Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Chiến lược xét nghiệm khác biệt của Singapore và Trung Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Chiến lược xét nghiệm khác biệt của Singapore và Trung Quốc

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 9 17, 2021 4:42 pm







    Trung Quốc kiên trì với chiến lược xét nghiệm diện rộng để dập dịch, trong khi Singapore tập trung xét nghiệm những nhóm nguy cơ cao.

    Xét nghiệm diện rộng là một trụ cột quan trọng trong chiến lược chống dịch "không Covid-19" của Trung Quốc. Mỗi khi có dịch bùng phát tại bất kỳ thành phố hay địa phương nào, như một phản xạ, giới chức lại gấp rút tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ dân cư nhằm nhanh chóng truy vết tiếp xúc và khoanh vùng dập dịch.

    Hồi cuối tháng 7, khi thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, phát hiện một ổ dịch do biến chủng Delta, chính quyền địa phương đã thực hiện 17,6 triệu xét nghiệm, chia làm 12 đợt, diễn ra trong ba tuần.

    Nhằm tránh lây nhiễm chéo, Dương Châu đã thành lập 812 điểm lấy mẫu và cử hơn 5.700 nhân viên y tế tới thu thập mẫu xét nghiệm tại hầu hết các cộng đồng dân cư.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một em nhỏ ở thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, hôm 14/9. Ảnh: Reuters.

    "Gần như cộng đồng dân cư nào cũng có điểm lấy mẫu xét nghiệm riêng và tất cả người dân có thể được lấy mẫu mà không cần phải rời khỏi nơi mình sinh sống", Lu Xueqin, một y tá tham gia chống dịch tại Dương Châu, cho hay.

    Lu thêm rằng chính quyền sắp xếp thời gian để cư dân ở các chung cư, khu tập thể xuống lấy mẫu tại những thời điểm khác nhau nhằm tránh tụ tập đông người. Các trường hợp nghi nhiễm cùng với những người tiếp xúc gần ca F0 sẽ nhanh chóng được cách ly.

    Do năng lực xét nghiệm của địa phương có hạn, Dương Châu đã nhận được hỗ trợ từ các tỉnh thành lân cận. Công ty KingMed Diagnostics, trụ sở tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã giúp Dương Châu thiết lập phòng thí nghiệm dã chiến lớn nhất Trung Quốc nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.

    Phòng thí nghiệm này có thể tiến hành 150.000 xét nghiệm mỗi ngày. Để tiết kiệm thời gian, họ xét nghiệm gộp 10 mẫu. Nếu mẫu gộp cho kết quả dương tính, 10 người sẽ được lấy mẫu riêng để xét nghiệm lại nhằm xác định đúng ca nhiễm.

    Với phương pháp trên, phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm đến 1,5 triệu mẫu mỗi ngày. Những phòng thí nghiệm kiểu này đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc ngăn chặn virus tại các thành phố khác như Nam Kinh, Quảng Châu và Thạch Gia Trang.

    Trung Quốc mới đây cập nhật quy trình xét nghiệm diện rộng nhằm phản ứng tốt hơn trước biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh. Theo quy trình mới, một thành phố hơn 5 triệu dân sẽ phải hoàn thành xét nghiệm PCR toàn dân trong vòng ba ngày.

    Với thành phố dưới 5 triệu dân, thời gian hoàn thành xét nghiệm được giữ nguyên là hai ngày như phiên bản trước đây của quy trình được công bố hồi tháng hai.

    Nếu cần thiết, chính quyền thành phố hơn 5 triệu dân có thể xin chính phủ hỗ trợ nhằm hoàn thành xét nghiệm trong khung thời gian được quy định.

    Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm diện rộng của Trung Quốc cũng tồn tại những nhược điểm nhất định.

    Theo Cai Yutong, tình nguyện viên tại một điểm lấy mẫu ở quận Hàn Giang, thành phố Dương Châu, các cuộc xét nghiệm thường diễn ra từ 6h sáng cho tới khi nào hết người, đôi lúc kéo dài tới tận đêm muộn. Mỗi đợt lấy mẫu, điểm xét nghiệm của Cai đón khoảng 3.000 cư dân, do 6 bác sĩ và 30 tình nguyện viên vận hành.

    "Chúng tôi không có đủ bác sĩ ", Cai nói. "Về mặt lý thuyết, bác sĩ nên nghỉ ngơi sau mỗi hai tiếng nhưng cuối cùng họ phải làm việc đến cuối ngày mà không được nghỉ".

    "Xét nghiệm diện rộng tạo ra gánh nặng lớn lên nhân viên y tế khi họ phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày mà không biết đến bao giờ công việc này kết thúc", Cai chia sẻ. "Một số bác sĩ trở nên lơ là trong việc tuân thủ các quy trình như thủ tục khử trùng hay bất cẩn với các mẫu xét nghiệm".

    "Một số người tỏ ra không quan tâm bởi họ nói rằng cuối cùng thì các kết quả đều sẽ âm tính thôi", Cai cho hay, đề cập đến thực tế là chỉ một số rất ít người có xét nghiệm dương tính.

    Việc xét nghiệm diện rộng không chỉ gây áp lực lên nhân viên y tế mà còn gây ảnh hưởng tới ngân sách của chính quyền.

