế, nhưng mẹ cô bé nói điều này "nên được thực hiện từ từ".
"Tôi sợ rằng nếu tiến hành quá nhanh, một đợt bùng phát khác sẽ xuất hiện", Ammara, mẹ của Huda, nói.
Giáo sư Meyers cho rằng từ nay cho đến vài năm tới, các cộng đồng và nhiều quốc gia ứng phó tốt với Covid-19 sẽ phải "sống chung" với những đợt bùng phát như vậy bằng cách nhanh chóng áp đặt quy định đeo khẩu trang, xét nghiệm hàng loạt và giãn cách xã hội.
Thanh Tâm (Theo BBC)