Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Anh chạy đua tích trữ thuốc điều trị Covid-19
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Anh chạy đua tích trữ thuốc điều trị Covid-19

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 10 20, 2021 5:12 pm






    Anh đặt mua hàng trăm nghìn liệu trình của hai thuốc kháng virus điều trị Covid-19 để chuẩn bị cho mùa đông tới.

    Anh đã đạt thỏa thuận mua 480.000 liệu trình molnupiravir của công ty Mỹ Merck, thuốc kháng virus được chứng minh có thể giảm một nửa nguy cơ nhập viện và tử vong của người nhiễm nCoV. Thỏa thuận thứ hai là 250.000 liệu trình PF-07321332/ritonavir của Pfizer, kết hợp giữa một loại thuốc uống kháng virus với thuốc ritonavir thường được dùng để điều trị HIV/AIDS.

    Hiện chưa loại thuốc nào được Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh phê duyệt sử dụng. PF-07321332/ritonavir vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Các lô molnupiravir dự kiến đến Anh sớm nhất vào giữa tháng 11, trong khi thuốc của Pfizer chưa có nguồn cung cho tới cuối tháng 1/2022.

    Giới chức Anh cho biết các thỏa thuận được thực hiện nhằm đối phó với kịch bản ca nhiễm tăng mạnh trong mùa đông tới. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết đây là một phần trong "kho các biện pháp bảo vệ tính mạng con người trước Covid-19".

    Nhiều bác sĩ Anh đã kêu gọi chính phủ tái áp đặt hạn chế đối phó Covid-19 khi số ca nhiễm, nhập viện tăng mạnh và sự xuất hiện của biến chủng mới AY.4.2, dòng phụ của Delta. Họ cảnh báo Anh có thể đối mặt với "cuộc khủng hoảng mùa đông" nếu không hành động.

    Anh hôm qua báo cáo 49.139 ca nhiễm mới và 179 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số lên lần lượt gần 8,59 triệu người nhiễm và hơn 139.000 người chết. Số ca nhiễm mới ở Anh tăng 17.2% từ ngày 14-20/10, trong khi số ca tử vong tăng 21,1%.

    Bộ trưởng Sajid Javid cảnh báo số ca nhiễm hàng ngày ở Anh có thể chạm ngưỡng 100.000, đồng thời kêu gọi người dân Anh tích cực tiêm chủng.

    Hình ảnh
    Ảnh chụp thuốc trị Covid-19 molnupiravir được hãng dược phẩm Merck công bố ngày 17/5. Ảnh: Reuters.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm mới ở châu Âu tăng 7% trong tuần qua, trở thành khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận ca nhiễm tăng. Đợt bùng phát mới đang tập trung ở các nước Trung và Đông Âu, nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, như Ba Lan, Slovakia, Bulgaria, Romania và Ukraine.

    Latvia ngày 20/10 thông báo phong tỏa một tháng sau đợt bùng phát Covid-19 mạnh, trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên phải tái áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt này. Quốc gia Baltic có tỷ lệ ca nhiễm mới cao nhất thế giới sau nhiều tháng kiểm soát thành công đại dịch, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

    Trước khi áp lệnh phong tỏa trở lại, chính phủ Latvia tuần này cũng áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 20h tới 5h sáng, kéo dài một tháng và đóng cửa trường học, cửa hàng không thiết yếu.

    Nga đang chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng. Nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ Nga ngày 20/10 báo cáo thêm 1.028 người chết do nCoV trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục từ khi dịch bùng phát, nâng tổng ca tử vong vì Covid-19 toàn quốc lên 226.353 người, cao nhất châu Âu. Quốc gia này cũng ghi nhận thêm 34.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca kể từ đầu dịch lên hơn 8 triệu.

    Số người chết hàng ngày vì Covid-19 ở Nga đã tăng cao trong nhiều tuần và lần đầu vượt mốc 1.000 ca vào cuối tuần qua, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng chậm chạp và người dân thờ ơ với các biện pháp chống dịch.

    Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi người dân Nga thể hiện '"trách nhiệm" bằng cách tiêm vaccine, đồng thời ủng hộ đề xuất cho dân nghỉ làm một tuần giữa lúc dịch tăng mạnh.

    Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 46.065.736 ca nhiễm và 751.525 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận thêm 63.775 người nhiễm và 1.756 người chết trong 24 giờ qua.

    Nhà Trắng ngày 20/10 công bố kế hoạch đảm bảo đủ liều vaccine Pfizer cho 28 triệu trẻ từ 5-11 tuổi và được phân phối dễ dàng, công bằng cho người dân nếu được phê duyệt.

    Hội đồng cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến họp vào ngày 26/10 để nghe báo cáo về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Pfizer đối với trẻ em, trước khi quyết định có cấp phép sử dụng hay không.

    Cùng ngày, FDA đã cấp phép sử dụng vaccine Moderna và Johnson & Johnson cho liều tăng cường. Mũi tiêm tăng cường Moderna sẽ được sử dụng sau ít nhất 6 tháng kể từ khi hoàn thành liệu trình tiêm chủng trước đó, trong khi mũi tiêm của Johnson & Johnson được yêu cầu cách ít nhất hai tháng sau mũi đầu tiên.

    77% dân số Mỹ trên 12 tuổi đủ điều kiện đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 67% tiêm đủ liều.

    Tại Đông Nam Á, tình hình dịch ở nhiều điểm nóng trước đây như Indonesia, Philippines đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, Singapore đang chứng kiến đợt bùng phát mạnh, bắt đầu từ tháng 9.

    Chính phủ Singapore hôm qua thông báo gia hạn biện pháp hạn chế Covid-19 thêm bốn tuần tới ngày 21/11, khi ghi nhận 18 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch, và 3.862 ca nhiễm mới. Đảo quốc này đã báo cáo tổng cộng hơn 154.700 ca nhiễm và 246 ca tử vong.

    Các biện pháp hạn chế, gồm hạn chế tụ tập đông người và làm việc tại nhà, trước đó được thông báo áp dụng từ 27/9 tới 24/10, sau khi Singapore chứng kiến đợt bùng phát hồi đầu tháng 9.

    Singapore đã vài lần siết chặt và nới lỏng các biện pháp chế trong năm nay. Chính phủ nước này cho biết ưu tiên của họ là đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải.

    Thế giới ghi nhận 242.743.893 ca nhiễm nCoV và 4.936.499 ca tử vong, tăng lần lượt 428.428 và 7.011, trong khi 220.008.710 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.


    Thanh Tâm (Theo Guardian, CNN, Reuters)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 46 khách