    Nếu chi phí xét nghiệm gộp theo công bố từ tỉnh Giang Tô là 3 USD mỗi lần, chiến dịch xét nghiệm diện rộng ở Dương Châu đã tiêu tốn gần 5,42 triệu USD trong 20 ngày triển khai hồi tháng 8.

    Do chính quyền Trung Quốc xác định kiên quyết theo đuổi chiến lược "không Covid-19" nên xét nghiệm diện rộng lặp đi lặp lại, dù tốn kém vẫn được cho là lựa chọn duy nhất giúp nước này ngăn chặn virus lây lan rộng trong cộng đồng.

    Wu Feng, trưởng khoa Hô hấp và Chăm sóc Tích cực tại Bệnh viện Liên kết của Đại học Dương Châu, cho rằng xét nghiệm diện rộng nhiều lần là việc phải làm.

    "Việc lây truyền của virus là quá trình diễn ra liên tục, nhưng xét nghiệm chỉ cho thông tin tại một thời điểm cụ thể. Vì thế, không thể phát hiện tất cả ca nhiễm hoặc truy vết mọi nguồn lây nếu chỉ xét nghiệm một lần tại một địa điểm nhất định", ông nói.

    "Xét nghiệm diện rộng là công cụ giúp thu hẹp phạm vi lây truyền nhằm xây dựng các biện pháp ngăn chặn trúng đích hơn và giảm thiểu các nguồn lực cần thiết khác để cách ly cộng đồng", bác sĩ Leung Chi-Chiu, chuyên gia về hô hấp tại Hong Kong, cho hay. "Chi phí xét nghiệm diện rộng có lẽ vẫn nhỏ hơn so với các thiệt hại kinh tế khác nếu bạn để virus lây lan".

    Tại Singapore, chính quyền nước này hồi đầu tháng thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm tích cực hơn nhằm đối phó với đợt bùng phát nghiêm trọng mới do biến chủng Delta gây ra. Dù vậy, chiến lược xét nghiệm của Singapore có tính chọn lọc hơn, tập trung chủ yếu vào những nhóm có nguy cơ cao.

    Hôm 6/9, công bố về các biện pháp mới nhằm ứng phó với Covid-19, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết chính quyền sẽ mở rộng xét nghiệm định kỳ với tần suất từ 14 ngày một lần tăng lên 7 ngày, áp dụng với những người lao động ở nhiều ngành nghề hơn.

    Chính phủ sẽ ban hành cảnh báo nguy cơ sức khỏe (HRW) cho những cá nhân được xác định là tiếp xúc gần với các ca nhiễm Covid-19 hay những người đã ở gần bệnh nhân trong một thời gian dài.

    Các cá nhân nhận được HRW sẽ phải xét nghiệm PCR và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính. Sau đó, họ được yêu cầu tiếp tục thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) và xét nghiệm PCR vào ngày thứ 14.

    Trong khi đó, những người từng đến các địa điểm có ca Covid-19, theo hồ sơ lưu trên ứng dụng truy vết SafeEntry, sẽ nhận được báo động nguy cơ sức khỏe (HRA). Họ không bắt buộc phải xét nghiệm nhưng được khuyến khích làm xét nghiệm PCR sớm nhất có thể.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế Singapore lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một lao động nhập cư hồi năm ngoái. Ảnh: AFP.

    Theo Bộ Y tế Singapore, HRW và HRA không phải lệnh cách ly nhưng các cá nhân nhận được những cảnh báo này nên hạn chế tương tác xã hội trong 14 ngày.

    Nhằm phát hiện sớm ca nhiễm, việc xét nghiệm bắt buộc theo quy trình sẽ được mở rộng sang nhân viên trung tâm thương mại, siêu thị, nhân viên giao hàng, bao gồm cả hàng hóa lẫn thực phẩm, hay nhân viên vận tải công cộng và tư nhân như tài xế taxi hay tài xế xe thuê tư nhân.

    Trước đây, chỉ những lao động làm việc ở những nơi có nguy cơ cao như cửa hàng ăn uống, dịch vụ chăm sóc cá nhân và phòng gym phải làm xét nghiệm này.

    Chính phủ sẽ trả chi phí xét nghiệm cho những ai nằm trong danh sách giám sát trên, với cả người đã tiêm chủng và chưa tiêm, tới cuối năm nay.

    Giới chức cũng sẽ phân phối các bộ ART tới những công ty thuộc các lĩnh vực không phải xét nghiệm bắt buộc. Mỗi công ty nhận được 8 bộ ART cho mỗi nhân viên để tự xét nghiệm hàng tuần trong khoảng thời gian hai tháng.

    Bộ trưởng Wong kêu gọi người dân thường xuyên xét nghiệm và hạn chế các hoạt động xã hội không thiết yếu trong giai đoạn hiện nay.

    "Với tất cả những biện pháp này, chúng tôi hy vọng có thể làm chậm tốc độ virus lây lan mà không cần phải quay trở lại trạng thái cảnh báo cao hay phong tỏa", ông nói. "Đó là các biện pháp cuối cùng và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không phải dùng đến chúng. Nhưng chúng ta cũng không nên loại bỏ hoàn toàn khả năng này".


    Vũ Hoàng (Theo SCMP, Straits Times, Xinhua)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 66 khách