Giới chức Trung Quốc hôm nay truy tố 12 người bị cáo buộc cố gắng đào tẩu từ Hong Kong sang Đài Loan bằng xuồng cao tốc hồi tháng 8.
Viện Kiểm sát quận Diêm Điền, thành phố Thâm Quyến thông báo trên mạng xã hội ngày 16/12 rằng Tang Kai-Yin và Quinn Moon bị tình nghi tổ chức đào tẩu trái phép. 8 người khác, bao gồm Cheng Tsz-ho và Cheung Chun-fu, bị cáo buộc đào tẩu trái phép. Hai người còn lại liên quan đến vụ án là trẻ vị thành niên và phải đối mặt với các phiên điều trần không công khai.

Andy Li, 29 tuổi. Ảnh: Cảnh sát Hong Kong.
Hôm 23/8, nhóm 12 người này đào tẩu khỏi đặc khu bằng xuồng cao tốc để trốn đến Đài Loan. Khi đến điểm cách Hong Kong 70 km về phía đông nam, họ bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc chặn bắt và bàn giao cho cảnh sát Thâm Quyến.
Một số người trên thuyền đối mặt với nguy cơ bị truy tố ở Hong Kong vì liên quan đến các cuộc biểu tình đôi khi bùng phát thành bạo động ở thành phố năm ngoái, tiêu biểu như Andy Li, người bị cảnh sát Hong Kong bắt hôm 10/8 với cáo buộc thông đồng với lực lượng nước ngoài.
Trung Quốc ban hành luật an ninh Hong Kong ngày 30/6 trong đó hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Chính quyền Hong Kong khẳng định luật an ninh mới không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và hội họp, vốn được đảm bảo khi Anh trao trả vùng lãnh thổ này cho Trung Quốc năm 1997. Bắc Kinh nhiều lần khẳng định luật an ninh mới nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển cho đặc khu, đồng thời cảnh báo các quốc gia không can thiệp vấn đề nội bộ.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia và tổ chức thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh Hong Kong, cảnh báo nguy cơ suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Chính phủ Anh và Australia còn tuyên bố "mở cửa" tiếp nhận người Hong Kong sau khi luật an ninh có hiệu lực.
Phương Vũ (Theo AFP)