Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Những dự án hạ tầng tỷ đô 'thoi thóp' ở Mỹ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27908
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Những dự án hạ tầng tỷ đô 'thoi thóp' ở Mỹ

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 11 30, 2021 2:57 pm







    Dự án đường sắt 4 tỷ USD đầy tham vọng ở Honolulu đội vốn gấp ba lần và chưa thể hoàn thành sau hơn 10 năm thi công.

    Cùng với quá trình mở rộng đô thị ra phía tây Trân Châu Cảng, các nhà hoạch định chính sách của Honolulu, thủ phủ bang Hawaii của Mỹ, đã đề xuất dự án đầy tham vọng xây dựng tuyến đường sắt đô thị hơn 30 km kết nối vùng ven với trung tâm thành phố. Khi công bố dự án năm 2006, họ ước tính chi phí là 4 tỷ USD, mức khá rẻ với chi phí đầu tư khoảng 125 triệu USD cho mỗi km đường ray.

    Tuy nhiên, dự án đã bị vấp trở ngại ngay trong giai đoạn đầu, do đi qua khu nghĩa trang của người Hawaii bản địa và sau đó là hàng loạt vấn đề kỹ thuật khác, như các mối hàn và đường ray bị nứt. Hồi đầu năm nay, các kỹ sư nhận ra ở một số đoạn, bánh tàu nhỏ hơn đường ray gần 1,3 cm.

    Sở Giao thông Honolulu tin họ có thể giải quyết bằng cách hàn những vết nứt và thay thế bánh tàu phù hợp với đường ray, nhưng sẽ khiến dự án đội vốn lên tới 11,4 tỷ USD, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2031.

    Hình ảnh
    Một tàu hỏa ở trung tâm vận hành đường sắt ở Waipahu, thành phố Honolulu, bang Hawaii, Mỹ. Ảnh: Honolulu Civil Beat.

    Dự án đường sắt ở Honolulu là một trong hàng loạt đại công trình tỷ USD bị chậm tiến độ của Mỹ trong thập kỷ qua, khi gặp hàng loạt vướng mắc như chi phí vượt ước tính, trở ngại kỹ thuật, pháp lý, chính trị. Điều này cũng đặt ra thách thức cho tham vọng cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden với gói ngân sách 1.200 nghìn tỷ USD được ký đầu tháng 11.

    Gói ngân sách này đề ra những mục tiêu táo bạo, như dành 500 tỷ USD cho các dự án đường cao tốc, 39 tỷ USD cho giao thông đô thị, 65 tỷ USD cho các dự án băng thông rộng và 73 tỷ USD cho lưới diện cùng nhiều hạng mục khác. Hành lang đường sắt đông bắc nối từ Boston, bang Massachusetts đến Washington của Tập đoàn Vận tải Hành khách Đường sắt Quốc gia Mỹ (Amtrak), tuyến đường sắt bận rộn nhất Mỹ, sẽ nhận được phần lớn ngân sách trong gói 66 tỷ USD cho ngành đường sắt.

    Tuy nhiên, gói chi tiêu cơ sở hạ tầng tham vọng này được cho là khó có thể giải cứu một số đại dự án "bị sa lầy" hiện nay, theo Ralph Vartabedian, biên tập viên của NY Times. Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng dù được rót ngân sách mới, các công trình cũng khó có thể tăng tốc nhanh như mong đợi.

    Ngành xây dựng của Mỹ đang đối mặt với giá thép tăng khoảng 142% trong 12 tháng qua, chi phí nhiều vật liệu quan trọng khác cũng tăng. Tình trạng thiếu lao động lành nghề cũng trở nên nghiêm trọng hơn vì Covid-19.

    Hồi đầu tháng, Tổng thống Biden phàn nàn rằng cơ sở hạ tầng Mỹ từng được đánh giá là tốt nhất thế giới, nhưng giờ chỉ xếp hạng 13 toàn cầu.

    Chi phí xây dựng của Mỹ tại một số dự án cao hơn Tây Âu và các nước châu Á, theo Ethan Elkind, giáo sư luật tại Đại học California. "Xây dựng các dự án ở đây khó khăn hơn rất nhiều và chúng tôi không có nhiều kỹ năng thực hiện như họ", ông nói.

    California năm 2008 phê chuẩn dự án đường sắt cao tốc từ Los Angeles tới San Francisco, dự kiến hoàn thành năm 2020 với chi phí 33 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành công trình giờ đây được lùi tới năm 2033, với tổng chi phí đội lên gấp ba.

    Dự án tham vọng này là nỗ lực nghiêm túc nhất của Mỹ để xây dựng tuyến tàu cao tốc hoàn chỉnh, nhưng đã bị trì hoãn trong thời gian dài vì vấn đề thu hồi đất, kiện tụng môi trường, vướng mắc giấy phép, lương nhân viên và thay đổi thiết kế, kéo theo nhiều tranh cãi chính trị.

