Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Vụ tham nhũng từng gây chấn động ngành đường sắt Trung Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Vụ tham nhũng từng gây chấn động ngành đường sắt Trung Quốc

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 10 21, 2021 8:24 pm






    Lưu Chí Quân từng giúp lột xác hệ thống đường sắt Trung Quốc, nhưng "ngã ngựa" sau khi nhận hơn 10 triệu USD tiền hối lộ, sống xa hoa trụy lạc.

    Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung, dài 414 km từ thị trấn biên giới Boten giáp Vân Nam tới thủ đô Vientiane, đã hoàn thành sau 5 năm xây dựng với tổng giá tị lên tới 6 tỷ USD. Đây là dự án đầu tiên trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc hoàn thành ở Đông Nam Á, với tham vọng kết nối Côn Minh tới Lào, Thái Lan, sau đó vươn đến Malaysia và Singapore trên tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500 km.

    Dự án được hoàn thành sau thời gian thi công ngắn, nhưng quá trình từ lúc Lào và Trung Quốc bắt đầu đàm phán cho tới khi khởi công lại kéo dài tới 15 năm.

    Cuộc đàm phán đầu tiên về tuyến đường sắt cao tốc này diễn ra vào năm 2001. Tới năm 2009, hai bên xác nhận kế hoạch tiến hành dự án xây dựng đường sắt cao tốc khi đó có tên là Boten - Vientiane.

    Tuy nhiên, 6 năm sau, đến tháng 9/2015, dự án mới được trao cho Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG) thi công và tới đầu năm 2016 mới khởi công. Nguyên nhân của 7 năm trì hoãn này được cho liên quan tới vụ bê bối tham nhũng gây chấn động của cựu bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân.

    Ông Lưu bắt đầu lãnh đạo Bộ Đường sắt Trung Quốc từ tháng 3/2003. Thời điểm đó, Bộ Đường sắt được xem là cơ quan quyền lực hàng đầu Trung Quốc, khi có lực lượng cảnh sát đường sắt riêng cùng ngân sách hàng tỷ USD.

    Sau khi đảm nhận chức vụ, ông Lưu đã công bố nhiều kế hoạch thay đổi đáng kể hệ thống đường sắt kém phát triển trước đó của Trung Quốc bằng cách xây hơn 12.000 km đường sắt cao tốc mới, nhiều hơn phần còn lại của thế giới gộp lại.

    Chính quyền trung ương Trung Quốc ủng hộ kế hoạch đầy tham vọng của ông Lưu và phân bổ khoản ngân sách hơn 250 tỷ USD cho Bộ Đường sắt trong vài năm. Điều này khiến kế hoạch của Lưu trở thành dự án cơ sở hạ tầng công được tài trợ nhiều nhất trên thế giới kể từ khi tổng thống Mỹ Ike Eisenhower xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang Mỹ vào những năm 1950.

    Để hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc trước cuối năm 2008, Lưu đã thúc giục các nhân viên Bộ Đường sắt làm việc bất kể ngày đêm. Với câu nói "để đạt được một bước đại nhảy vọt, cả một thế hệ phải hy sinh", ông được đặt biệt danh "Lưu đại nhảy vọt". Một số người phê bình thậm chí gọi ông là "Lưu điên cuồng".

    Hình ảnh
    Cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân tại phiên xét xử ở Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: AP.

    Trong khi phát triển hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc, ông Lưu cũng giám sát nâng cấp toàn diện hệ thống đường sắt tiêu chuẩn, cũng như mở tuyến Thanh Hải - Tây Tạng, tuyến đường sắt cao nhất thế giới. Tuy nhiên, phát triển đường sắt cao tốc mới là dự án yêu thích của ông.

    Khi hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên hoàn thành lần chạy thử thứ nhất vào tháng 6/2008, nó đã vượt ngân sách 75%, nhưng vẫn được truyền thông Trung Quốc ca ngợi như thành tựu đáng tự hào của dân tộc. Ông Lưu tuyên bố Trung Quốc đã tạo ra hệ thống đường sắt cao tốc có "công nghệ toàn diện lớn nhất, khả năng tích hợp tốt nhất, phạm vi hoạt động xa nhất, tốc độ vận hành nhanh nhất và quy mô xây dựng lớn nhất" trên thế giới.

    Ngay sau khi ông Lưu hoàn thành tuyến đường sắt vào mùa thu năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã tăng gấp đôi ngân sách cho Bộ Đường sắt và giao cho ông trọng trách xây dựng thêm hàng chục nghìn km đường sắt cao tốc cho tới năm 2020, gấp 5 lần tuyến đường xuyên lục địa đầu tiên của Mỹ.

    Đến năm 2010, ngân sách được cấp cho bộ của Lưu là hơn một trăm tỷ USD. Trước năm 2011, Bộ Đường sắt của Lưu được coi như một "vương quốc riêng" và hầu như không chịu sự giám sát của chính phủ Trung Quốc.

