Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Trung Quốc hứng hậu quả từ định kiến 'lao động tay chân'
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Trung Quốc hứng hậu quả từ định kiến 'lao động tay chân'

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 1 13, 2022 8:56 pm






    Zhang Cheng làm công nhân nhà máy khí đốt với mức lương cao hơn cử nhân tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn bị coi là "lao động tay chân".

    Zhang, 24 tuổi, tốt nghiệp trường nghề chuyên ngành bảo trì thiết bị hóa chất. Trong khi mọi người xung quanh ghen tị với mức lương của anh, Zhang cho biết công việc ở công ty khí đốt tại tây bắc Trung Quốc rất vất vả.

    "Tôi làm việc giữa môi trường ồn ào, có nhiều muội than, hơi nước và nồng độ oxy thấp, xung quanh tôi còn có rất nhiều chất lỏng đông lạnh, tất cả đều là những mối nguy hiểm mà người ta thường gặp phải trong ngành này", anh nói.

    Hình ảnh
    Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất các bộ phận cho đồ nội thất tại một nhà máy ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tháng 4/2020. Ảnh: Reuters.

    Dù công việc mệt nhọc và có phần nguy hiểm, mức lương của những lao động cổ cồn xanh (lao động tay chân) ở Trung Quốc không phải là thấp.

    Năm 2020, lao động nhập cư, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm lao động cổ cồn xanh của Trung Quốc, có mức thu nhập trung bình hàng tháng là 6.214 nhân dân tệ (gần 977 USD), tăng 6,2% so với năm trước đó, theo Cục Thống kê Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm ngoái, thu nhập khả dụng bình quân đầu người là 14.897 nhân dân tệ (gần 2.341 USD) mỗi năm.

    Mức lương thậm chí có thể cao hơn với lao động tự do. Gần 40% nhân viên chuyển phát nhanh, tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng có thu nhập trung bình hàng tháng trên 9.000 tệ (1.414 USD), theo báo cáo từ Trung tâm Dữ liệu Internet Trung Quốc năm 2020. Con số này cao hơn trung bình lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp đại học.

    Tuy nhiên, thu nhập tương đối hậu hĩnh không thể ngăn tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào đội ngũ cổ cồn xanh của Trung Quốc. Chính phủ ước tính Trung Quốc có thể thiếu hàng chục triệu việc làm vào năm 2025.

    Những người trong ngành cho biết một phần nguyên nhân là định kiến lâu nay ở Trung Quốc rằng lao động chân tay là công việc cấp thấp và chỉ dành cho những người có trình độ học vấn thấp. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp chọn công việc công chức ổn định dù mức lương thấp hơn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch hiện nay.

    Gần 70% doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt tình trạng thiếu lao động và 55% công ty gặp khó khăn khi tìm kiếm lao động cổ cồn xanh, theo báo cáo của công ty nhân sự China International Intellectech.

    Tháng một năm ngoái, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc cho biết trong 100 ngành nghề thiếu nhân công nhiều nhất, có tới 36 nghề được phân loại là "công nhân sản xuất và liên quan". Trong 25 ngành nghề mới của danh sách, 15 nghề liên quan trực tiếp đến sản xuất, chiếm 60%.

    Trong khi có quá nhiều người đang tìm kiếm việc làm văn phòng, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ thiếu gần 30 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, theo ước tính của Bộ Giáo dục nước này.

    Zhang Xiaorao, giám đốc trường nghề Con đường Tơ lụa, chuyên đào tạo các kỹ thuật viên cơ khí và tự động hóa, cho hay học viên của họ thường được tuyển trước cả khi tốt nghiệp, cho thấy nhu cầu cao như thế nào.

    Sinh viên thường trải qua kỳ thực tập kéo dài một năm sau hai năm học chuyên môn và các công ty phải liên hệ trước với khoa để được giới thiệu thực tập sinh mà họ cần.

    "Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của các công ty tăng mạnh sau đại dịch và giờ đây, họ đang tuyển dụng nhiều nhân viên hơn", Zhang cho hay.

    Văn hóa Nho giáo truyền thống là một nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ lịch sử dẫn đến định kiến xã hội của Trung Quốc đối với "lao động chân tay".

    "Người xưa chia công việc thành 'tam giáo, chín phái' và những người ở dưới cùng của hệ thống phân tầng này đều là lao động chân tay. Đây là quan niệm ăn sâu bén rễ trong tư duy của nhiều người Trung Quốc, họ cho rằng những công việc này là thấp kém", Zhang nói.

    Kể từ năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã miễn phí học phí, chỗ ăn ở cho học viên các trường nghề và trợ cấp 2.000 nhân dân tệ (gần 315 USD) một năm cho học viên nghèo. Theo Zhang, điều này cho thấy giới chức rất coi trọng đào tạo nghề.

    Năm ngoái, Bắc Kinh ban hành một số hướng dẫn mới nhằm giải quyết tình trạng phân biệt đối xử với học sinh tốt nghiệp từ các trường dạy nghề. Hồi tháng 10/2021, Bộ Lao động cấm các nhà tuyển dụng tuyển nhân viên chỉ dựa vào nơi học tập của người xin việc.

    Tháng 12/2021, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc cũng khuyến nghị thay đổi thuật ngữ "người có trình độ kỹ thuật" thành "nhân sự trình độ cao có trình độ kỹ thuật".

    "Thay đổi tên gọi người lao động giúp tránh được tình trạng phân biệt đối xử đối với những ngành này", Zhang cho hay.

    Liu Kai, chủ một cửa hàng sửa chữa ôtô ở Thâm Quyến, cho biết tuyển dụng công nhân trong ngành của anh ngày càng trở nên khó khăn hơn qua mỗi năm.

    "Công việc đơn điệu và giờ giấc không ổn định là lý do chính khiến những người trẻ ngại nhận công việc thợ máy", ông nói. "Họ phải lặp lại một số công việc tẻ nhạt mỗi ngày, không có ngày nghỉ cố định, giờ làm việc hàng ngày là khoảng 12 tiếng. Người trẻ ngày nay nói chung không muốn chịu vất vả như vậy".

    Họ thường phải mất nhiều năm học hỏi kinh nghiệm trước khi trở thành một kỹ thuật viên lành nghề hoặc chuyên viên. "Nhưng người trẻ ngày nay hiếm khi sẵn sàng gắn bó với công việc như thế, họ có xu hướng thi công chức hay xin vào làm việc trong môi trường thoải mái", ông cho biết.


    Vũ Hoàng (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 70 khách