Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người đồng tính nơm nớp dưới bàn tay sắt Taliban
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Người đồng tính nơm nớp dưới bàn tay sắt Taliban

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 10 10, 2021 11:16 pm






    AFGHANISTAN- "Nếu phát hiện tôi là người đồng tính, Talian sẽ giết tôi ngay tại chỗ", Ahmed viết trong tin nhắn cầu cứu gửi các nhà hoạt động.

    Ahmed là người đồng tính, đã cải sang đạo Thiên chúa và thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số Hazara, hội tụ cả ba yếu tố từng bị Taliban bài xích trong thời kỳ cầm quyền ở Afghanistan vào thập niên 1990.

    Người đàn ông 32 tuổi phải lẩn trốn sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan từ giữa tháng 8. Anh cắt mọi liên lạc với gia đình ở quê nhà và sống chui lủi bên dưới một tầng hầm ở Kabul cùng em trai.

    Họ dành cả ngày để cầu nguyện và chỉ mạo hiểm ra ngoài khi hết thực phẩm. Với chiếc điện thoại di động là cầu nối duy nhất tới thế giới, Ahmed và em trai đã gửi hàng nghìn tin nhắn tới các nhà hoạt động hay bạn bè với hy vọng mong manh tìm được người giúp đỡ.

    Hình ảnh
    Các quan chức Taliban tại một cuộc họp báo ở Kabul hôm 5/10. Ảnh: Reuters.

    Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là bỏ mạng dưới tay Taliban, như số phận cha họ nhiều năm về trước. "Họ sẽ chặt đầu hoặc hành quyết chúng tôi theo cách tàn bạo nhất", Ahmed nói với CNN.

    Hãng tin Mỹ đã xác minh danh tính của người đàn ông này qua các nhà hoạt động nhân quyền đã trao đổi với anh bằng ứng dụng nhắn tin WhatsApp từ tháng 8. Nhằm đảm bảo an toàn, CNN chỉ gọi anh là "Ahmed" và đây không phải tên thật.

    Những ngày sống dưới tầng hầm ở Kabul trở thành những tuần dài lê thê đầy sợ hãi và cô độc. Có lúc, Ahmed thấy tuyệt vọng đến mức anh đã tính đến chuyện tự tử. Tuy nhiên, cuối tháng trước, hy vọng về một con đường đưa anh thoát khỏi cuộc sống tù túng, bí bách này đã xuất hiện.

    Trong một loạt tin nhắn gần đây, Ahmed đã kể lại cuộc sống như một cái bóng của anh ở Kabul, nỗi sợ hãi sâu sắc đối với Taliban và cuộc trốn chạy khỏi Afghanistan, đất nước mà anh gọi là quê hương trọn đời.

    Vào đầu tháng 8, khi Taliban liên tục chiếm hàng loạt thành phố trọng yếu của Afghanistan, Ahmed không khỏi cảm thấy bất an. Anh lọ sợ rằng nếu Taliban chiếm được Mazar-i-Sharif, thành phố phía tây bắc Afghanistan, nơi anh và em trai đang sống, ai đó sẽ bắt họ và giao nộp cho nhóm.

    Vào ngày 12/8, hai anh em thu xếp hành lý, vội bắt xe khách tới thủ đô Kabul. Hai anh em nằm trong số khoảng 10.000-12.000 người theo đạo Thiên chúa tại Afghanistan, chủ yếu cải sang từ đạo Hồi.

    Người theo đạo Thiên chúa ở Afghanistan phần lớn phải thực hành đức tin trong bí mật, bởi rời bỏ đạo Hồi sẽ bị coi là một tội nặng và phải bị trừng phạt bằng cái chết, theo cách giải thích của Taliban về luật Sharia.

    Ahmed nghĩ rằng là một người đồng tính nam, anh sẽ an toàn hơn ở thủ đô. Nhưng ba ngày sau khi họ đến, Kabul rơi vào tay Taliban.

    Ahmed biết rõ cách Taliban từng đối xử với những cộng đồng thiểu số ở Afghanistan như thế nào. Trong các tuyên bố hồi tháng 7, một thẩm phán Taliban nói rằng chỉ có hai hình phạt đối với người đồng tính là bị ném đá đến chết hoặc bị đè dưới những bức tường đổ.

    Sau khi lên nắm quyền, Taliban tuyên bố sẽ thực thi chính sách ôn hòa hơn. Tuy nhiên, những gì Taliban thể hiện sau đó cho thấy lực lượng này đang dần siết "bàn tay sắt" ở Afghanistan.

    Một cuộc điều tra gần đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy Taliban hồi cuối tháng 8 đã hành quyết 13 người dân tộc thiểu số Hazara, hầu hết từng là thành viên Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan trong chính quyền cũ.

    Nhiều người Hazara có các đặc điểm của người Đông và Trung Á, với màu da sáng hơn và đôi mắt khác biệt, khiến họ không giống với hầu hết người Afghanistan. Họ chủ yếu theo Hồi giáo dòng Shiite.

    Vì những đặc điểm bề ngoài khác biệt này, Ahmed thường mặc trang phục truyền thống và đội khăn xếp. Một lớp khẩu trang y tế giúp che đi phần râu thưa thớt của anh. Anh luôn đeo kính râm để che đi đôi mắt và không bao giờ nhìn thẳng vào các tay súng Taliban.

    Nhưng ban đầu, Ahmed không phải lúc nào cũng cẩn trọng như vậy. Vào một ngày tháng 8, anh bị chiến binh Taliban chặn lại vì đội mũ lưỡi trai. Họ giật nó khỏi đầu anh và hỏi vì sao anh lại đội một chiếc mũ "hip hop".

