Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Sức hút của đám cưới hoàng gia
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Sức hút của đám cưới hoàng gia

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 10 26, 2021 2:25 pm







    Các câu chuyện về hoàng gia, đặc biệt là đám cưới của thành viên trong những gia đình này, luôn là tâm điểm chú ý ở châu Á.

    Công chúa Nhật Bản Mako hôm nay kết hôn cùng người yêu từ thời đại học Kei Komuro, một thường dân 30 tuổi. Tuy nhiên, hôn lễ của công chúa 30 tuổi không có bất kỳ nghi lễ truyền thống nào.

    Sau hôn lễ, Mako phải từ bỏ tước hiệu hoàng gia. Cô cũng từ chối khoản hồi môn trị giá 1,35 triệu USD và dự kiến chuyển tới New York, Mỹ cùng chồng.

    Cuộc hôn nhân này đã vấp nhiều phản ứng gay gắt từ công chúng và báo chí Nhật Bản và từng phải trì hoãn do lùm xùm tài chính của gia đình Komuro. Những chỉ trích liên tục trên mạng xã hội thậm chí khiến Công chúa Mako bị chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

    Nó khác xa với câu chuyện cổ tích của các đám cưới hoàng gia khác từng thu hút trí sự quan tâm của công chúng trên khắp châu Á.

    Hình ảnh
    Công chúa Nhật Mako và chồng Kei Momuro tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 26/10. Ảnh: Reuters

    Năm 1981, khi Thái tử Charles, người thừa kế của hoàng gia Anh, kết hôn cùng Công nương Diana Spencer, giới truyền thông trên toàn thế giới đều đổ dồn chú ý. Tại Hong Kong, khi đó vẫn là thuộc địa của Anh, đám cưới này được tuyên bố là ngày lễ của thành phố.

    30 năm sau, vào tháng 4/2011, khi Hoàng tử William, con trai của công nương Diana và Thái tử Charles, kết hôn cùng Catherine Middleton, tin tức về đám cưới đã phủ sóng toàn cầu. Đám cưới của Hoàng tử Harry và nữ diễn viên Mỹ Meghan Markle năm 2018 cũng nhận được sự quan tâm tương tự.

    Ngay cả đám cưới hoàng gia đầu tiên của Nga sau hơn một thế kỷ cũng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Đại công tước George Mikhailovich Romanov, 40 tuổi ngày 1/10 kết hôn cùng cô dâu người Italy Victoria Romanovna Bettarini, 39 tuổi, tại nhà thờ Saint Isaac, với hơn 1.500 khách mời, gồm các quý tộc châu Âu, Hoàng tử Rudolph và Công chúa Tilsm của Liechtenstein (quốc gia nằm gần Áo), cùng cựu vương và hoàng hậu Bulgaria.

    Tại Đông Á và Đông Nam Á, 6 quốc gia vẫn được lãnh đạo bởi quốc vương với tư cách là nguyên thủ quốc gia, dù quyền lực hạn chế. Nhật Bản, với 1.500 năm lịch sử và dòng dõi hoàng gia, được xem là quốc gia có chế độ quân chủ liên tục lâu đời nhất. Ngoài ra, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Brunei và Bhutan cũng duy trì chế độ này.

    Tại Campuchia, vai trò của Quốc vương Norodom Sihamoni mang ý nghĩa biểu tượng, trong khi Quốc vương Hassanal Bolkiah có quyền lực tuyệt đối ở Brunei. Vua Malaysia có quyền bổ nhiệm những quan chức cấp cao như thủ tướng và cũng là lãnh đạo Hồi giáo ở quốc gia này.

    Chế độ quân chủ lập hiến ở Thái Lan đối mặt với nhiều lời kêu gọi cải cách sau khi Vua Bhumibol, cha của Vua Vajiralongkorn, qua đời năm 2016, trong bối cảnh phong trào ủng hộ dân chủ gia tăng.

    Ảnh hưởng và quyền lực của các hoàng gia châu Á đã khiến họ trở thành mối quan tâm yêu thích của những người dân bình thường. Đám cưới của hoàng gia luôn là sự kiện được đặc biệt chú ý.

    Tháng 5/2019, Vua Vajiralongkorn đã khiến công chúng Thái Lan bất ngờ khi kết hôn cùng nữ phó tướng của đội cận vệ hoàng gia vài ngày trước khi đăng quang. Ngoài những bức ảnh hôn lễ được đăng tải trên truyền thông toàn cầu, các kênh truyền hình Thái Lan cũng phát sóng hình ảnh về đám cưới của Vua Vajiralongkorn suốt buổi tối.

    Một bài đăng Instagram của Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, trong đó thông báo về đám cưới của em gái cùng cha khác mẹ với em trai Hoàng hậu Jetsun Pema vào tháng 10 năm ngoái đã nhận về hơn 22.000 lượt thích.

    Công chúa Tunku Tun Aminah Maimunah Iskandariah, con gái duy nhất của tiểu vương bang Johor, Malaysia đã kết hôn cùng chú rể người Hà Lan Muhammad Abdullah trong đám cưới được tổ chức xa hoa năm 2017. Cờ của bang được treo khắp các đường phố, trong khi công chúng theo dõi buổi lễ được tổ chức tại cung điện hoàng gia Istana Besar qua màn hình lớn tại quảng trường thủ phủ Johor Bahru.

    Đám cưới của Công chúa Brunei Majeedah Nuurul Bulqiah cùng hôn phu Khairul Khalil, tổ chức trong suốt hai tuần năm 2007, cũng là sự kiện rất được quan tâm. Brunei đã bắn đại bác để đánh dấu sự kiện, trong khi cặp đôi diễu hành trong chiếc Roll Royce màu vàng đồng. Hàng nghìn người đã xếp hàng trên phố để được nhìn thấy vợ chồng công chúa.

    Hình ảnh
    Công chúa Brunei Majeedah Nuurul Bulqiah trong đám cưới hồi tháng 6/2007. Ảnh: AFP.

    Giáo sư Dennis Altman tại Đại học La Trobe, Australia nói dù nhiều quốc gia đã bãi bỏ chế độ quân chủ, thế giới vẫn còn khoảng 40 quốc gia duy trì chế độ này. Ông cho rằng niềm say mê với những câu chuyện hoàng gia không bao giờ biến mất.

    "Những câu chuyện về hoàng gia được ưa chuộng ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ điều này do sự pha trộn giữa sự hoài cổ, chủ nghĩa dân tộc và sự sùng bái người nổi tiếng. Cuộc sống và chuyện vui buồn của các hoàng gia là điều hiện diện liên tục trong cuộc sống của chúng ta và nhiều người đồng cảm với họ".

    Saad Salman, người điều hành trang web Royal Watcher, nói rằng chế độ quân chủ luôn đại diện cho mối liên kết bí ẩn với lịch sử và văn hóa. Trong một thế giới mà trẻ em lớn lên với những câu chuyện cổ tích, các hoàng gia đương đại chính là hiện thân cho trí tưởng tượng của rất nhiều người.

    Salman thêm rằng dù nhiều quốc vương hiện đại không nắm thẩm quyền thực tế, họ vẫn có thể giám sát hoặc mang lại sự cân bằng cho chính phủ.

    "Vai trò phi chính trị mang lại cho họ sự ngưỡng mộ lớn hơn so với sự quyết đoán của chính trị bầu cử. Do đó, hầu hết quốc vương là đại diện cho những người có lập trường trung lập", ông nói.


    Thanh Tâm (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 67 khách