Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Những doanh chủ Hàn Quốc tuyệt vọng trong nợ nần
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Những doanh chủ Hàn Quốc tuyệt vọng trong nợ nần

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 10 22, 2021 10:03 pm





    Tình trạng nợ nần trong giới doanh nhân Hàn Quốc phổ biến đến nỗi nếu Donald Trump là người Hàn, ông có thể đã kiệt quệ vì phá sản.

    Rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc đồng cảm với các nhân vật trong bộ phim truyền hình Trò chơi con Mực (Squid Game) khi họ phải cạnh tranh một mất một còn với nhau để giành số tiền thưởng 38 triệu USD. Điểm chung giữa các chủ doanh nghiệp này và những nhân vật trong phim chính là gánh nặng nợ nần, giống như cái bẫy kìm chân, khiến họ không thể thoát ra.

    Hình ảnh
    Các thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc đeo mặt nạ và trang phục lấy cảm hứng từ bộ phim Squid Game biểu tình yêu cầu đảm bảo việc làm ở Seoul hôm 21/10. Ảnh: AP.

    Sắp nghỉ hưu ở tuổi 58, Yu Hee-sook đã trả hết nợ từ lâu nhưng vẫn thường xuyên bị các đơn vị thu nợ gọi điện, đe dọa phong tỏa tài khoản ngân hàng vì các khoản vay của bà đã được chuyển thành chứng khoán và bán lại cho các nhà đầu tư mà Yu không hay biết. "Ở Hàn Quốc, cuộc sống sẽ không khác gì ngày tận thế nếu bạn vi phạm luật tín dụng", bà cho biết.

    Yu hiện tại chỉ làm những công việc lặt vặt, như viết bài cho các tạp chí phim ảnh. Trong suốt 13 năm qua, bà đã phải gánh chịu khoản nợ lớn sau thất bại của một dự án phim hồi năm 2002. "Tất cả những gì tôi mong muốn là có cơ hội trả nợ, nhưng ngân hàng không để bạn kiếm tiền", Yu nói, thêm rằng bà luôn cảm thấy mình bị mắc kẹt trong một thử thách kéo dài suốt cuộc đời mà không bao giờ được tha thứ, giống như 456 nhân vật trong Squid Game, bộ phim Hàn Quốc phát sóng trên nền tảng Netflix đang "gây bão" toàn cầu.

    Những mảnh đời trong phim đã bóc trần nhiều mặt tối của xã hội Hàn Quốc, như tình trạng vay nợ cá nhân ngày càng tăng và sự bế tắc của người đi vay trên con đường tìm cách thoát khỏi nợ nần.

    Hàn Quốc năm ngoái ghi nhận 50.379 cá nhân phá sản, mức cao nhất trong vòng 5 năm, theo hồ sơ tòa án. Tỷ lệ người thanh toán chậm đối với hơn một loại hình nợ cá nhân đã tăng từ 48% năm 2017 lên 55,47% hồi tháng 6, theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Tín dụng Hàn Quốc.

    "Nếu Donald Trump là người Hàn, ông ấy có lẽ sẽ không thể trở thành tổng thống vì đã phá sản quá nhiều lần", một luật sư ở Seoul chuyên giải quyết các vụ phá sản cá nhân, nhận xét. "Ở Mỹ, nợ doanh nghiệp được tách bạch rõ ràng hơn với nợ cá nhân".

    Tại Hàn Quốc, sự thiếu phân định rõ ràng giữa hai loại nợ này đang tạo ra thêm gánh nặng cho các chủ doanh nghiệp nhỏ.

    Một mạng lưới an sinh xã hội không phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và việc thiếu một chương trình hỗ trợ phục hồi cho những trường hợp phá sản khiến không ít người rơi vào tình cảnh bế tắc, tuyệt vọng.

    "Vì cách làm truyền thống của ngành ngân hàng, nhiều chủ doanh nghiệp tại Hàn Quốc phải đối mặt với nguy cơ phải chịu gánh nặng nợ từ công việc kinh doanh mà họ điều hành", thẩm phán chuyên giải quyết các vụ phá sản Ahn Byung-wook cho hay.

    Ngân hàng thường yêu cầu chủ sở hữu doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay của công ty, hành vi mà chính phủ Hàn Quốc đã cấm tổ chức tài chính công thực hiện từ năm 2018. Dù vậy, ba chủ doanh nghiệp giấu tên nói với Reuters rằng một số ngân hàng vẫn duy trì cách làm này.

    Những người nộp đơn xin vay vốn kinh doanh có xếp hạng tín dụng kém hoặc có tiền sử vỡ nợ còn cần được các tổ chức tài chính nhà nước ở Hàn Quốc bảo lãnh.

    "Trong văn hóa Hàn Quốc, các doanh nhân thất bại thường bị xã hội kỳ thị, vì vậy việc bắt đầu lại rất khó khăn, do mọi người không còn tin tưởng họ", thẩm phán Ahn cho biết. "Trên hết, những người từng nộp đơn xin phá sản sẽ phải đối mặt với một danh sách dài các hạn chế về việc làm".

    Số lượng lao động tự do của Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất thế giới, chiếm 1/4 thị trường việc làm, khiến nó rất nhạy cảm với suy thoái. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc năm 2017 cho thấy chỉ 38% doanh nghiệp nhỏ tồn tại được 3 năm.

    Tuy nhiên, khi triển vọng kinh tế suy giảm khiến ít người Hàn Quốc có công việc tốt hơn còn giá nhà lại tăng cao, nhiều người đang cho rằng đầu cơ là con đường duy nhất dẫn đến giàu có. Suy nghĩ này khiến không ít người lao đi vay nợ để đổ tiền vào cổ phiếu hay đầu cơ những tài sản khác.

    Vay hộ gia đình đã gần tương đương GDP của Hàn Quốc, ở mức 1,54 nghìn tỷ USD trong quý II năm nay.

    "Chính phủ khuyến khích khởi nghiệp nhưng họ không quan tâm đến những doanh nhân thất bại", doanh nhân Ryu Kwang-han, 40 tuổi, cho hay. "Cuộc sống này có khác gì trong Squid Game không khi chẳng tồn tại cái gọi là cơ hội thứ hai?".


    Vũ Hoàng (Theo Reuters)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 62 khách