    Hai anh em cố tránh xuất hiện tại nơi công cộng. Họ ẩn nấp trong căn phòng nhỏ ở một con hẻm phía sau một khu dân cư đông đúc của Kabul, nơi hai anh em ngủ trên sàn và cửa sổ luôn đóng kín.

    Mỗi khi nghe thấy tiếng động ở bên ngoài, anh em nhà Ahmed sẽ "ngồi trong bóng tối, hoàn toàn bất động".

    Michael Failla, một nhà hoạt động nhân quyền ở Seattle, Mỹ, người đang giúp đỡ hai anh em Ahmed, cho biết ông nhận được các cuộc gọi hoảng loạn từ Ahmed vào một đêm khuya.

    "Có một đêm, anh ấy gọi cho tôi, nức nở, nói rằng anh nghe thấy Taliban đang gõ cửa khám xét từng nhà trong phố", Failla kể. "Anh ấy tuyên bố sẽ nhảy lầu tự tử vì nghĩ rằng chết bằng cách này sẽ ít đau đớn hơn là bị bắt và bị Taliban chặt đầu vì là người đồng tính".

    Nỗi sợ của anh em Ahmed đối với Taliban bắt nguồn từ lịch sử gia đình. Theo lời Ahmed, các chiến binh Taliban đã sát hại cha anh trong một vụ thảm sát hồi tháng 8/1998 tại Mazar-i-Sharif, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

    Taliban đã ném thi thể cha anh lên một chiếc xe bán tải rồi lái đi. Đó là lần cuối anh nhìn thấy cha mình. Ahmed lúc bấy giờ mới 9 tuổi.

    Ngay cả trước khi cha qua đời, tuổi thơ của Ahmed cũng không diễn ra một cách bình dị. Anh vẫn nhớ những cuộc tấn công Taliban nhằm vào người Hazara và người đồng tính của thành phố. Ahmed cho hay cảnh hỗn loạn gần đây sau khi Taliban tiếp quản đất nước không khỏi khơi lại trong anh những ký ức đau buồn.

    Em trai Ahmed, 26 tuổi, không phải người đồng tính. Nhưng là một người Hazara và theo đạo Thiên chúa, anh cũng đối mặt không ít rủi ro ở Afghanistan. 8 năm trước, họ mất mẹ vì căn bệnh ung thư não. Từ đó đến nay, hai anh em chỉ biết nương tựa vào nhau sống.

    Không rõ có bao nhiêu người đồng tính tại Afghanistan, bởi họ chủ yếu sống trong bóng tối, theo các nhà hoạt động. Từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, các nhóm nhân quyền đã cố gắng tìm cách đưa người đồng tính ra khỏi đất nước.

    "Taliban được cho là đã hành quyết không ít người đồng tính khi họ nắm quyền trước đây. Ngày càng xuất hiện nhiều thông tin về việc người đồng tính nam bị sát hại kể từ thời điểm Taliban tiếp quản đất nước", Aws Jubair, giám đốc Dự án Aman, một nhóm chuyên đấu tranh cho người đồng tính ở Trung Đông, nói.

    Nhờ hỗ trợ từ các nhà tài trợ, Dự án Aman đã gửi tiền cho những người đồng tính ở Afghanistan và khuyên họ nên ở ẩn cho tới khi có thể được tị nạn tại một quốc gia khác.

    Failla, nhà hoạt động ở Seattle, cũng đã tham gia giúp đỡ những người đồng tính ở Afghanistan như Ahmed thoát khỏi cảnh bế tắc.

    "Taliban nói rằng nọ sẽ bớt khắt khe với phụ nữ và các nhóm thiểu số. Nhưng không ai trong số họ nói sẽ nhẹ tay hơn với người đồng tính", Failla cho hay, gọi nhóm này là "cộng đồng thiểu số dễ bị tổn thương nhất" ở Afghanistan.

    Ahmed tải về một phần mềm giúp xóa hết các tin nhắn sau khi anh đọc xong, đề phòng trường hợp Taliban tịch thu điện thoại. Việc anh có thể làm chỉ là chờ đợi.

    Một ngày cuối tháng 9, Ahmed nhận được cuộc gọi từ một nhà hoạt động. Anh và em trai được sắp xếp đưa đến Pakistan trong vài ngày tới. Ahmed ngất ngây sung sướng nhưng cũng hoang mang. Khi ngày khởi hành cận kề, anh phải vắt óc suy nghĩ làm sao để vượt qua các trạm kiểm soát của Taliban.

    Vào ngày khởi hành, Ahmed mặc chiếc áo choàng truyền thống. Anh đã nuôi râu dài để che đi khuôn mặt của mình. Anh hít một hơi thật sâu và cùng em trai đến sân bay và lên đường thuận lợi.

    Hiện tại, khi đã đến được Islamabad, Pakistan, Ahmed vẫn tỏ ra lạc quan một cách thận trọng. Anh hầu như dành cả ngày đọc sách và đi dạo trong khu phố mới.

    Failla đã gửi cho Ahmed và em trai tiền, đồng thời thúc đẩy tiến trình giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt như họ được tái định cư lâu dài tại Mỹ.

    "Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi đưa được họ đến Pakistan", Failla nói. "Ở Kabul, họ gặp rất nhiều nguy hiểm".

    Trong lúc đó, Ahmed đang cố gắng làm quen với môi trường mới. Dù Pakistan không phải nơi lý tưởng cho người đồng tính, Ahmed nói anh và em trai vẫn cảm thấy an toàn hơn khi ở đây. Những nỗi lo sợ đã ở lại phía sau và cuối cùng, họ cũng dám hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.


    Vũ Hoàng (Theo CNN)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 63 khách