Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Mùi tử khí ám ảnh người Philippines sau siêu bão Rai
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27940
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Mùi tử khí ám ảnh người Philippines sau siêu bão Rai

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 12 28, 2021 11:16 am






    Khung cảnh hoang tàn và mùi tử khí cùng tiếng cầu cứu tuyệt vọng ở khắp nơi ám ảnh người Philippines sau khi siêu bão Rai tàn phá đất nước.

    Ed Boysillo, 54 tuổi, viên chức thành phố Ubay, tỉnh Bohol, miền trung Philippines, vẫn chưa thể quên sức mạnh đáng sợ của siêu bão Rai. Cơn bão đổ bộ lần đầu ngày 16/12, mang theo những cơn mưa xối xả và sức gió lên tới 270 km/h, tương đương bão cấp 5, cấp mạnh nhất trong thang đo bão ở Mỹ.

    Siêu bão thổi bay những tòa nhà, khiến nước sông tràn bờ và hơn 7 triệu người phải sơ tán. Điện, nước, thông tin liên lạc đều bị cắt, cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Tính đến 27/12, cơn bão đã khiến 389 người thiệt mạng, 1.146 người bị thương và 65 người mất tích. Hơn nửa triệu người vẫn ở trung tâm sơ tán hoặc ở nhờ nhà người thân, bạn bè.

    Mùi tử khí phảng phất trong không khí ở Bohol, ám ảnh những người dân đang len lỏi trong đống đổ nát, cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Một hình nộm Ông già Noel vẫn bám trụ được sau trận cuồng phong, khuôn mặt rạng rỡ của ông tương phản rõ rệt với khung cảnh hoang tàn xung quanh.

    Hình ảnh
    Những ngôi nhà bị siêu bão Rai tàn phá, chỉ còn lại đống đổ nát ở ngôi làng ven biển Fatima, tỉnh Bohol, Philippines hôm 21/12. Ảnh: NY Times.

    Antero Ramos, 68 tuổi, ở làng Casare, Ubay kể lại khoảnh khắc mất cả vợ và hai con khi bão ập tới. "Vợ tôi quyết định nên sơ tán, nên cả nhà chúng tôi chạy tới trú trong kho gạo", ông cho hay. "Nhưng ngay khi chúng tôi vừa bước vào, nhà kho đổ ập xuống". Người trông coi nhà kho cũng thiệt mạng.

    "Giáng sinh này rất buồn," Ramos nói thêm. "Chúng tôi phải chôn cất họ ngay lập tức vì nhân viên nhà tang lễ không thể đến được do đường bị chặn".

    Rai, tên địa phương là Odette, là cơn bão thứ 15 đổ bộ Philippines trong năm nay. Cơn bão đổ bộ thêm 8 lần vào nhiều khu vực của Philippines trước khi chuyển hướng.

    Philippines nằm trên vành đai bão và thường hứng chịu khoảng 20 cơn bão mỗi năm. Sau siêu bão Rai, Ủy ban Biến đổi Khí hậu Philippines kêu gọi các địa phương hành động khẩn cấp "để tăng cường năng lực chống chọi của cộng đồng trước các sự kiện cực đoan liên quan đến khí hậu, nhằm giảm thiểu mất mát, thiệt hại".

    "Khi hiện tượng ấm lên toàn cầu tiếp tục tăng, những hiện tượng thời tiết cực đoan này và các tác động khí hậu khác đang trở nên nghiêm trọng, có thể không thể đảo ngược, đe dọa kìm hãm sự phát triển của đất nước", cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

    Tại Bohol, nơi ghi nhận nhiều người chết vì bão, đến hôm 27/12, xe cộ vẫn chất đống bên đường cao tốc, khắp nơi ngổn ngang cây đổ, gạch đá. Nhiều người tử vong ở các khu vực ven biển bị ngập lụt do triều cường hoặc những nơi nhà cửa bị tốc mái.

    Trên đường cao tốc dẫn đến Ubay, người sống sót tuyệt vọng viết dòng chữ "Giúp chúng tôi với" trên một con đường để trực thăng và máy bay bay qua có thể nhìn thấy.

    Giới chức cảnh báo cư dân ở các khu vực hẻo lánh đang cạn kiệt thực phẩm. Mỹ, Canada, Trung Quốc và Hàn Quốc đã cam kết hỗ trợ Philippines khắc phục hậu quả thiên tai.

    Thống đốc Bohol Arthur Yap đã tìm cách huy động tiền quyên góp để mua thực phẩm và các mặt hàng cứu trợ khác cho người dân. Nỗ lực quyên góp đã giúp khu vực có máy phát điện, nhưng xăng dầu lại trở nên khan hiếm.

