Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Australia tranh cãi vì thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Australia tranh cãi vì thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 9 21, 2021 10:41 pm






    Các nhóm phản đối hạt nhân Australia phản đối thỏa thuận tàu ngầm giữa nước này với Anh, Mỹ, lo ngại nó tiềm ẩn rủi ro cho dân cư và môi trường.

    Khi thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Australia được công bố hồi tuần trước, Pháp đã rất tức giận. Nhưng họ không phải là những người duy nhất.

    Tại Australia, không ít người dân và các nhóm phản đối hạt nhân cũng lên tiếng bày tỏ bất bình. Trong khi chính phủ Australia nhấn mạnh thỏa thuận đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp nước này đảm bảo an ninh quốc gia, nhiều người lại quan tâm đến nguy cơ về sức khỏe và môi trường của nó.

    Hình ảnh
    Các tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia. Ảnh: Navy.gov.au.

    "Thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân làm dấy lên những mối quan ngại nghiêm trọng về phổ biến vũ khí nguyên tử, khi các mẫu tàu ngầm của Mỹ và Anh đều sử dụng uranium làm giàu cao", Tổ chức Chiến dịch Quốc tế về Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) Australia, viết trên Twitter.

    Tiến sĩ Jim Green, nhà vận động chống hạt nhân Australia, cho biết các tàu ngầm hạt nhân thường sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu (HEU). Điều này sẽ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ dần việc sử dụng HEU để thúc đẩy nỗ lực chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời đặt ra những mối lo ngại đặc biệt về an ninh.

    "Chính phủ muốn đóng tàu ngầm hạt nhân ở ngoại ô Adelaide. Việc đóng tàu ngầm hạt nhân ở một thành phố với 1,3 triệu dân có phải là động thái khôn ngoan không", ông đặt câu hỏi. "Những địa điểm thay thế nào đã được xem xét, nếu có?".

    "Chính phủ cũng im lặng về vấn đề xử lý chất thải phóng xạ do chương trình tàu ngầm hạt nhân tạo ra", tiến sĩ Green nói thêm.

    Gem Romuld, giám đốc ICAN Australia, thì cho rằng việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân ở Adelaide có thể biến thành phố triệu dân này có nguy cơ trở thành mục tiêu trong đòn tấn công hạt nhân của đối phương.

    "Các lò phản ứng sẽ tạo ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân rõ ràng và trở thành địa điểm tiềm ẩn rủi ro xảy ra tai nạn hạt nhân cũng như ô nhiễm phóng xạ trong tương lai lâu dài", Romuld nói.

    Lãnh đạo đảng Xanh Adam Bandt thậm chí gọi quyết định đóng tàu ngầm hạt nhân của chính quyền Thủ tướng Scott Morrison giống như đưa "những nhà máy Chernobyl nổi vào trung tâm các thành phố của Australia", nhắc đến thảm họa hạt nhân ở Ukraine năm 1986. Theo ông, việc làm này sẽ khiến "Australia trở nên kém an toàn hơn".

    Bob Brown, cựu lãnh đạo đảng Xanh, cho rằng thỏa thuận tàu ngầm với Anh, Mỹ đưa Australia đến gần hơn với ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân và cảnh báo động thái này sẽ nhận về phản ứng dữ dội từ công chúng.

    "Những gì chính phủ đang làm thật hèn nhát", Brown nói. "Họ đưa ra quyết định mà không tham khảo ý kiến từ công chúng vì biết rằng công chúng sẽ phản đối".

    Australia không phải quốc gia duy nhất phản đối hạt nhân. Một số nước đã kìm hãm đà phát triển của ngành điện hạt nhân từ sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản.

    Hình ảnh
    Một cuộc biểu tình phản đối uranium bên ngoài Nhà hát Opera Sydney ngày 4/6/1979. Ảnh: Fairfax.

    Fukushima là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất sau vụ nổ lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine, năm 1986. Tuy nhiên, làn sóng chống hạt nhân của Australia đã nổ ra từ trước đó rất lâu, trở thành một phong trào phản đối mạnh mẽ vào những năm 1970. Nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ những mối lo ngại về tác động môi trường của việc khai thác uranium, nguyên tố kim loại mà Australia có trữ lượng khổng lồ, và những rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các khu dân cư gần những cơ sở khai thác.

    Người Australia còn lo ngại về việc làm thế nào để lưu trữ an toàn chất thải hạt nhân. Các vụ nổ hoặc rò rỉ chất thải lưu trữ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, dù những thảm họa như vậy ngày nay ít xảy ra hơn nhiều so với trước đây.

    Năm 1977, Phong trào Chống khai thác Uranium tại Australia đã thu thập được 250.000 chữ ký yêu cầu cấm khai thác nguồn nguyên liệu hạt nhân này, dù Australia không sử dụng năng lượng hạt nhân. Hiện tại, Australia vẫn khai thác và xuất khẩu uranium để phục vụ sản xuất điện hạt nhân ở các khu vực khác trên thế giới.


    Vũ Hoàng (Theo CNN, News.com.au)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 56 khách