Hồ sơ Pandora tiết lộ danh tính những chủ sở hữu bí mật của hơn 1.500 bất động sản tại Anh được mua thông qua các công ty offshore.
Tổng giá trị ước tính của số bất động sản này lên tới hơn 4 tỷ bảng Anh (hơn 5,4 tỷ USD), theo các tài liệu trong Hồ sơ Pandora. Cuộc điều tra do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) dẫn dắt này đã thu thập được gần 12 triệu tài liệu, tiết lộ những giao dịch tài chính ở nước ngoài của hàng trăm người thuộc giới tinh hoa toàn cầu, bao gồm hơn 330 chính trị gia từ gần 100 nước.
Họ được cho là sử dụng các công ty offshore (mô hình công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài) hoặc những phương thức "lách luật" khác để che giấu của cải và các khoản đầu tư vào bất động sản, mà gần như không bị đánh thuế theo quy định ở nước sở tại. Dữ liệu cho thấy Anh dường như là lựa chọn lý tưởng để giới siêu giàu mua bất động sản.
Chủ sở hữu những bất động sản tại Anh được mua thông qua các công ty offshore bao gồm nhiều chính trị gia cấp cao trên thế giới, như Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Gia đình ông được cho là bí mật sở hữu các công ty offshore suốt nhiều thập kỷ và một trong các công ty này đã mua một căn hộ ở trung tâm London.

Một con phố thuộc quận Mayfair ở thủ đô London của Anh hôm 4/10. Ảnh: AP,
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham gia mạng lưới công ty offshore, đồng sở hữu chúng cùng những người bạn lâu năm và đối tác kinh doanh. Trong số tài sản mà các công ty này nắm giữ bao gồm những căn hộ gần công viên Regent ở London.
Hồ sơ Pandora cũng liệt kê những bất động sản tại Anh được cho là của gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Vua Jordan Abdullah II bin Al-Hussein và Hoàng gia Qatar Al-Thani. Bên cạnh một số lãnh đạo thế giới, các nhà tài trợ chính trị nổi bật tại Anh, cùng vợ chồng ông trùm bán lẻ Philip Green, cũng đầu tư vào những bất động sản đắt đỏ ở nước này thông qua hệ thống offshore.
Tỷ phú Ukraine Gennadiy Bogolyubov, nghi phạm rửa tiền của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và bị đóng băng hàng trăm triệu USD tài sản, được cho là chủ sở hữu hàng loạt bất động sản tại Anh, bao gồm một tòa nhà trên Quảng trường Trafalgar, với tổng trị giá ước tính hơn 400 triệu bảng (gần 545 triệu USD).
Một số lãnh đạo thế giới đã lên tiếng phủ nhận mọi hành vi sai trái sau khi Hồ sơ Pandora được công bố. Trên thực tế, luật pháp Anh cho phép mua bất động sản thông qua công ty offshore. Tuy nhiên, các tài liệu làm nổi bật mức độ phức tạp của những hoạt động tài chính, thường được tiến hành ẩn danh, mà giới siêu giàu được cho là sử dụng để trốn thuế.
Chính phủ Anh gần đây cũng nâng cảnh báo nguy cơ rửa tiền trên thị trường bất động sản từ mức "trung bình" lên "cao". Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Anh hồi tháng 12/2020, mức độ rủi ro lớn nhất nằm ở "những khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng" của các bất động sản.
Theo giới chuyên gia, Anh được chọn làm địa điểm mua bất động sản lý tưởng nhờ sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp phức tạp, bao gồm các công ty quản lý tài sản sáng tạo, luật sư cao cấp và những hãng kế toán lâu đời, có thể giúp quá trình mua bán diễn ra trót lọt.
Theo phân tích năm 2019 của tổ chức phi chính phủ về minh bạch Global Witness, khoảng 87.000 bất động sản ở Anh và Xứ Wales thuộc sở hữu của những công ty ẩn danh được đăng ký tại các thiên đường thuế, tức là đánh thuế thấp hoặc miễn thuế. Trong đó, 40% được xác định là ở thủ đô London.
Trong nhiều thập kỷ qua, giới chức Anh thúc đẩy cách tiếp cận theo hướng nới lỏng quy định, nhằm thu hút vốn nước ngoài. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng điều này khiến Anh trở thành điểm đến yêu thích của những người muốn trốn thuế và tội phạm rửa tiền.
Duncan Hames, giám đốc chính sách của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Anh, đánh giá Hồ sơ Pandora nên đóng vai trò "hồi chuông cảnh tỉnh" chính phủ nước này, thúc đẩy giới chức đưa ra những biện pháp vốn bị trì hoãn từ lâu nhằm tăng cường khả năng chống lại "dòng tiền bẩn" của Anh.
"Những tài liệu bị rò rỉ chứng minh có một hệ thống dành cho giới thượng lưu tham nhũng, nơi họ có thể tiếp cận bất động sản cao cấp và tận hưởng lối sống xa hoa, song song với hệ thống dành cho những người làm việc chăm chỉ, trung thực. Một lần nữa, vai trò của Anh trong việc tiếp tay cho hành vi tham nhũng và rửa tiền toàn cầu bị phơi bày", Hames nêu ý kiến.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Anh đang kêu gọi chính phủ xử lý lỗ hổng cho phép các công ty ở những trung tâm tài chính offshore thuộc Anh, như Quần đảo Virgin và Quần đảo Cayman, nắm giữ bất động sản mà không cần tiết lộ danh tính chủ sở hữu thực sự.
Tổ chức này cũng muốn chính phủ truy quét những chuyên gia hỗ trợ các cá nhân sở hữu của cải bất hợp pháp di chuyển và che giấu dòng tiền tại Anh, đồng thời cung cấp nguồn lực thích đáng cho Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh để truy lùng những nghi phạm kiếm tiền bất hợp pháp.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết các cơ quan thuế nước này sẽ xem xét Hồ sơ Pandora. Tuy nhiên, ông cho rằng Anh đã giải quyết tốt vấn đề trốn thuế, chỉ ra những biện pháp chính quyền Bảo thủ thực hiện để cải thiện tính minh bạch trong thập kỷ qua.
"Như mọi người thấy từ các tài liệu, đây là vấn đề toàn cầu. Chúng tôi cần những nước khác hợp tác để giải quyết và sẵn sàng hành động", Sunak cho hay.
Trong khi đó, phe đối lập cho rằng chính phủ cần hành động khẩn trương để giải quyết những vấn đề được đặt ra từ Hồ sơ Pandora, bao gồm mối nghi ngờ liên quan đến các nhà tài trợ của đảng Bảo thủ cầm quyền.
"Những cánh tay của thế giới tài chính ngầm trong Hồ sơ Pandora đã chạm đến trọng tâm của nền dân chủ Anh", Lisa Nandy, phát ngôn viên các vấn đề đối ngoại của Công đảng, viết trên Twitter.
Ánh Ngọc (Theo BBC, AP)