Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Toan tính của Trung Quốc khi đóng tàu hải tuần 10.700 tấn
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Toan tính của Trung Quốc khi đóng tàu hải tuần 10.700 tấn

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 10 26, 2021 9:47 pm





    Tàu Hải tuần 09 có thể gắn thêm vũ khí hạng nặng, nhưng vẫn khoác áo dân sự, phục vụ tham vọng trên biển của Trung Quốc, theo chuyên gia.

    Cơ quan Hải sự Trung Quốc ngày 23/10 biên chế Hải tuần 09, tàu tuần tra lớn nhất của lực lượng này với chiều dài 165 m, rộng gần 21 m, lượng giãn nước 10.700 tấn, cho Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát hoạt động hàng hải của nước này ở Biển Đông. Tàu hải tuần này còn lớn hơn tàu khu trục lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ, vốn có lượng giãn nước khoảng 8.000-9.700 tấn.

    Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress rằng việc Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông, một cơ quan dân sự, được trang bị tàu tuần tra lớn và hiện đại như vậy thực chất là hành động kiểu "bình mới rượu cũ", tạo lớp vỏ mới cho lực lượng vũ trang trên biển.

    Hình ảnh
    Tàu Hải tuần 09 của Trung Quốc trong một chuyến thử nghiệm trên biển. Ảnh: Weibo.

    "Hải tuần thực chất là hải cảnh và hải giám khoác áo dân sự", đại tá Tâm nhận định. "Các lực lượng hải giám và hải cảnh Trung Quốc từng để lại nhiều tai tiếng, nhất là vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014".
    Hải cảnh là lực lượng trực thuộc vũ cảnh của quân đội Trung Quốc, được thành lập vào tháng 6/2013 trên cơ sở hợp nhất nhiều đơn vị thực thi pháp luật trên biển của nước này, trong đó có hải giám.

    Trước khi bị sáp nhập vào hải cảnh, hải giám Trung Quốc là lực lượng cảnh sát bán vũ trang thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, có chức năng thực thi pháp luật và trật tự hàng hải trong lãnh hải cùng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), kể cả những vùng biển Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền như Biển Đông.

    Lực lượng hải tuần của Cơ quan Hải sự Trung Quốc không bị sáp nhập trong đợt cải tổ lớn này, khi được xác định là đơn vị dân sự và phi vũ trang. Tuy nhiên, hải tuần vẫn thực hiện một số nhiệm vụ giống hải giám như kiểm soát trên biển, thực thi luật môi trường, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn theo phân công của Ủy ban An toàn Hàng hải Trung Quốc.

    "Trung Quốc sử dụng từ Hải tuần để đặt tên cho các con tàu mới đóng và coi đó là lực lượng mới, song về bản chất nó vẫn là tàu hải giám với nhiệm vụ rộng hơn và cởi bỏ quân phục để khoác áo dân sự", đại tá Tâm nói.

    Cục Hải sự Trung Quốc cho biết Hải tuần 09 sẽ "tăng cường khả năng chủ động kiểm soát giao thông hàng hải và hỗ trợ khẩn cấp" tại tỉnh Quảng Đông, "đảm bảo an toàn và thông thoáng của các tuyến giao thông hàng hải ở Biển Đông" và "nâng cao năng lực quản lý giao thông và bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc".

    Khi khởi đóng tàu Hải tuần 09, Phó trưởng Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông Lâm Khuê cho biết hoạt động của hải tuần không khác lực lượng thanh tra giao thông trên biển của một số nước.

    Chuyên gia nhận định với việc đóng tàu hải tuần cỡ lớn, Trung Quốc đang tìm cách tránh tiếng đưa lực lượng vũ trang ra ngoài biên giới của mình. Các tàu với lượng giãn nước từ 7.500 tấn như Hải tuần 01 tới hơn 10.000 tấn như Hải tuần 09 "có nhiều chỗ trống trên boong và khoang tàu để bố trí vũ khí hạng nặng như hải pháo, ngư lôi, tên lửa diệt hạm, bom chìm..." cùng hệ thống điều khiển vũ khí nên "rất dễ cải hoán thành chiến hạm".

    Hình ảnh
    Tàu Hải tuần 01 gần Thượng Hải hồi đầu năm 2019. Ảnh: FleetMon.

    "Việc đưa các tàu hải tuần vào hoạt động mà không tuyên bố rõ ràng về phạm vi, giới hạn vận hành cho thấy Trung Quốc cố tình tạo ra sự mập mờ như lúc ban hành luật hàng hải, có hiệu lực cách đây gần ba tháng. Hành động này một lần nữa cho thấy toan tính độc chiếm Biển Đông bằng đường lưỡi bò và các hoạt động dân sự của Trung Quốc", ông Tâm cho biết.

    Nguy cơ đụng độ giữa các tàu hải tuần của Trung Quốc với tàu thuyền của các quốc gia ven Biển Đông "tùy thuộc vào sự kiềm chế của các bên, đặc biệt là từ phía Trung Quốc", chuyên gia nhận định.

    Theo ông, nếu Trung Quốc giới hạn phạm vi hoạt động của tàu hải tuần trong các vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và từ bỏ câu chuyện tưởng tượng về cái gọi là "vùng nước lịch sử", sẽ không xảy ra sự cố nào ngay cả khi tàu Hải tuần 09 được triển khai lâu dài ở Biển Đông.

    "Tuy nhiên, nếu Trung Quốc khăng khăng đòi yêu sách chủ quyền phi lý với vùng biển nằm ngoài quy định của UNCLOS, họ sẽ tự chà đạp lên cam kết về đảm bảo an toàn, an ninh trên biển của mình", đại tá Tâm kết luận.


    Nguyễn Tiến
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 57 khách