    Cuộc điều tra sau này cho thấy Lưu Chí Quân đã xây dựng một "đế chế riêng" tại Bộ Đường sắt, nắm trong tay 2,1 triệu công nhân cùng nguồn ngân sách dường như vô tận. Dựa vào thành tích xây dựng đường sắt của mình, Lưu nhiều lần phản bác chỉ trích từ các học giả về tốc độ xây dựng đường sắt cao tốc và phớt lờ cảnh báo của Nhật Bản rằng các đoàn tàu của ông đang vận hành với tốc độ lớn hơn 25% so với mức an toàn.

    Lưu Chí Quân cũng chìm đắm vào sống xa hoa, trụy lạc, được cho là nuôi tới 18 bồ nhí, trong đó nhiều diễn viên, ca sĩ nổi tiếng. Ông này cũng từng hứng chỉ trích vì sắp xếp cho em trai Lưu Chí Tường nắm vị trí cấp cao trong bộ.

    Vào tháng 1/2005, Lưu Chí Tường đã bị bắt vì tội tham ô, nhận hối lộ và dàn xếp giết một nhà thầu định tố cáo ông ta. Trước khi bị bắt, Lưu Chí Tường đã tích lũy được khối sản lên tới 50 triệu USD, 374 bất động sản, đồ trang sức và tác phẩm nghệ thuật. Em trai Lưu ban đầu bị kết án tử hình, nhưng sau đó được giảm án xuống còn 16 năm tù.

    Tới tháng 2/2011, Lưu Chi Quân bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) điều tra với cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng" kỷ luật đảng, khi bị tình nghi lợi dụng chức vụ để nhận khoản hối lộ lớn. Các điều tra viên của CCDI bắt đầu hành động sau khi nhận định Lưu có kế hoạch sử dụng tài sản bất hợp pháp để phục vụ cho mưu đồ chính trị của mình.

    Ngay khi CCDI thông báo về cuộc điều tra, Lưu bị bãi nhiệm chức bí thư đảng ủy Bộ Đường sắt và chức bộ trưởng hai tuần sau đó. Việc Lưu mất chức ảnh hưởng tới các dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc ở nước ngoài, trong đó có tuyến đường sắt Boten - Vientiane, sau này được gọi là tuyến Lào - Trung.

    Cú "ngã ngựa" của Lưu liên quan tới vụ án tham nhũng của ông trùm kinh doanh Sơn Tây Ding Yuxin của Tập đoàn Quản lý đầu tư Boyou, công ty được hưởng lợi rất nhiều từ dự án xây dựng đường sắt cao tốc. Ngay trước khi bị bãi nhiệm, Lưu đã đi thị sát hơn 11.000 km đường sắt của Trung Quốc từ ngày 30/1-8/2/2011 để đảm bảo ngành đường sắt hoạt động trơn tru trong dịp Tết Nguyên đán.

    Lưu bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 5/2011. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Lưu đã nhận khoản hoa hồng 4% cho các thỏa thuận đường sắt và tích lũy được khối tài sản hơn 250 triệu USD từ tiền hối lộ.

    Vào tháng 7/2011, khi Lưu đang bị CCDI điều tra, vụ tai nạn tàu hỏa do hộp tín hiệu bị lỗi xảy ra ở Ôn Châu khiến hơn 40 người chết, 192 người bị thương, khiến ông tiếp tục bị nhận thêm cáo buộc tham nhũng có hệ thống và điều hành Bộ Đường sắt kém cỏi.

    Kết quả điều tra vụ tai nạn được chính phủ Trung Quốc công bố vào tháng 12/2011 chỉ ra "các sai sót nghiêm trọng về thiết kế, sự lơ là trong công tác quản lý an toàn", và các sai phạm về đấu thầu, thu mua vật liệu. 54 người bị quy trách nhiệm, trong đó nổi bật là bộ trưởng Lưu Chí Quân.

    Tháng 7/2013, Lưu bị kết án tử hình nhưng được hoãn thi hành án. Theo cáo trạng, ông Lưu đã lợi dụng quyền hành của mình để nâng đỡ 11 người thăng quan tiến chức và giành được các hợp đồng trong dự án đường sắt cao tốc, nhận 64,6 triệu nhân dân tệ (10,5 triệu USD) tiền hối lộ từ năm 1986 đến 2011.

    "Ông Lưu chịu trách nhiệm vì những tổn thất lớn về tài sản chung và lợi ích của nhà nước cũng như nhân dân", cáo trạng viết. Tới năm 2015, bản án của Lưu được giảm xuống tù chung thân.

    Vụ bê bối cũng đã khiến Bộ Đường sắt Trung Quốc bị giải thể hồi năm 2013. Các nhà quan sát khi đó cho rằng vụ án của bộ trưởng Lưu có liên quan tới chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã tuyên chiến với vấn nạn tham nhũng kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012.


    Thanh Tâm (Theo Guardian)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 78 khách