Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ba năm Mạnh Vãn Chu đốt nóng quan hệ Trung Quốc - Canada
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Ba năm Mạnh Vãn Chu đốt nóng quan hệ Trung Quốc - Canada

    by VietNews » Thứ 7 Tháng 9 25, 2021 9:42 am






    Khi tới Vancouver ngày 1/12/2018, Mạnh Vãn Chu chỉ dự định quá cảnh một lúc, nhưng cuối cùng mắc kẹt gần ba năm.

    Kế hoạch của Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Vancouver, Canada, là đến nhà của bà ở thành phố này, lấy một ít hành lý trước khi lên chuyến bay khác tới Mexico để tham dự một cuộc họp.

    Tuy nhiên, thay vào đó, bà bị các sĩ quan biên phòng Canada giữ tại sân bay và thẩm vấn trong ba giờ. Họ cũng tịch thu điện thoại và lục soát hành lý của giám đốc Huawei, đồng thời là con gái người sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi. Cảnh sát Hoàng gia Canada sau đó tới và bắt bà Mạnh theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

    Từ tháng 8/2018, một tòa án tại New York đã phát lệnh bắt bà Mạnh với cáo buộc lừa dối ngân hàng HSBC về quan hệ giữa Huawei với Skycom, công ty bán thiết bị viễn thông của Hong Kong làm việc với Huawei ở Iran, khiến HSBC có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Huawei là khách hàng của HSBC từ năm 2009.

    Theo bản thuyết trình bằng PowerPoint được bà Mạnh sử dụng trong cuộc họp với HSBC vào tháng 8/2013, Huawei và Skycom được mô tả là hai thực thể tách biệt. "Trên thực tế, chúng không hề tách biệt. Skycom chính là Huawei. Đây là mấu chốt trong những tuyên bố sai lệch của bà Mạnh", John Gibb-Carsley, luật sư của chính phủ Canada đại diện cho Mỹ, giải thích.

    Sau một phiên tòa ở Vancouver, thẩm phán đồng ý để bà Mạnh tại ngoại với số tiền bảo lãnh là 7,5 triệu USD. Tuy nhiên, bà phải nộp lại hộ chiếu, đeo vòng định vị và có nhân viên an ninh giám sát mỗi khi rời nhà. Theo thỏa thuận tại ngoại, bà Mạnh được phép di chuyển giữa Vancouver, Richmond và các khu vực ở phía bắc Vancouver.

    Hình ảnh
    Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu rời nhà ở Vancouver, Canada, để tới phiên điều trần hôm 18/8. Ảnh: AFP

    Ngày 6/12/2018, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết vụ bắt bà Mạnh "không có sự can thiệp chính trị", nhấn mạnh hệ thống tư pháp Canada đang hành động độc lập trong việc xử lý yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Tuy nhiên, hai ngày sau, Trung Quốc cảnh báo Canada về những hậu quả nghiêm trọng, mở đầu giai đoạn căng thẳng chưa từng có trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa.

    Ngày 10/12/2018, Trung Quốc bắt hai công dân Canada, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, với cáo buộc "tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc". Giới quan sát đánh giá đây là động thái trả đũa của Bắc Kinh sau khi bà Mạnh bị bắt.

    Trudeau và Donald Trump, tổng thống Mỹ khi đó, đã chỉ trích hành vi "giam giữ tùy tiện" của Trung Quốc với hai công dân Canada. Cuối tháng 1/2019, Trudeau cách chức đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum, vì phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng bà Mạnh có những cơ sở vững chắc để phản đối việc dẫn độ sang Mỹ.

    Cũng trong tháng 1/2019, một tòa án ở đông bắc Trung Quốc kết án tử hình công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg vì tội buôn bán ma túy, tăng kịch khung so với bản án 15 năm tù trước đó. Giới chức Trung Quốc cho rằng mức án của Schellenberg trong phiên sơ thẩm là quá khoan hồng.

