Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Một mã gene bị thiếu giúp chuyên gia tìm ra Omicron
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Một mã gene bị thiếu giúp chuyên gia tìm ra Omicron

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 12 01, 2021 4:22 pm







    Đầu tháng 11, các phòng thí nghiệm ở tỉnh Gauteng, Nam Phi phát hiện điều bất thường khi xử lý các mẫu bệnh phẩm nhiễm nCoV.

    Theo Glenda Gray, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Lancet đã nhận thấy sự bất thường kể từ ngày 4/11. Họ phát hiện có rất nhiều đột biến lạ trên một mẫu bệnh phẩm, đặc biệt tại vùng protein gai mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào.

    "Họ không hiểu điều gì xảy ra. Họ thông báo với các nhà virus học và yêu cầu giải trình tự các mẫu", Gray nói trong cuộc phỏng vấn hôm 29/11.

    Thông thường, nCoV bao gồm 4 gene là 'N', 'S', 'E' và 'ORF'. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gene này. Song trong các mẫu thử của Nam Phi, Alicia Vermeulen, nhà khoa học tại Junior Lancet phát hiện gene S đã biết mất, có thể do nó đột biến.

    "Việc không tìm được gene ‘S' ở một người dương tính nCoV là cách gián tiếp để xác nhận người đó nhiễm biến chủng Omicron, ngay cả khi không cần giải trình tự", tiến sĩ Shashank Joshi, thành viên lực lượng đặc nhiệm bang Maharashtra, nhận định.

    Điều này giúp các phòng thí nghiệm phát hiện sớm sự hiện diện của Omicron trong khu vực.

    Cùng thời điểm, nhiều bác sĩ tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến với biểu hiện mệt mỏi và đau đầu. Các ca nhiễm này xuất hiện sau nhiều tuần Covid-19 suy yếu. Những phát hiện mới là khởi đầu của làn sóng biến chủng Omicron trong nước. Nó nhanh chóng trở thành chủng thống trị, khiến số bệnh nhân mới gia tăng.

    Chuyên gia Nam Phi lập tức phát cảnh báo, gây sự hoảng loạn trên toàn cầu. Các nước như Anh và Mỹ áp đặt lệnh cấm bay đối với người đến từ khu vực này. Tới ngày 30/11, biến chủng đã được tìm thấy ở 20 quốc gia.

    Hình ảnh
    Nhà khoa học tại Trường Y Nelson Mandela ở Durban, Nam Phi nghiên cứu về biến chủng nCoV. Ảnh: NY Times

    Trong những tuần tiếp theo, những mẫu nCoV bất thường xuất hiện nhiều hơn. Ngày 19/11, Raquel Viana, chuyên gia tại phòng thí nghiệm tư nhân lớn nhất Nam Phi, cũng phát hiện vô số đột biến khác lạ trong 8 mẫu virus. Bà chia sẻ: "Tôi khá sốc với những gì mình nhìn thấy. Tôi đặt câu hỏi liệu có điều gì không ổn".

    Bà nhanh chóng gọi điện cho Daniel Amoko, một đồng nghiệp tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia và gửi 8 mẫu virus về viện. Sau quá trình kiểm tra, họ nhận thấy 8 mẫu đều có cùng kiểu đột biến. Tình huống kỳ lạ đến mức cả đội nghĩ kết quả có sự sai sót. Song sau đó, họ nhớ rằng số ca nhiễm nCoV trong khu vực đang tăng mạnh và phỏng đoán đây là đột biến mới.

    Các chuyên gia tiếp tục báo tin cho Allison Glass, người đứng đầu khoa bệnh học phân tử ở Lancet, thành viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ về Covid-19.

    Với sự giúp đỡ của Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Lancet đã xác định biến chủng nCoV mới ngày 22/11, đặt tên ban đầu là B.1.1.529.

    Họ tải thông tin về virus lên kho dữ liệu toàn cầu GISAID, phát cảnh báo cho các chuyên gia khắp thế giới. Đến ngày 24/11, truyền thông có những báo cáo đầu tiên về biến chủng. Hai ngày sau, Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên cho B.1.1.529 là Omicron, xếp nó vào nhóm ‘virus đáng lo ngại'.

    Thông qua nghiên cứu từ các nhà khoa học Nam Phi, WHO cho biết các quốc gia có thể sử dụng xét nghiệm PCR để tìm ra những mẫu virus thiếu gene S, từ đó phát hiện biến chủng Omicron mà không cần giải trình tự. Điều này giúp tiết kiệm nhiều thời gian và nguồn lực tại các điểm nóng Covid-19.

    Dù vậy, nhiều câu hỏi về biến chủng còn bỏ ngỏ. Đầu tiên, khả năng né tránh miễn dịch, làm giảm hiệu quả của Omicron cao đến đâu? Biến chủng độc lực lớn hơn hay không, triệu chứng ra sao so với trước đó, ảnh hưởng thế nào đến những độ tuổi khác nhau? Câu trả lời dự kiến có trong hai tuần tới.

    Giới khoa học có nhiều ý kiến trái chiều về Omicron. Một số người cho rằng vaccine sẽ kém hiệu quả so với biến chủng. Số khác nhận định cộng đồng không nên quá hoang mang, vaccine hiện tại vẫn có tác dụng và không cần sản xuất thế hệ mới.

    Về tốc độ lây truyền, giới chuyên gia hầu như đồng quan điểm Omicron lan nhanh hơn các biến chủng trước đó. Số người xét nghiệm dương tính virus ở Nam Phi đã tăng lên kể từ khi biến chủng xuất hiện.

    Sau cảnh báo của các nhà khoa học, nhiều quốc gia đã áp lệnh cấm nhập cảnh với người dân từ miền nam châu Phi. Omicron đã lan đến 20 quốc gia, 13 trong số đó thuộc EU. Hong Kong, Thuỵ Điển, Israel, Anh, Italy, Canada, Bỉ và Hà Lan đều ráo riết truy tìm các ca nhiễm đầu tiên thông qua các mẫu bệnh phẩm thu thập trong khoảng thời gian trước khi Nam Phi báo cáo.

    Thục Linh (Theo Bloomberg, News18, Times of India)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 64 khách