Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ấn Độ lại chấn động vì cưỡng hiếp trên xe buýt
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Ấn Độ lại chấn động vì cưỡng hiếp trên xe buýt

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 9 13, 2021 8:38 pm






    Sự kiện một phụ nữ chết sau khi bị cưỡng hiếp và tấn công trên xe buýt ở Mumbai gây chấn động Ấn Độ vì nhiều tương đồng vụ năm 2012.

    Ủy viên cảnh sát Mumbai Hemant Nagrale cho biết người phụ nữ 34 tuổi được phát hiện nằm bất tỉnh trong chiếc xe buýt nhỏ để mở ở khu phố Sakinaka, phía đông Mumbai hôm 10/9. Nạn nhân nghi bị cưỡng hiếp và hành hung bằng thanh sắt, theo một quan chức địa phương.

    Người phụ nữ được đưa vào bệnh viện Rajawadi nhưng chết vì vết thương một ngày sau đó, Nagrale nói trong cuộc họp báo hôm 11/9.

    Cảnh sát đã bắt một người đàn ông bị tình nghi cưỡng hiếp và giết người sau khi xem xét các camera giám sát quanh hiện trường. Nghi phạm chưa bị khởi tố và sẽ bị giam đến ngày 21/9.

    Balwant Deshmukh, thanh tra cảnh sát cấp cao tại đồn cảnh sát Sakinaka, nói rằng nạn nhân và nghi phạm đều là người vô gia cư. Nếu bị truy tố và kết tội, nghi phạm có thể đối mặt án tử hình.

    Hình ảnh
    Người biểu tình Mumbai thắp nến tưởng nhớ cố gái thuộc tầng lớp Dalit bị cưỡng hiếp tập thể và sát hại ở bang Uttar Pradesh tháng 10/2020. Ảnh: Hindustan Times.

    Nhà hoạt động nữ quyền và chống nạn cưỡng hiếp Yogita Bhayana cho biết vụ án ở Mumbai "một lần nữa gây chấn động cả nước" vì "rất giống" vụ cưỡng hiếp tập thể và sát hại nữ sinh viên y khoa 23 tuổi Nirbhaya ở New Delhi năm 2012. Nirbhaya, biệt danh được đặt cho nạn nhân nghĩa là "không sợ hãi", bị cưỡng hiếp và hành hung bằng thanh sắt, dẫn đến chấn thương nghiêm trọng. Cô qua đời tại một bệnh viện ở Singapore, hai tuần sau vụ tấn công.

    Cái chết của Nirbhaya gây chú ý về nạn tấn công tình dục ở Ấn Độ và thúc đẩy gia tăng giám sát đối với tội ác chống lại phụ nữ. Sự việc cũng đánh dấu một bước ngoặt của đất nước, khiến hàng triệu phụ nữ biểu tình yêu cầu ban hành các luật cứng rắn hơn về tấn công tình dục.

    "Sau vụ Nirbhaya, chúng tôi nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi. Nhưng chúng tôi liên tục nghe tin về các vụ hiếp dâm mỗi ngày. Không một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không nghe về một vụ", Bhayana nói. "Là những nhà hoạt động, chúng tôi hối thúc chính phủ và quốc gia rất nhiều lần, nhưng khi nghe về sự tàn bạo đó, chúng tôi thực sự cảm thấy vô cùng bất lực. Tôi không có từ nào để diễn tả".

    Uddhav Thackeray, Thủ hiến bang Maharashtra, nơi có thủ phủ Mumbai, bày tỏ sự bàng hoàng. "Tội ác ghê tởm xảy ra ở Sakinaka là nỗi ô nhục đối với nhân loại", Thackeray đăng Twitter hôm 11/9, thêm rằng vụ án sẽ được điều tra nhanh chóng và thủ phạm sẽ "bị trừng phạt nghiêm khắc."

    Theo số liệu mới nhất từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, hơn 32.000 vụ hiếp dâm phụ nữ được báo cáo trong năm 2019, tương đương cứ khoảng 17 phút lại xảy ra một vụ. Nhưng các nhà hoạt động tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều, do nhiều người sợ hãi nên không báo án.

    Số vụ hiếp dâm được báo cảnh sát tăng lên kể từ cái chết của Nirbhaya, có thể do nhận thức về vấn đề đã thay đổi. Các chuyên gia cho rằng sự phẫn nộ đã giúp xóa bỏ nỗi tủi nhục của nạn nhân. Sau đó, cải cách luật pháp và các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội hiếp dâm được ban hành.

    Tuy nhiên, các vụ án hiếp dâm vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận. Tháng trước, 4 người đàn ông bị khởi tố với cáo buộc cưỡng hiếp và giết bé gái 9 tuổi ở New Delhi. Bé gái thuộc cộng đồng Dalit, những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong hệ thống phân cấp dựa trên đẳng cấp của Hindu giáo.

    Hồi tháng một, một thầy tu Hindu và hai tín đồ nam bị bắt vì cáo buộc hiếp dâm tập thể và giết một phụ nữ 50 tuổi ở bang Uttar Pradesh. Tháng 9 năm ngoái, vụ cưỡng hiếp tập thể và giết cô gái Dalit 19 tuổi ở Uttar Pradesh làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp cả nước.

    Bhayana kêu gọi cả nước cùng hành động để đảm bảo phụ nữ Ấn Độ được bảo vệ. "Đã gần 10 năm từ vụ Nirbhaya, nhưng mọi thứ vẫn vậy. Chúng ta cần hành động tập thể, nếu không sẽ không có gì thay đổi", nhà hoạt động cho hay.


    Huyền Lê (Theo CNN)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 58 khách