    Giữa không khí đầy căng thẳng, Canada cảnh báo công dân đến Trung Quốc về "nguy cơ thi hành luật pháp địa phương tùy tiện". Đáp lại, Trung Quốc cũng cảnh báo công dân nước này về "những rủi ro" khi tới Canada, lấy dẫn chứng về vụ bắt bà Mạnh.

    Xung đột lan sang cả lĩnh vực thương mại. Tháng 3/2019, Trung Quốc cấm nhập khẩu hạt cải dầu của Canada, nguyên liệu được sử dụng để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi, vì "phát hiện sâu hại". Ba tháng sau, Trung Quốc tiếp tục đình chỉ toàn bộ thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Canada, với lý do phát hiện giấy chứng nhận thú y giả mạo, đến tháng 11/2019 mới nối lại.

    Tháng 6/2020, Trung Quốc buộc tội Kovrig và Spavor "làm gián điệp nước ngoài" và "cung cấp các bí mật quốc gia", sau hơn 18 tháng bắt giam. Trong khi đó, đội ngũ luật sư của bà Mạnh tiến hành cuộc chiến pháp lý để bảo vệ thân chủ theo nhiều hướng.

    Ban đầu, họ lập luận rằng tội danh mà bà Mạnh bị cáo buộc là ở Mỹ, không phải ở Canada. Sau khi nỗ lực này thất bại, các luật sư lại tập trung vào vấn đề chính trị xung quanh vụ án. Họ cáo buộc những bình luận của cựu tổng thống Trump, cho thấy Washington sẵn sàng sử dụng vụ bà Mạnh làm quân bài mặc cả khi đàm phán thương mại với Bắc Kinh, chứng minh sự lạm dụng quy trình.

    Một hướng tấn công khác của đội ngũ luật sư liên quan đến cách đối xử của biên phòng Canada với bà Mạnh tại sân bay ở Vancouver. Họ cho rằng vụ bắt cũng là hành vi lạm dụng quy trình và tìm cách làm rõ vai trò của giới chức Mỹ ở thời điểm đó. Tuy nhiên, một thẩm phán đã từ chối yêu cầu tiết lộ một số tài liệu nhất định từ nhóm luật sư.

    Tháng trước, giám đốc Huawei xuất hiện trong phiên tòa khi thẩm phán nghe những tranh luận cuối cùng về việc có dẫn độ bà tới Mỹ hay không. Trường hợp của bà còn được nêu trong những cuộc thảo luận cấp cao giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc. Ban lãnh đạo Huawei được cho là cũng trao đổi với chính phủ Mỹ để đảm bảo bà Mạnh được thả.

    Cuối cùng, trong phiên tòa ngày 24/9, vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York công bố một thỏa thuận đình chỉ những cáo buộc gian lận đối với bà Mạnh, giám đốc tài chính Huawei được trả tự do, kết thúc gần ba năm bị quản thúc tại gia.

    Các công tố viên Mỹ chấp nhận việc bà Mạnh đồng ý với một tuyên bố về các tình tiết trong vụ án. Đổi lại, họ đình chỉ những cáo buộc có nguy cơ dẫn đến án tù 30 năm cho tới ngày 1/12/2022. Nếu giám đốc tài chính Huawei tuân thủ điều khoản của thỏa thuận, các cáo buộc sẽ được bãi bỏ.

    "Trong ba năm qua, cuộc sống của tôi bị đảo lộn với tư cách một người mẹ, một người vợ và một người điều hành công ty. Tôi tin rằng trong cái rủi luôn có cái may. Đó thực sự là một trải nghiệm vô giá trong cuộc đời. Có câu nói rằng khó khăn càng lớn, mức độ trưởng thành càng cao", bà Mạnh cho biết sau phiên tòa.

    "Tôi biết ơn chân thành đại sứ quán Trung Quốc tại Canada với sự hỗ trợ thường xuyên của họ", giám đốc Huawei nói thêm, trước khi lên máy bay trở về Thâm Quyến, Trung Quốc.


    Ánh Ngọc (Theo AFP, BBC)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 62 khách