    Dự án tuyến mở rộng East Side Access của hệ thống đường sắt Long Island ở New York, nhằm giảm tới 40 phút di chuyển từ Queens tới ga Grand Central Terminal với 24 chuyến tàu mỗi giờ vào lúc cao điểm, cũng bị đình trệ nghiêm trọng.

    Được lên ý tưởng từ hơn nửa thế kỷ trước, với hợp đồng xây dựng được ký kết năm 2006, dự án từng được dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Chi phí dự tính ban đầu khoảng 2,2 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,3 tỷ USD vào năm 2006 và 6,4 tỷ USD vào năm 2008. Cơ quan Giao thông Đô thị New York hiện dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 12/2022 với chi phí 11,1 tỷ USD.

    Thay đổi thiết kế, vấn đề thi công hay phối hợp với các cơ quan khác là những nguyên nhân chính khiến công trình bị chậm trễ và tăng chi phí.

    Một trong những dự án cơ sở hạ tầng môi trường quan trọng nhất và có lẽ là khó khăn nhất về mặt kỹ thuật của Mỹ đã được tiến hành suốt nhiều thập kỷ qua ở Hanford, nơi từng là cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân ở bang Washington. Kể từ năm 2013, quá trình xây dựng hai nhà máy xử lý gần 212.000 m3 bùn phóng xạ đã bị đình lại.

    Sau đánh giá độc lập vào năm 2015 cho thấy công trình có 362 vấn đề thiết kế, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo đình chỉ dự án trong 17 năm và công trình chỉ có thể đi vào hoạt động đầy đủ sớm nhất năm 2036. Vấn đề mà dự án gặp phải là không tính đến khả năng xảy ra động đất hoặc các vụ nổ khí hydro khi xử lý vật liệu phóng xạ.

    Quyết định này đã buộc Bộ Năng lượng Mỹ phải sử dụng giải pháp thay thế để bắt đầu xử lý các loại chất thải phóng xạ nồng độ thấp từ cuối năm 2023. Chi phí ước tính cuối cùng cho nhà máy này vào khoảng 17 tỷ USD, tăng từ 12,3 tỷ năm 2013 và khoảng 4 tỷ cách đây 20 năm.

    Những vấn đề dẫn tới công trình bị đình trệ, như khảo sát địa chất, chi phí lao động, giải phóng mặt bằng là những thách gây trở ngại cho gần như tất cả dự án cơ sở hạ tầng lớn của Mỹ. Sai lầm phổ biến của các chủ đầu tư là không lập kế hoạch và ngân sách phát sinh cho chúng, theo Joseph Schofer, chuyên gia kỹ thuật tại Đại học Northwestern.

    "Bạn không thể nói đó chỉ là sự cố", ông nói về những dự án đội vốn. "Chúng ta có thể làm tốt hơn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta đã không có những ước tính trung thực".

    Schofer thêm rằng nhiều dự án được phê duyệt với tính toán rằng lợi ích trong tương lai sẽ lớn hơn nhiều chi phí dự tính, nhưng khi chi phí tăng vọt, không ai xem lại tỷ lệ này.

    "Với các dự án dân sự, ngân sách ước tính đầu tiên luôn là khoản ít hơn thực tế", Willie Brown, cựu thị trưởng San Francisco, nói trong một bài báo vào năm 2013. "Nếu mọi người biết chi phí thực ngay từ đầu, sẽ không có dự án nào được chấp thuận".

    Hình ảnh
    Một phần hệ thống tàu điện ngầm thuộc dự án East Side Access của đường sắt Long Island, New York, Mỹ. Ảnh: NY Times.

    Bộ Giao thông Vận tải Mỹ từ chối bình luận về các thông tin trên, nhưng mootjj số quan chức chính quyền Biden nói gói cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD sẽ giải quyết các vấn đề tồn đọng và tăng hiệu quả của nền kinh tế Mỹ, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng việc làm cho ngành xây dựng.

    Đạo luật cơ sở hạ tầng mới của Biden đã có những bước cải cách đầu tiên, như chỉ định một cơ quan liên bang phụ trách mỗi dự án, thành lập một đơn vị chuyên trách để giám sát sử dụng ngân sách hiệu quả, tránh lãng phí... Quá trình đánh giá tác động môi trường cũng được siết chặt hơn để tránh kiện tụng.

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không lạc quan về những thay đổi mà tham vọng hạ tầng của Biden có thể tạo ra.

    Ronald N. Tutor, giám đốc Tutor Perini, công ty ở California phụ trách xây dựng một số dự án lớn nhất của Mỹ, nói bản chất của ngành xây dựng là phức tạp và khó dự đoán.

    "Tất cả dự án lớn đều gặp vấn đề về ước tính chi phí và thời gian thi công", ông thừa nhận. "Sự thật là chúng đều là các dự án khó và rủi ro cao, với tình hình thường xuyên thay đổi. Thật ngây thơ khi cho rằng có thể dự trù chính xác chi phí từ đầu".


    Thanh Tâm (Theo NY Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 64 khách