Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ba cú sốc có thể kìm hãm tăng trưởng của Trung Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Ba cú sốc có thể kìm hãm tăng trưởng của Trung Quốc

    by VietNews » Thứ 7 Tháng 10 23, 2021 7:02 pm






    Thiếu than, Covid-19 và bất động sản đình trệ là 3 điểm yếu có thể ảnh hưởng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

    Trong một phân cảnh của bộ phim tài liệu Manufactured Landscapes phát hành năm 2006, nhiếp ảnh gia phong cảnh Edward Burtynsky đã xin phép người dẫn anh tham quan để chụp những ngọn núi than đang chờ vận chuyển ở Thiên Tân, một thành phố công nghiệp gần Bắc Kinh.

    "Qua ống kính máy ảnh, qua đôi mắt của ông ấy, nó sẽ hiện ra thật đẹp", trợ lý của ông Burtynsky nhận xét. The Economist thì bình luận, điều đó hóa ra không hoàn toàn đúng. Theo họ, qua ống kính của nhiếp ảnh gia, những núi than không hẳn là đẹp mà gây kinh ngạc về độ bao la của chúng.

    Hình ảnh
    Một trong các bức ảnh núi than ở Trung Quốc do Edward Burtynsky chụp. Ảnh: Flowers Gallery

    Nhìn vào những bức ảnh đó - một trong số đó được hiển thị trên đây - người ta khó có thể tưởng tượng khả năng Trung Quốc thiếu nguồn nhiên liệu này. Nhưng trong những tháng gần đây, các núi than không còn đủ lớn nữa. Do nhiệt điện chiếm gần hai phần ba sản lượng điện của Trung Quốc, sự khan hiếm than đã góp phần vào cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất gần trong gần một thập kỷ trở lại đây.
    2
    Và lần lượt, mất điện lại làm tổn thương tăng trưởng. "Nền kinh tế của chúng tôi đang phát triển rất nhanh", người dẫn Burtynsky tham quan nói để trấn an cho tác động đến môi trường không khí. Nhưng điều đó cũng không còn đúng nữa. Nền kinh tế Trung Quốc đã phải hứng chịu một cú sốc lớn, không chỉ xuất phát từ việc cắt điện mà còn do đại dịch và sự suy thoái bất động sản với tâm chấn là cuộc khủng hoảng của Evergrande.

    Các số liệu được công bố vào ngày 18/10 cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại, còn 4,9% trong quý III, so với một năm trước đó. Sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9, chậm hơn so với bất kỳ tháng nào trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những điều gì đang tác động đến những con số này?

    Trước tiên, hãy xem xét cuộc khủng hoảng năng lượng. Thiếu hụt than do hai nguyên nhân: cơ cấu và sự ngẫu nhiên. Các trường hợp không may bao gồm lũ lụt ở tỉnh Hà Nam vào tháng 7 và ở Sơn Tây trong tháng này, khiến một số mỏ phải đóng cửa. Tại Nội Mông, nơi chiếm khoảng một phần tư sản lượng than của Trung Quốc, một cuộc điều tra về tham nhũng đã ảnh hưởng đến vài quan chức trước đây có thể đã chấp thuận mở rộng khai thác than.

    Tỉnh Thiểm Tây, nhà sản xuất than lớn thứ ba của Trung Quốc, đã giảm sản lượng để giữ bầu trời thông thoáng cho sự kiện điền kinh quốc gia vào tháng 9 mà Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự. Việc mở rộng khai thác than cũng bị hạn chế bởi các đợt thanh tra an toàn tại 976 mỏ, sau hơn 100 vụ tai nạn công nghiệp trên toàn quốc vào năm ngoái.

    Lý do sâu xa hơn là nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân gây ra phần lớn lượng khí thải carbon của Trung Quốc. "Nhà chức trách đã miễn cưỡng phê duyệt các mỏ mới hoặc mở rộng các mỏ hiện có trong những năm gần đây, bởi vì rõ ràng điều đó đang đi sai hướng", David Fishman, Chuyên gia của công ty tư vấn năng lượng The Lantau Group, cho biết.

