Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Đông Nam Á gồng mình dưới áp lực sống chung Covid-19
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Đông Nam Á gồng mình dưới áp lực sống chung Covid-19

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 9 22, 2021 9:26 pm






    Sau nhiều tháng phong tỏa, một số quốc gia Đông Nam Á bắt đầu đề ra lộ trình sống chung với Covid-19 dưới áp lực phục hồi kinh tế.

    Đông Nam Á hồi mùa hè đối mặt đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng liên quan biến chủng Delta, khiến số ca nhiễm tăng mạnh trong tháng 7-8. Đợt sóng này buộc các nước trong khu vực phải ban hành các hạn chế nghiêm ngặt. Malaysia và Indonesia phong tỏa toàn quốc, còn Thái Lan phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao.

    Hàng triệu người phải ở nhà, các trường học bị đóng cửa, hệ thống giao thông công cộng dừng hoạt động và các cuộc tụ họp bị cấm.

    Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Đông Nam Á sau đó giảm dần, dù vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Philippines mỗi ngày ghi nhận 20.000 ca nhiễm mới, còn ở Thái Lan và Malaysia là khoảng 15.000 ca. Số ca nhiễm mới ở Indonesia giảm nhiều nhất, xuống khoảng vài nghìn ca mỗi ngày.

    Giới chức các nước như Indonesia và Thái Lan bắt đầu tìm cách phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, bằng cách mở biên và dỡ hạn chế tại khu vực công cộng, từ bỏ chiến lược "xóa sổ Covid-19" và hướng tới sống chung với đại dịch.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế Thái Lan tiêm vaccine tại một điểm tiêm chủng ở thủ đô Bangkok ngày 24/5. Ảnh: Reuters.

    Jean Garito, điều hành một trường dạy lặn ở đảo Phuket của Thái Lan, cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này mong chờ biên giới được mở trở lại. Garito cho biết không chắc ngành du lịch của Thái Lan sẽ cầm cự được bao lâu nữa.

    Thái Lan lên kế hoạch đón du khách nước ngoài tới Bangkok và một số điểm đến du lịch khác vào tháng 10, với hy vọng nhằm vực dậy ngành du lịch vốn chiếm 11% GDP. Khoảng 21% dân số Thái Lan đã tiêm đủ liệu trình vaccine Covid-19.

    Indonesia đã tiêm vaccine cho hơn 16% dân số và nới lỏng một số hạn chế, cho phép một số khu vực công cộng hoạt động trở lại và các nhà máy hoạt động hết công suất. Du khách nước ngoài từ tháng 10 sẽ được phép tới một số địa phương của Indonesia, bao gồm hòn đảo nghỉ dưỡng Bali.

    Khi khoảng 56% dân số đã tiêm đủ liệu trình vaccine, Malaysia hồi tuần trước mở cửa trở lại cụm đảo du lịch Langkawi. Một số bang của Malaysia nới lỏng hạn chế với người đã tiêm vaccine, bao gồm cho phép ăn uống tại các nhà hàng và đi lại giữa các địa phương.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế Malaysia lấy mẫu xét nghiệm cho dân thành phố Cyberjaya ngày 2/6. Ảnh: Reuters.

    Khu vực Đông Nam Á nhanh chóng mở cửa trở lại, tương tự cách tiếp cận sống chung với Covid-19 của Mỹ, Anh và một số nước khác. Singapore là quốc gia từ bỏ chiến lược "Không Covid" nhanh nhất.

    Dù nhiều nước trong khu vực chưa thông báo về thay đổi tương tự, việc họ mở cửa trở lại nhanh chóng cho thấy giới chức các nước đang cân nhắc tính bền vững lâu dài của chiến lược "xóa sổ virus".

    Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Đông Nam Á sẽ khiến việc mở cửa trở lại tại khu vực gặp nhiều rủi ro hơn so với phương Tây. Nhiều quốc gia phương Tây đã tiêm vaccine Covid-19 cho phần lớn dân số, như Anh với tỷ lệ 65% và Canada là gần 70%.

    Một số nước phương Tây ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến sau khi mở cửa trở lại, nhưng số bệnh nhân phải nhập viện hoặc tử vong ở mức thấp. Điều này cho thấy vaccine Covid-19 mang lại lợi ích trong cuộc chiến chống đại dịch.

    Tỷ lệ nhiễm nCoV tại Đông Nam Á vẫn ở mức đáng lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước cần duy trì tỷ lệ dương tính ở mức từ 5% trở xuống trong ít nhất hai tuần trước khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại một số nước Đông Nam Á đang là 20-30%.

    WHO còn đưa ra một số khuyến cáo khác, bao gồm các chính phủ chỉ nên mở cửa nếu đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch và hệ thống y tế của họ đủ năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị các ca bệnh. Một số quốc gia chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này, song vẫn mở cửa trở lại.

    Tuy nhiên, nhiều quốc gia Đông Nam Á không còn lựa chọn khác, dù nguồn cung vaccine trong khu vực vẫn thấp do tình trạng giao hàng chậm trễ hoặc thiếu hụt toàn cầu.

    Việc chờ đợi nhu cầu vaccine toàn cầu giảm bớt và nguồn cung tăng lên không phải là lựa chọn của nhiều quốc gia, khi cuộc sống và sinh kế của dân chúng bị gián đoạn nghiêm trọng trong gần hai năm qua.

    "Hàng triệu người đang vật lộn với sinh kế hàng ngày", Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực Đông Nam Á của Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế, cho biết. "Một lực lượng lao động khổng lồ ở châu Á đang bị ảnh hưởng bởi đợt suy thoái kinh tế này".

    Hình ảnh
    Dân Singapore xếp hàng chờ bên ngoài một trung tâm xét nghiệm nhanh nCoV ngày 21/9. Ảnh: Reuters.

    Khi các lệnh phong tỏa tái áp đặt nhiều lần, nhiều gia đình đối mặt khó khăn tài chính và ngày càng mệt mỏi với đại dịch, khiến áp lực tái mở cửa tăng lên.

    "Chúng tôi biết vaccine là câu trả lời chính với đại dịch, nhưng chúng tôi không được tiếp cận với vaccine trong khi phải chứng kiến người dân trải qua rất nhiều khó khăn", Rimal nói.

    Đó là lý do các tổ chức nhân đạo như Hội Chữ thập Đỏ kêu gọi các lãnh đạo thế giới cung cấp thêm vaccine Covid-19 cho những nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch tại Đông Nam Á và Nam Á.

    Giới chuyên gia cho rằng nếu quyết định mở cửa trở lại trong lúc chờ đợi vaccine, các quốc gia sẽ phải tăng cường biện pháp y tế cộng đồng, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc để ứng phó đại dịch. "Nếu không làm điều này, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt trong vài ngày hoặc vài tuần tới", Rimal cảnh báo.


    Nguyễn Tiến (Theo CNN)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 62 khách