Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Mỹ tranh cãi nảy lửa về mũi tiêm tăng cường
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27909
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Mỹ tranh cãi nảy lửa về mũi tiêm tăng cường

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 9 17, 2021 12:11 pm






    Chính quyền Biden thông báo triển khai kế hoạch tiêm tăng cường từ ngày 20/9, nhưng vấn đề này vẫn gây tranh luận quyết liệt trong giới chuyên gia.

    Giới chức Mỹ đang chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm liều tăng cường, trong bối cảnh có nhiều nghiên cứu chỉ ra khả năng bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian và số ca nhập viện, tử vong tăng mạnh do biến chủng Delta.

    Tuy nhiên, họ còn hy vọng kế hoạch tiêm tăng cường giúp ngăn chặn cả ca bệnh nhẹ. Về lý thuyết, mũi tiêm tăng cường có thể giúp giảm khả năng lây nhiễm, dù mục tiêu này ít được giới chức đề cập tới, và đẩy nhanh khả năng phục hồi của Mỹ.

    "Nó không phải lý do chính để tiêm liều tăng cường, nhưng thực sự có thể là một yếu tố tích cực", tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ kiêm cố vấn Covid-19 của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nói.

    Tiến sĩ Fauci cho biết mục tiêu chính của kế hoạch tiêm liều tăng cường là đảo ngược xu hướng gia tăng ca nhiễm đột phá, hiện tượng nhiễm nCoV dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine, vấn đề nhiều chuyên gia đang tranh cãi.

    Hình ảnh
    Một người phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại thành phố New York, Mỹ hôm 18/8. Ảnh: Reuters.

    Dữ liệu hiện tại chỉ ra rằng hầu hết ca nhiễm đột phá có triệu chứng nặng chủ yếu xảy ra ở những người trên 65 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch. Đây là hai nhóm được khuyến cáo tiêm liều vaccine thứ ba.

    Tiến sĩ Larry Corey, nhà virus học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Seatlle, người đang giám sát các thử nghiệm vaccine Covid-19 do chính phủ Mỹ hậu thuẫn, là người đề xuất tiêm liều tăng cường để tăng kháng thể ngăn nguy cơ nhiễm virus.

    "Nếu bạn không bị nhiễm, bạn sẽ không lây cho người khác và chúng tôi sẽ ngăn chặn đại dịch hiệu quả hơn. Điều này cũng mang lại những lợi ích về kinh tế", Corey nói.

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy tiêm liều tăng cường sẽ giúp ngăn nguy cơ nhiễm và lây truyền.

    Một số nghiên cứu của chính phủ đã chỉ ra rằng khi bị nhiễm chủng Delta, người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể lây truyền virus, hầu hết cho người chưa tiêm chủng. "Nếu bạn nhìn vào dữ liệu ở Mỹ, rõ ràng khả năng của vaccine đang giảm dần trong việc ngăn nguy cơ nhiễm và các triệu chứng bệnh từ nhẹ tới trung bình", Fauci nói.

    Điều này đang được ghi nhận trong nhiều cộng đồng ở Mỹ. Trong khi 63% dân số đủ điều kiện ở Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19, biến chủng Delta đang gây ra đợt bùng phát nghiêm trọng ở nhóm chưa tiêm. Hai loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất ở Mỹ hiện nay là Pfizer và Moderna, được phát triển theo công nghệ mRNA, đều giảm hiệu quả trước chủng Delta. Số ca nhiễm cũng đang tăng ở nhóm đã tiêm chủng, một số trường hợp phải nhập viện và tử vong.

    Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sẽ công bố dữ liệu về mũi tiêm tăng cường trước cuộc họp của hội đồng cố vấn vaccine vào ngày 17/9. Dữ liệu dự kiến bao gồm thông báo về tác động của mũi tiêm tăng cường ở Israel, nơi chính phủ theo dõi chặt chẽ những người đã tiêm vaccine Pfizer.

    Trong cuộc họp về Covid-19 hàng tuần của Nhà Trắng, tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), điều phối viên Covid-19 Nhà Trắng Jeffrey Zients và tiến sĩ Fauci bày tỏ lo ngại về việc suy giảm khả năng miễn dịch đối với các triệu chứng Covid-19 nhẹ và trung bình có thể dẫn tới giảm khả năng bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

    Tranh luận về tiêm liều tăng cường ở Mỹ đã trở thành chủ đề tranh cãi quyết liệt giữa những nhà virus học, nhiều người không cho rằng vaccine đang mất dần khả năng ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và nhập viện.

    Một bài viết tuần này trên tạp chí Lancet của hai cựu chuyên gia vaccine FDA và các nhà khoa học cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phản bác các lập luận về tiêm liều tăng cường, nói rằng cần có thêm nhiều bằng chứng để đánh giá và hầu hết ca nhiễm hiện nay đều là nhóm chưa tiêm chủng.

    Tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania và là thành viên hội đồng cố vấn vaccine của FDA, cũng cho rằng tiêm liều tăng cường là không cần thiết.

    "Câu hỏi được đặt ra là mục tiêu của tiêm liều tăng cường là gì? Nếu để tăng khả năng bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là vấn đề", Offit nói. "Nếu mục tiêu là tăng mức độ kháng thể trung hòa nhằm giảm ca nhiễm nhẹ hoặc không triệu chứng, chúng ta cần xem xét dữ liệu đó".

    Corey cho rằng tiêu chí chứng minh vaccine có khả năng ngăn virus lây truyền là rất cao. "Hiện tại chúng ta có bằng chứng về khả năng ngăn nguy cơ lây nhiễm của vaccine không? Câu trả lời là không, nhưng có nhiều lý do để tin vào điều đó, và nó có thể mang lại nhiều lợi ích", ông nói.

    Fauci cho hay dữ liệu của Israel cho thấy kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm tăng cường, quốc gia này đã kéo giảm được hệ số R, tỷ lệ lây nhiễm của virus. Một cộng đồng có khả năng miễn dịch càng cao thì hệ số R càng thấp.

    Fauci cảm thấy khó hiểu trước những lập luận của chuyên gia vaccine về tiêm liều tăng cường, trong đó họ cho rằng chỉ cần tiêm mũi thứ ba khi vaccine không còn ngăn chặn được nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

    "Có điều gì huyền bí về tỷ lệ nhập viện vậy? Tôi không hiểu. Họ cho rằng chúng ta không quan tâm bất kỳ điều gì khác ngoài ngăn mọi người nhập viện sao? Chắc họ đang đùa", Fauci nói.

    Thanh Tâm (Theo Reuters)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 78 khách