Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Tranh cãi nCoV càng tiến hóa càng ít nguy hiểm
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Tranh cãi nCoV càng tiến hóa càng ít nguy hiểm

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 1 13, 2022 5:24 pm







    Một số chuyên gia cho rằng các biến chủng sau này của nCoV ít nguy hiểm hơn, song những người khác phản đối ý tưởng đó, nhận định Covid-19 vẫn là mối đe dọa cộng đồng.

    Thời gian gần đây, nhiều nhà khoa học thảo luận về hai quan điểm phổ biến: "Các biến chủng nCoV thế hệ sau sẽ nhẹ dần" và "Covid-19 sẽ trở thành mầm bệnh theo mùa".

    Ý tưởng này dựa trên kinh nghiệm y tế nhiều năm đối với bệnh cúm. Hai loại virus gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cúm lợn năm 2009 đều ít nguy hiểm hơn theo thời gian. Nhiều người nhận định Omicron là dấu hiệu cho thấy đại dịch chấm dứt.

    "Biến chủng mới xuất hiện lần đầu ở Nam Phi dễ lây lan. Nhưng cũng có dữ liệu chỉ ra rằng nó gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, không làm tổn hại phổi. Tôi nghĩ đây có thể là tín hiệu cho thấy cơn ác mộng sắp kết thúc, cũng là dấu hiệu chỉ ra virus bắt đầu rút lui", ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Cơ quan Y tế Liên bang Nga, nói trên đài phát thanh Govorit Moskva.

    Theo ông Nikiforov, Omicron có thể khiến Covid-19 trở thành mầm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa thông thường. Thực tế, nhiều chuyên gia trước đó cũng ủng hộ quan điểm này.

    Monica Gandhi, bác sĩ truyền nhiễm, giáo sư y khoa tại Đại học California - San Francisco, Mỹ, nhận định virus thường tiến hóa để dễ lây lan hơn, chứ không gây tử vong nhiều hơn. "Chúng muốn có nhiều bản sao virus con, chứ không muốn giết chết vật chủ một cách dễ dàng, bởi đó không phải chiến lược khôn ngoan cho lắm", Gandhi nói.

    Dù vậy, một số nhà khoa học khác phản bác luận điểm này. Họ chỉ ra rằng trước khi thực sự suy yếu, virus cúm năm 1918 trở nên chết chóc hơn bao giờ hết. Các loại virus khác, chẳng hạn Ebola, nghiêm trọng hơn theo thời gian.

    "Tư tưởng các loại virus hoặc mầm bệnh sẽ gây bệnh nhẹ hơn theo thời gian thật sai lầm. Nếu một loại virus có thể lây lan và gây ra nhiều bệnh hơn, nó sẽ tiếp tục phát triển và tấn công con người", giáo sư David Robertson, Trưởng khoa gene và thông tin sinh học tại Đại học Glasgow, cho biết.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Bangkok, Thái Lan, ngày 5/1. Ảnh: Reuters

    Thực tế, nCoV không gây chết người ở thời điểm nó nhân lên nhiều, dễ lây nhiễm nhất. Người bệnh thường qua đời từ hai đến ba tuần sau khi khởi phát triệu chứng. Như vậy, virus sẽ giữ cho các F0 không tử vong quá sớm, đủ để lây lan thêm nhiều người khác.

    Omicron dường như ít nghiêm trọng so với Alpha hoặc Delta, song hai biến chủng này đều nguy hiểm hơn phiên bản virus ở Vũ Hán ban đầu. Bên cạnh đó, virus không tiến hóa một chiều. Omicron không phát triển từ Delta, Delta cũng không phát triển từ Alpha. Các đột biến xuất hiện ngẫu nhiên và khó dự đoán hơn thế.

    Giáo sư Robertson cho biết: "Các biến chủng đáng quan tâm này không liên hệ với nhau. Nếu mô hình đó tiếp diễn, biến chủng khác xuất hiện trong 6 tháng tới có thể còn tồi tệ hơn. Điều quan trọng là không nên cho rằng Omicron là dấu chấm hết cho sự tiến hóa của nCoV".

    Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng lây truyền của Omicron đã đạt mức trần. Như vậy, biến chủng xuất hiện trong tương lai sẽ khó cạnh tranh với nó. Song chỉ vài tháng trước, nhiều người có đánh giá tương tự về Delta.

    "Khi Omicron lây nhiễm quá nhiều người, nó sẽ mất đi lợi thế ban đầu. Đây là cơ hội để virus tạo ra các phiên bản né tránh được hệ miễn dịch", giáo sư Robertson nói.

    Nhiều chuyên gia cũng dè dặt với ý tưởng Covid-19 sẽ trở thành mầm bệnh đặc hữu, tồn tại theo mùa, tỷ lệ lây nhiễm có thể dự đoán và không nằm ngoài tầm kiểm soát.

    Stephen Griffin, phó giáo sư virus học Đại học Leeds, cho biết: "Đậu mùa, bại liệt, sốt Lassa, sốt rét là bệnh đặc hữu. Sởi và quai bị là bệnh đặc hữu, nhưng mức độ nguy hiểm của chúng phụ thuộc nhiều vào chương trình tiêm chủng. Mầm bệnh đặc hữu không hề bớt nguy hiểm".

    Khi ngày càng nhiều người có miễn dịch từ vaccine hoặc nhiễm bệnh tự nhiên, virus gây ra ít ca nặng hơn. Nhưng sau đó, nó có thể trỗi dậy. Cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng đó là tiêm chủng. Theo các chuyên gia, càng ít người nhiễm bệnh, Covid-19 càng ít cơ hội phát triển. Song thế giới chưa đạt đến giai đoạn đó.

    "Ý tưởng rằng chúng ta sắp đạt đến giai đoạn đại dịch thành dịch bệnh theo mùa có vẻ đi ngược lại với thực tế. Chúng ta vừa trải qua một tuần với F0 tăng theo cấp số nhân", ông Griffin nói.

    Việc sống chung với Covid-19 cần nhiều hơn một chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Nó đòi hỏi nỗ lực toàn cầu nhằm giám sát biến chủng, hỗ trợ các nước giải quyết ổ dịch ngay từ khi chúng bùng phát.

    Thục Linh (Theo Guardian)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 83 khách