Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thách thức với hạm đội lớn nhất thế giới của Trung Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Thách thức với hạm đội lớn nhất thế giới của Trung Quốc

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 12 02, 2021 8:59 pm







    Hải quân Trung Quốc sở hữu nhiều chiến hạm nhất thế giới, song đối mặt thách thức về chi phí duy trì lực lượng và cạnh tranh công nghệ.

    Hải quân Trung Quốc 20 năm trước là lực lượng khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào tác chiến phòng thủ ven bờ. Họ khi đó sở hữu một số đơn vị chủ lực trang bị tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh và khu trục hạm hiện đại, song hiếm khi triển khai chúng dài ngày xa đất liền.

    Phần lớn hạm đội Trung Quốc vào đầu những năm 2000 lạc hậu so với thế giới, ngay cả các chiến hạm mới cũng thua kém về công nghệ so với các cường quốc hải quân khác.

    Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Báo cáo thường niên được Lầu Năm Góc công bố gần đây cho biết hải quân Trung Quốc đang vận hành khoảng 355 chiến hạm, trong đó có 145 tàu mặt nước chủ lực. Đây là lực lượng sở hữu nhiều chiến hạm nhất thế giới, dù vẫn kém hải quân Mỹ về tổng lượng giãn nước.

    Hình ảnh
    Chiến hạm Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh tại thành phố Tam Á, Hải Nam tháng 4/2018. Ảnh: PLA.

    Hải quân Trung Quốc trong một thập kỷ qua biên chế 4 chiến hạm chở máy bay với lượng giãn nước hơn 40.000 tấn, một số tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, nhiều khu trục hạm cỡ lớn và các chiến hạm khác. Những chiến hạm này mang theo hệ thống vũ khí đủ mạnh để cạnh tranh với các cường quốc hải quân khác, thậm chí nhiều khí tài là loại hiện đại nhất.

    Ngoài quy mô hạm đội, hải quân Trung Quốc còn gây chú ý với tốc độ mở rộng lực lượng nhanh chóng. Chỉ số ít trong 355 chiến hạm Trung Quốc được đóng trước năm 2000. 36 trong số 40 khu trục hạm và 38 trong số 43 hộ vệ hạm của Trung Quốc được đóng trong 20 năm trở lại đây.

    Liêu Ninh và Sơn Đông, hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, đều được hoàn thiện trong thập kỷ qua. Liêu Ninh được cải hoán từ tuần dương hạm hạng nặng do Liên Xô chế tạo đầu những năm 1990, con Sơn Đông được chế tạo dựa trên thiết kế của nó. Trung Quốc cũng đang tăng tốc thử nghiệm và chế tạo các tàu sân bay nội địa hiện đại hơn.

    Type-003, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, dự kiến hoạt động vào năm 2024. Hải quân Trung Quốc cũng dự kiến vận hành ba tàu sân bay trực thăng Type-075 với lượng giãn nước 40.000 tấn vào năm 2022.

    Trong khi đó, hải quân Mỹ vận hành loạt chiến hạm có tuổi đời cao hơn nhiều. 27 trong số 70 khu trục hạm của hải quân Mỹ được biên chế từ thế kỷ 20. Ngoài ra, 8 trong số 11 tàu sân bay, 21 tuần dương hạm, 28 trong số 50 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 14 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đều được chế tạo từ thế kỷ trước.

    Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chiến hạm của hải quân Trung Quốc mới hơn không đồng nghĩa chúng uy lực hơn hoặc lực lượng này có năng lực tác chiến cao hơn Mỹ.

    Tàu sân bay USS Nimitz 46 tuổi được đánh giá có năng lực vượt trội so với chiến hạm Type-003. Ngoài ra, các hạm đội của Mỹ trải qua nhiều đợt nâng cấp hệ thống tác chiến, đội ngũ thủy thủ của họ cũng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm từ hàng thập kỷ thực chiến và triển khai dài hạn.

    Các chuyên gia nhận xét lực lượng hiện đại của hải quân Trung Quốc chắc chắn không phải để thực hiện nhiệm vụ chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực (A2/AD). Dù vẫn còn một số chiến hạm được tối ưu để tác chiến gần bờ, Trung Quốc đang sở hữu một số tàu mang tính viễn chinh, bao gồm tàu sân bay, tàu sân bay trực thăng, tàu đổ bộ tấn công và khu trục hạm cỡ lớn.

    Hình ảnh
    Từ trái sang, hộ vệ hạm Ân Thi, Vĩnh Châu, Ba Trung và Ngô Châu dàn đội hình trong diễn tập tháng 11/2020. Ảnh: PLA.

    Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy các nỗ lực xây dựng hạm đội quy mô lớn với các chiến hạm mới không phải lúc nào cũng thành công. Bình luận viên Robert Farley của Business Insider cho rằng một hạm đội khổng lồ về lâu dài sẽ đặt ra gánh nặng chi phí rất lớn.

    Duy trì hạm đội sẵn sàng chiến đấu dưới mọi hình thức với trang thiết bị tốt và thủy thủ được đào tạo bài bản là nỗ lực vô cùng tốn kém. Đây là lý do rất ít quốc gia có thể duy trì các hạm đội lớn trong thời gian dài, phần lớn do các chiến hạm là khoản đầu tư khổng lồ, đòi hỏi ngân sách bảo trì lớn và có thể nhanh chóng lỗi thời về công nghệ.

    Càng mở rộng lực lượng, hải quân Trung Quốc lại càng thu hút sự chú ý của các cường quốc và đối thủ cạnh tranh. Sự phình to của hạm đội tàu chiến Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thúc đẩy Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản tăng cường cuộc đua trên biển với nước này.

    Australia ngày 15/9 ký hiệp ước AUKUS với Anh và Mỹ để phát triển hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân, động thái được đánh giá nằm trong hoạt động định hướng lại năng lực công nghệ và hàng hải của Trung Quốc.

    Hải quân Trung Quốc trỗi dậy là xu hướng tất yếu của lịch sử hiện đại, nhưng cùng với quá trình đó, họ sẽ đối mặt thách thức ngày càng lớn từ chi phí cho hạm đội khổng lồ, cũng như sức ép ngày càng tăng từ các cường quốc khu vực và thế giới, bình luận viên Farley nhấn mạnh.


    Nguyễn Tiến (Theo Bussiness Insider)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 60 khách