Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân có thể 'đổ dầu vào lửa' châu Á
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân có thể 'đổ dầu vào lửa' châu Á

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 9 23, 2021 9:29 am






    Việc Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng hiện diện quân sự và hành động quyết liệt, gia tăng căng thẳng khu vực, theo chuyên gia.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 15/9 thông báo thành lập liên minh AUKUS, trong đó Washington và London sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Canberra chế tạo 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

    Hình ảnh
    Tàu ngầm hạt nhân Type-094 của Trung Quốc. Ảnh: PLAN.

    Trung Quốc lập tức phản ứng gay gắt, mô tả thỏa thuận này là "mối đe dọa cực kỳ vô trách nhiệm" với ổn định trong khu vực, bày tỏ hoài nghi về cam kết không phổ biến hạt nhân của Australia.

    Giới chuyên gia cho rằng bình luận này cho thấy Trung Quốc có thể có những hành động quyết liệt hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn đã rất căng thẳng vì cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung. Bắc Kinh có thể lấy đó làm cớ tăng cường hiện diện quân sự ở các vùng biển toàn cầu, phục vụ nỗ lực thực thi yêu sách chủ quyền phi lý, đồng thời dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ khí và gia tăng căng thẳng trong khu vực.

    "Rất khó để dự đoán Trung Quốc sẽ làm gì trong thời gian tới. Nhiều khả năng họ sẽ đẩy mạnh triển khai lực lượng hải quân và không quân trong khu vực, cũng như trên thế giới. Tàu chiến Trung Quốc có thể tăng cường ghé thăm cảng biển nước ngoài và di chuyển trong vùng biển quốc tế gần Australia, Anh và Mỹ, đặc biệt là ngoài khơi quần đảo Hawaii, đảo Guam và bang Alaska", giáo sư Lawrence B. Brennan, cựu đại tá từng phục vụ 33 năm trong hải quân Mỹ, chia sẻ với VnExpress.

    Giáo sư Brennan cho rằng Trung Quốc có thể phản ứng công khai và trực tiếp, cũng như thực thi loạt biện pháp gián tiếp nhằm vào phương Tây để phản ứng với thỏa thuận giúp Australia sở hữu hạm đội tàu ngầm hạt nhân hiện đại.

    "Tàu ngầm và tàu mặt nước Trung Quốc có thể xuất hiện nhiều hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là những vùng biển do nước này tuyên bố yêu sách chủ quyền. Bắc Kinh cũng có thể đáp trả gián tiếp bằng những màn phô trương sức mạnh ở nhiều lĩnh vực khác, gồm cắt giảm hợp tác kinh tế và thương mại. Điều này sẽ làm tổn hại đáng kể quan hệ giữa Trung Quốc với các cường quốc phương Tây", ông nói thêm.

    Trong một bài viết trên SCMP, Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định liên minh AUKUS sẽ làm gia tăng cạnh tranh quân sự và địa chính trị giữa các cường quốc trong khu vực.

    "AUKUS và Bộ Tứ sẽ dẫn tới sự hiện diện thường xuyên hơn của lực lượng quân sự nước ngoài ở những vùng biển xung quanh Trung Quốc, buộc nước này thực hiện hành động đối phó. Tất cả sẽ làm gia tăng những cuộc chạm mặt giữa các bên", Koh nêu quan điểm.

    Hình ảnh
    Tàu ngầm HMAS Collins của hải quân Australia. Ảnh: Hải quân Australia.

    Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh sẽ phải theo dõi chặt chẽ những thay đổi về năng lực quân sự của Canberra sau thỏa thuận AUKUS, cũng như tác động của nó đến an ninh Trung Quốc.

    "Australia sẽ sở hữu năng lực tấn công phủ đầu và gắn chặt số phận với Mỹ, trong khi Trung Quốc và những quốc gia trong khu vực sẽ nhìn Australia theo cách khác. Thỏa thuận này khó lòng thay đổi cán cân chiến lược tại châu Á, nhưng các bên sẽ cần câu trả lời về năng lực của hạm đội tàu ngầm Australia, trong đó quan trọng nhất là chúng có mang được vũ khí hạt nhân hay không", Lu nêu quan điểm.

    Trong khi đó, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho rằng thỏa thuận AUKUS cũng có những mặt tích cực và chứng tỏ "cuộc chiến kinh tế" được Trung Quốc tiến hành suốt hai năm qua nhằm vào Australia đã phản tác dụng.

    "Về dài hạn, tàu ngầm Australia có thể tham gia những đợt tuần tra cùng lực lượng Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều này rất quan trọng, có thể giúp tăng cường năng lực răn đe và bảo đảm ổn định khu vực, khiến Trung Quốc thay đổi hành vi của họ", ông nhận xét.

    Dù vậy, giáo sư Brennan cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực, một khi hải quân Australia sở hữu hạm đội tàu ngầm có công nghệ không kém gì, thậm chí hiện đại hơn cả tàu ngầm Trung Quốc.

    "Điều đáng lo ngại nhất là thỏa thuận AUKUS sẽ thúc đẩy nhiều quốc gia trong khu vực tìm cách sở hữu tàu chiến chạy bằng năng lượng nguyên tử. Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề lớn ở quy mô toàn cầu, bao gồm kiểm soát và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, hiểm họa với môi trường khi xảy ra sự cố với tàu chiến dùng năng lượng hạt nhân", ông nói.


    Vũ Anh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 74 khách