Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Lý do Australia hủy hợp đồng tàu ngầm 40 tỷ USD với Pháp
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Lý do Australia hủy hợp đồng tàu ngầm 40 tỷ USD với Pháp

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 9 20, 2021 7:57 am






    Australia hủy hợp đồng 40 tỷ USD vì tàu ngầm thông thường của Pháp không có ưu điểm nổi trội, trong khi tiến độ bị chậm, theo chuyên gia.

    Australia bất ngờ hợp tác với Mỹ và Anh để phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân, đồng nghĩa thỏa thuận hợp tác phát triển lớp tàu ngầm lớp Attack theo chương trình SEA 1000 giữa Pháp và Australia đã "chết yểu".

    Theo chương trình SEA 1000 được ký năm 2016, tập đoàn đóng tàu Naval Group của Pháp sẽ cung cấp 12 tàu ngầm lớp Attack cho hải quân Australia, với giá trị hợp đồng khoảng 40 tỷ USD.

    Marcus Hellyer, chuyên gia thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định quyết định từ bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm lớp Attack để chuyển sang đóng tàu ngầm hạt nhân với sự trợ giúp của Mỹ, Anh được Australia đưa ra khi nước này gặp nhiều trở ngại với chương trình SEA 1000 liên quan đến tiến độ và chi phí.

    Chương trình phát triển 12 tàu ngầm lớp Attack được Australia lên kế hoạch từ năm 2009 để thay thế các tàu lớp Collins hải quân Australia đang vận hành. Tuy nhiên, chương trình này nhiều lần bị trì hoãn và đội vốn lên hơn 65 tỷ USD, thay vì hơn 36 tỷ USD theo dự toán ban đầu.

    Hình ảnh
    Tàu ngầm HMAS Collins, HMAS Farncomb, HMAS Dechaineux và HMAS Sheean di chuyển theo đội hình khi đi qua vịnh Cockburn Sound, Tây Australia tháng 2/2019. Ảnh: BQP Australia.

    Bộ Quốc phòng Australia năm 2016 lựa chọn biến thể Block 1A của lớp tàu ngầm Suffren, do tập đoàn Naval Group của Pháp chế tạo, làm cơ sở phát triển tàu ngầm lớp Attack.

    Suffren vốn là lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân và được sửa đổi thành tàu ngầm thông thường cho Australia, do đó đề án được đánh giá mang tính rủi ro cao, Hellyer nhận định.

    Một lý do khác khiến Australia hủy thỏa thuận tàu ngầm lớp Attack chạy bằng động cơ thông thường với Pháp do nhận ra rằng loại chiến hạm này không đáp ứng được nhu cầu tương lai của họ, theo Hellyer.

    "Tàu ngầm lớp Attack mang tính cải tiến nhiều hơn là cách mạng và không đem lại bất cứ năng lực nào mới hơn những gì các chiến hạm lớp Collins đang có", chuyên gia này nói. "Tàu ngầm này có thiết kế truyền thống, không sở hữu hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), không dùng pin lithium-ion, không được trang bị ống phóng thẳng đứng hoặc ống kích thước lớn để triển khai và thu hồi phương tiện không người lái dưới nước cỡ lớn".

    Hệ thống AIP giúp tàu ngầm hạn chế phụ thuộc vào nguồn không khí từ bên ngoài khi hoạt động trong lòng biển. Tàu ngầm diesel-điện truyền thống thường chỉ lặn dưới nước được vài ngày, trước khi phải nổi lên lấy không khí và dễ bị đối phương phát hiện hoặc tấn công, trong khi các tàu ngầm AIP có thời gian hoạt động lâu hơn.

    Chuyên gia Hellyer cho biết chương trình SEA 1000 nhằm chế tạo tàu ngầm lớp Attack sớm lộ rõ các vấn đề. Thỏa thuận Đối tác Chiến lược giữa Australia và Pháp để quản lý quan hệ giữa các tổ chức trong thời gian triển khai chương trình dự kiến ký vào tháng 10/2017, song bị hoãn tới tháng 2/2019.

    Ban Cố vấn Đóng tàu Hải quân Australia (NSAB) tháng 9/2018 gợi ý chính phủ nước này nên xem xét các lựa chọn thay thế chương trình SEA 1000 nếu Thỏa thuận Đối tác Chiến lược với Pháp không thành.

    NSAB cho biết việc kéo dài niên hạn của tàu ngầm lớp Collins giúp Australia có thêm thời gian để "phát triển chiến lược mua sắm mới cho chương trình Tàu ngầm Tương lai nếu cần".

    Australia sau đó phê duyệt chương trình kéo dài niên hạn lớp Collins để đảm bảo hải quân nước này đủ khả năng duy trì hạm đội tàu ngầm trong tương lai gần. Các tàu ngầm lớp Collins sau khi được kéo dài niên hạn có thể phục vụ tới năm 2038.

    Sau khi Australia ký Thỏa thuận Đối tác Chiến lược với Pháp năm 2019, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Australia (ANAO) hồi đầu năm 2020 công bố báo có cho thấy chương trình SEA 1000 đã chậm tiến độ 9 tháng, do cách tiếp cận khác nhau giữa Bộ Quốc phòng Australia và tập đoàn Naval Group của Pháp.

    Báo cáo của ANAO nhấn mạnh việc chậm tiến độ từ ba năm trở lên có thể dẫn đến tụt hậu trong năng lực tàu ngầm của hải quân Australia.

    Hình ảnh
    Mô phỏng tàu ngầm lớp Attack. Đồ họa: Naval Group.

    Bộ Quốc phòng Australia dường như nhận ra họ phải chấp nhận rất nhiều rủi ro và chi rất nhiều tiền để sở hữu loạt tàu ngầm không mang lại năng lực tác chiến mà hải quân nước này cần trong những năm 2050 và sau đó, Hellyer nhận định.

    "Attack sẽ là lớp tàu ngầm thông thường rất có năng lực nếu tiếp nối các chiến hạm Collins được tăng niên hạn", Hellyer nói. "Tuy nhiên, chúng ta đang ở cuối quỹ đạo phát triển công nghệ cho tàu ngầm thông thường. Cải tiến duy nhất của lớp Attack so với tàu ngầm Collins là có lượng giãn nước lớn hơn, 4.500 tấn so với 3.400 tấn, nên mang được nhiều nhiên liệu và pin hơn, di chuyển nhanh hơn và lặn lâu hơn".

    Bộ Quốc phòng Australia từng gặp vấn đề tương tự với lớp Collins 20 năm trước, khi chọn sử dụng thiết kế điều chỉnh trên cơ sở tàu ngầm lớp Gotland của Thụy Điển.

    Hellyer nhận xét Bộ Quốc phòng Australia đã dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho các cải tiến trên tàu ngầm có sẵn. "Nếu muốn có những thay đổi căn bản về hiệu suất của tàu ngầm, hãy chuyển sang hệ thống động cơ dùng năng lượng hạt nhân" do Mỹ cung cấp, Hellyer kết luận.


    Nguyễn Tiến (Theo USNI)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 55 khách