    Do nguồn cung thắt chặt khiến giá than tăng cao, các nhà máy điện không thể chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng. Theo quy định, họ chỉ có thể tăng giá bán điện tối đa 10% cho lưới điện, và giá điện không thể thường xuyên thay đổi. Vì vậy, một số nhà máy điện đơn giản là ngừng hoạt động để bớt lỗ.

    Một cú sốc khác đối với nền kinh tế đến từ đại dịch. Các đợt bùng phát của Covid-19, chẳng hạn một ổ dịch ở Nam Kinh vào tháng 7, đã dẫn đến việc phong tỏa cục bộ một cách nghiêm ngặt. Điều này làm giảm chi tiêu bán lẻ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống và du lịch. Theo Flight Master, một trang web du lịch, các hãng hàng không đã hoạt động với công suất thấp hơn một nửa trong tháng 8 và chỉ bằng 2/3 trong tháng 9.

    Cú sốc cuối cùng là bất động sản, một động lực lâu năm của tăng trưởng, việc làm. Các cơ quan quản lý đang cố gắng hạn chế đầu cơ căn hộ và việc vay nợ quá nhiều của các công ty bất động sản. Nỗ lực hạn chế rủi ro đã khiến một số nhà phát triển dự án hàng đầu lao đao.

    Evergrande, công ty khổng lồ với 300 tỷ đôla nợ phải trả, đang được quan sát kỹ lưỡng về nguy cơ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu quốc tế. Một số người mua nhà đang lo lắng về việc giao tiền mặt của họ cho bất kỳ chủ đầu tư nào có thể không đủ năng lực hoàn thành các dự án mà họ đang rao bán.

    Trong bối cảnh đó, các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã bắt đầu bán nhà ít hơn 13,5% vào tháng 9 so với một năm trước đó. Doanh số bán hàng tính theo diện tích sàn, cũng giảm theo tỷ lệ tương tự. Trung Quốc cũng báo cáo sản lượng xi măng giảm mạnh (giảm 13% trong tháng 9 so với năm ngoái) và thép (giảm 14,8%). Tuy nhiên, hôm 15/10, ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã mô tả Evergrande là một trường hợp đặc trưng ở một ngành "nói chung vẫn lành mạnh".

    Hầu hết nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ còn chậm hơn nữa trong ba tháng cuối năm. Bank of America đã dự báo GDP quý cuối sẽ là 2,5%. Trung Quốc sẽ duy trì cảnh giác với Covid-19, và suy thoái bất động sản còn tiếp tục kéo dài.

    Nhưng một trong 3 cú sốc đã được tháo gỡ phần nào trong thời gian còn lại của năm. Các nhà máy điện, không giống các nhà phát triển bất động sản, đã nhận được sự cứu trợ từ các cơ quan cấp cao. Các mỏ đã được đặt hàng để mở rộng sản xuất. Chính quyền tuyên bố sẽ can thiệp nếu giá than vẫn ở mức cao, khiến hợp đồng than tương lai bán tháo mạnh.

    Khả năng chính quyền can thiệp vào định giá ở thượng nguồn sẽ kéo theo một bước tiến lớn đối với tự do hóa ở hạ nguồn. Chính phủ sẽ cho phép các nhà máy điện tự do hơn để chuyển chi phí cao hơn cho công ty lưới điện. Họ cũng sẽ buộc các khách hàng công nghiệp và thương mại (nhưng không phải hộ gia đình hoặc nông dân) phải trả giá điện thỏa thuận, chứ không phải giá điện được cố định.

    Những cải cách này đã được thực hiện trong một thời gian dài nhưng vẫn cần một cuộc khủng hoảng khẩn cấp để tăng tốc. Ông Fishman đánh giá, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc từng triển khai các cải cách thận trọng để đo lường tác động.

    Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi "đèn bắt đầu tắt trong các nhà máy trên toàn quốc". Mượn ý của một thành ngữ Trung Quốc, vị chuyên gia ví von, chính quyền nước này thích vượt sông bằng cách bước lên những hòn đá. Ngụ ý ra các quyết định cần dựa trên nền tảng ổn định, chắc chắn và và khoa học để vượt qua thử thách. Nhưng câu chuyện thiếu điện, giống như khi một hòn đá bị mất, thì đó chính là thời điểm để có một bước nhảy vọt.


    Phiên An (theo The Economist)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 63 khách