Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
5 vấn đề lớn của ngành công nghệ Trung Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    5 vấn đề lớn của ngành công nghệ Trung Quốc

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 11 28, 2021 12:54 pm








    Ngành công nghệ Trung Quốc đã trải qua nhiều sóng gió trong năm nay và dự kiến tiếp tục đối mặt tình trạng siết chặt quản lý năm tới.

    Thời gian qua, hàng loạt quy định liên quan đến công nghệ tại Trung Quốc ra đời, các công ty mất hàng tỷ USD vốn hóa thị trường, trong khi Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy năng lực tự cung tự cấp. Giới chuyên gia cho rằng điều này có thể tiếp diễn trong năm 2022, đặt ra nhiều vấn đề cho những tập đoàn công nghệ hàng đầu ở đây.

    Siết chặt quản lý ngành công nghệ

    Ant Group, doanh nghiệp do Jack Ma sở hữu có trụ sở tại Hàng Châu, là công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất thế giới và dự kiến huy động 34,4 tỷ USD trong đợt IPO ngày 5/11/2020. Lượng đặt mua của nhà đầu tư trước thương vụ này đã lên mức cao kỷ lục.

    Hình ảnh
    Jack Ma tại hội nghị thượng đỉnh Tech for Good ở Paris vào ngày 15/5/2019. Ảnh: AP.

    Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước sự kiện, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ra thông báo hoãn đợt IPO của Ant Group. Động thái diễn ra sau khi bộ tứ cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính Trung Quốc triệu tập lãnh đạo Ant Group đến một cuộc họp kín.

    Chính quyền Trung Quốc sau đó công bố hàng loạt quy định mới trong lĩnh vực công nghệ, từ chống độc quyền với các nền tảng Internet cho đến thúc đẩy bảo vệ dự liệu. Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và hãng phân phối thực phẩm Meituan đều đối mặt với những án phạt chống độc quyền không nhỏ. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, trong đó cổ phiếu của Alibaba mất 41% giá trị từ đầu năm đến nay.

    Nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ, như liệu Bắc Kinh có áp đặt thêm quy định mới hay không và trong lĩnh vực nào, công ty nào sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo và điều đó sẽ tác động thế nào đến sự phát triển công nghệ tại Trung Quốc.

    Ngành bán dẫn

    Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung đang khiến Bắc Kinh thúc đẩy xây dựng năng lực tự cung tự cấp trong hàng loạt lĩnh vực. Một trong số này là ngành bán dẫn, vốn rất quan trọng với hàng loạt thiết bị từ điện thoại đến ôtô. Dù vậy, Trung Quốc vẫn chật vật bám đuổi Mỹ, bởi chuỗi cung ứng bán dẫn rất phức tạp và nằm dưới sự thống trị của nhiều công ty nước ngoài.

    Ví dụ cụ thể là lĩnh vực chip. SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, vẫn thua kém TSMC và Samsung nhiều năm về mặt công nghệ, thậm chí không đủ sức chế tạo những dòng chip tối tân được sử dụng trong các mẫu smartphone hàng đầu hiện nay.

    Hình ảnh
    Bên trong nhà máy sản xuất chip của SMIC tại Trung Quốc. Ảnh: SMIC.

    Thiết bị chế tạo chip cũng là lĩnh vực do phương Tây kiểm soát, trong đó nổi bật là công ty Hà Lan ASML đang nắm giữ công nghệ tiên tiến nhất ngành quang khắc. Sản phẩm của ASML đóng vai trò trung tâm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, khi Washington đang tìm mọi cách ngăn Bắc Kinh tiếp cận được những máy quang khắc. Chính phủ Mỹ đã gây áp lực với Hà Lan nhằm ngăn nước này cấp giấy phép xuất khẩu cần thiết để ASML chuyển giao máy quang khắc cho khách hàng Trung Quốc.

    Thiếu thốn công nghệ và thiết bị khiến doanh nghiệp Trung Quốc không thể cạnh tranh. Phương án thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip nội địa trước những rào cản này vẫn là vấn đề chưa có câu trả lời với Trung Quốc.

    Thế hệ công nghệ tiếp theo

    Bán dẫn chỉ là một trong nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc đang tìm cách tăng sức ảnh hưởng và uy tín. Trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 được công bố đầu năm nay, Bắc Kinh coi "tự chủ về khoa học và công nghệ là cột trụ chiến lược trong phát triển quốc gia". Kế hoạch cũng đề ra những lĩnh vực được coi là "công nghệ tiếp theo", trong đó có AI và du hành không gian.

    Trung Quốc đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong thám hiểm vũ trụ, nổi bật là triển khai trạm không gian riêng trên quỹ đạo. Nước này cũng đặt mục tiêu đưa con người lên Sao Hỏa vào năm 2033. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Baidu và Tencent cũng đang đầu tư mạnh cho AI.

    Xe điện


    Phương tiện chạy điện là một phần trong nỗ lực cắt giảm phát thải carbon và đạt mức phát thải trung tính vào năm 2060 của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ quá trình phát triển những phương tiện dùng năng lượng mới nhiều năm qua, thông qua các gói trợ cấp và nhiều chính sách ưu đãi. Điều này dẫn tới sự xuất hiện của hàng nghìn công ty, nhưng phần lớn chưa chế tạo được một chiếc xe nào.

    Hình ảnh
    Một mẫu xe điện ra mắt tại Triển lãm ôtô Thượng Hải hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

    Khoảng 1,1 triệu xe điện được bán trong nửa đầu năm, gần bằng tổng doanh số bán hàng trong 2020, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Canalys. Trung Quốc đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

    Tốc độ phát triển của thị trường thu hút hàng loạt cái tên lớn trong ngành công nghệ. Xiaomi dự kiến sản xuất hàng loạt xe điện vào nửa đầu 2024, trong khi Baidu cũng xây dựng liên doanh xe điện với hãng xe hơi Trung Quốc Geely.

    Kinh tế Trung Quốc chững lại

    Các tập đoàn công nghệ đang tìm cách đối phó với nền kinh tế đang phát triển chậm lại. Hàng loạt yếu tố dẫn tới tình trạng này như thiếu năng lượng và nỗ lực kìm hãm nợ nần trong ngành bất động sản, cũng như chi tiêu sụt giảm trong đại dịch. Thách thức kinh tế đang tác động đến kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn, trong đó Alibaba đã phải từ bỏ mục tiêu doanh thu trong năm tài chính này.

    Giám đốc chiến lược Tencent James Mitchell cho biết ngành quảng cáo có thể suy yếu trong nhiều tháng tới do "hàng loạt thách thức và quy định quản lý đang ảnh hưởng với những lĩnh vực quảng cáo chủ chốt".

    Điệp Anh (Theo CNBC)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 61 khách