    "Nhiều người đã mua máy phát điện, khiến nhu cầu về dầu tăng gấp ba lần. Đó là lý do người dân phải xếp hàng dài tại các trạm xăng", Yap nói với phóng viên tuần trước.

    Hình ảnh
    Antero Ramos (phải), người mất vợ con trong siêu bão Rai, ngồi cạnh cháu trai trong căn lều tạm bợ ở Ubay, tỉnh Bohol hôm 24/12. Ảnh: NY Times.

    Ananisa Guinanas, 27 tuổi, đi mua xăng ở Ubay cùng con gái ba tuổi. Cảnh sát được bố trí quanh trạm xăng để đảm bảo an ninh.

    "Chúng tôi đã xếp hàng suốt 7 giờ", cô nói. "Tôi mang theo con gái vì không thể để con một mình. Nhà của chúng tôi đã bị phá hủy. Chúng tôi rất cần xăng để chạy xe máy đi tìm nước sạch".

    Sau cơn bão, sông Loboc chuyển sang màu nâu vì bùn đất. Nilo Rivera, 34 tuổi, cho biết ngôi nhà của anh và mẹ vợ nhanh chóng bị dòng sông hung hãn cuốn trôi.

    "Nước ngập đến tầng hai nhà chúng tôi", anh nói, chỉ tay về ngấn nước vẫn in trên tường một ngôi nhà còn sót lại sau khi lũ rút. Gia đình anh hiện sống trong căn lều tạm bợ.

    Bohol đã hứng chịu nhiều thảm họa. Một trận động đất mạnh đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của tỉnh vào tháng 10/2013. Một tháng sau, siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Philippines, tàn phá nhiều khu vực rộng lớn ở nước này, khiến 6.500 người chết hoặc mất tích.

    Frederic Soupart, chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng Fox and Firefly nằm cạnh sông Loboc ở Bohol, tin rằng Rai gây hậu quả nghiêm trọng hơn Haiyan. Rai tàn phá khắp nơi nó quét qua trên quần đảo Palawan, phía tây Philippines. Nhiều khu vực của khu nghỉ dưỡng bị chôn vùi trong đống bùn sâu đến thắt lưng.

    "Tôi chưa bao giờ thấy trận lụt nào như thế này, có thể mất hàng triệu peso để khắc phục hậu quả", ông nói. Soupart cùng nhân viên phải xúc bùn khỏi khu nghỉ dưỡng. "Chẳng giống Giáng sinh chút nào", ông nói.

    Hoạt động thu dọn diễn ra chậm chạp, dù quân đội Philippines đã triển khai các đội kỹ thuật để hỗ trợ. Điện và dịch vụ viễn thông vẫn chưa được khôi phục ở Bohol cùng nhiều khu vực khác.

    Tại Siargao, điểm lướt sóng trên mũi đông bắc đảo Mindanao, phía đông Bohol, không công trình nào còn nguyên vẹn sau bão. Chính phủ đã sơ tán hàng chục du khách nước ngoài và người Philippines bằng máy bay quân sự, nhưng một số người chọn ở lại để hỗ trợ hòn đảo tái thiết.

    Nhiều người Philippines tìm kiếm nguồn an ủi trong nhà thờ. Linh mục kêu gọi người dân bình tĩnh khi chính phủ nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai. Tín đồ ở Bohol dùng đèn pin và nến để tổ chức Thánh lễ lúc bình minh.

    Donn De Lima, 44 tuổi, là một trong số hàng chục người đến từ Giáo xứ Santo Niño ở Ubay tham dự Thánh lễ đêm Giáng sinh. Trời mưa to, mái nhà thờ bị dột.

    "Giáng sinh năm nay thật buồn vì nhà tôi bị hư hại nghiêm trọng", anh nói. Sau Thánh lễ, gia đình anh dự định dùng bữa đơn giản dưới ánh đèn pin sạc.

    Những người khác không may mắn như vậy. Alicia Nemenzo, 48 tuổi, và con gái Mavel Nemenzo, 21 tuổi, trú ẩn qua đêm Giáng sinh trong cửa hàng nhỏ ven đường sau khi cơn bão đánh sập nhà họ. Nguồn sáng duy nhất là ngọn nến.

    "Cứ hễ trời mưa, chúng tôi đều rất sợ hãi", Nemenzo nói. "Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều chịu tổn thương nặng nề vì cơn bão này".


    Huyền Lê (Theo NY Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 7 khách