Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
NATO xích lại gần nhau trước nỗi sợ Nga
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    NATO xích lại gần nhau trước nỗi sợ Nga

    by VietNews » Thứ 7 Tháng 1 15, 2022 10:19 am







    Các thành viên NATO đang trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga, đặc biệt sau khủng hoảng Ukraine.

    Sau khi Liên Xô tan rã, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành một liên minh mất đi mục tiêu hoạt động. Một số ý kiến cho rằng nếu không "vượt khỏi phạm vi", đi ra ngoài châu Âu, NATO sẽ không còn lý do để tồn tại.

    Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 đã làm sống lại vai trò trung tâm của NATO như một đối trọng với Moskva. Tuy nhiên, liên minh quân sự lớn nhất toàn cầu hiện nay vẫn không thoát khỏi cảnh bị mất dần ảnh hưởng, thiếu mục đích và chia rẽ.

    Hình ảnh
    Binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận Mũi tên Pha lê ở Adazi, Latvia, hồi tháng ba năm ngoái. Ảnh: Reuters.

    Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần chế nhạo và đe dọa rút Mỹ khỏi NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng than vãn rằng NATO đã "chết não". Liên minh châu Âu (EU) thì liên tục thúc ép NATO cần đạt được "tự chủ chiến lược", giảm phụ thuộc vào Washington.

    Nhưng những yêu cầu an ninh và rủi ro mới phát sinh từ Nga, đặc biệt là sau khi Tổng thống Vladimir Putin điều động quân đội tới sát biên giới Ukraine, đã đưa NATO xích lại gần nhau để cùng hướng tới một nhiệm vụ căn bản: Đối đầu với Moskva.

    Trong 8 đề xuất an ninh được đưa ra gần đây, Tổng thống Putin yêu cầu NATO phải ngừng mở rộng và rút lực lượng đồng minh khỏi các quốc gia thành viên giáp biên giới với Nga. Đề xuất này làm dấy lên lo ngại về một "tường thành" được dựng lên ngăn Nga với phần còn lại của châu Âu, buộc NATO phải cùng dốc sức ứng phó. Đây có thể chính là "chất xúc tác" mà NATO đang rất cần để chứng tỏ vai trò, giới quan sát đánh giá.

    "NATO cần động lực và phần lớn động lực được tạo ra bởi cảm giác bị đe dọa và sợ hãi", Andrea Kendall-Taylor, cựu sĩ quan tình báo hiện công tác tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho hay.

    Sau thất bại của chiến dịch quân sự tại Afghanistan năm ngoái và tranh cãi giữa Pháp với Australia liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS, "tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng liên minh đang tồn tại những vấn đề nghiêm trọng và chúng tôi cần suy nghĩ lại về nền tảng của mối quan hệ này".

    Nhưng trong các cuộc hội đàm tuần qua với Nga, các lãnh đạo NATO đã có tiếng nói thống nhất hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với một liên minh 30 thành viên có cam kết phòng thủ tập thể ngày càng bị nghi ngờ.

    Hình ảnh
    Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin hồi tháng trước. Ảnh: NY Times.

    Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko thậm chí còn cảnh báo NATO về "chính sách kiềm chế" Moskva, nhấn mạnh rằng "tự do lựa chọn không tồn tại trong quan hệ quốc tế", ngụ ý Ukraine sẽ không thể tùy ý gia nhập NATO, phớt lờ những quan ngại của Nga.

    Các cuộc thảo luận gợi nhớ về thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng cùng lúc nó cũng nhắc nhở đồng minh châu Âu và Mỹ về mục đích của NATO.

    "Mục tiêu răn đe Nga nằm trong gene của NATO, bởi Nga có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu với các quốc gia châu Âu", Anna Wieslander, chủ tịch Viện An ninh và Phát triển Thụy Điển, nhận xét.

    Chuyên gia Wieslander còn cho rằng Nga đang cố gắng làm suy yếu mối gắn kết của NATO bằng cách can thiệp vào các cuộc bầu cử, mạng xã hội, quốc hội... Moskva luôn bác bỏ các cáo buộc can thiệp này.

    "NATO gồm các quốc gia thành viên và mối quan hệ đồng minh tạo nên khối này", Sophia Besch, nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm Cải cách châu Âu, bình luận. "Nó không thể ngừng hoạt động vì chúng tôi không cho phép điều đó xảy ra và chúng tôi đã thay đổi lý do tồn tại của liên minh hướng đến những mối quan tâm chiến lược hiện hữu".

    Trong lịch sử của mình, NATO thường xuyên đối mặt với câu hỏi sự tồn tại của khối là câu trả lời cho vấn đề gì. Theo Besch, NATO "đã thay đổi câu hỏi suốt những năm qua để biến khối thành câu trả lời. Hiện tại, chúng tôi lại trở về với câu hỏi cũ, nơi NATO cảm thấy dễ trả lời hơn".

    Giờ đây, NATO đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia giáp biên giới với Nga, như các nước vùng Baltic và Ba Lan.

    Nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại giống như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của NATO nói chung, chứ không chỉ mối quan hệ song phương giữa NATO với Mỹ, Piotr Buras, người đứng đầu văn phòng Hội đồng Đối ngoại châu Âu ở Warsaw, Ba Lan, đánh giá. Ukraine cho thấy họ rất dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ Nga có lẽ chính bởi nước này không phải thành viên NATO.

    "Ở Ba Lan, người ta lo ngại NATO sẽ mất tập trung vào các mối đe dọa an ninh từ Nga, nhưng vào lúc này, đây rõ ràng là khuôn khổ duy nhất có thể bảo vệ chúng tôi và cung cấp an ninh lâu dài", Buras cho biết.

    Cũng có những mối lo lắng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong nỗ lực nhằm ổn định mối quan hệ với Nga để dồn lực cho cuộc cạnh tranh siêu cường với Trung Quốc, sẽ lấy việc rút lực lượng NATO ở Ba Lan và vùng Baltic, vốn được triển khai sau năm 2014, ra làm quân bài mặc cả với Moskva.

    "Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ nhượng bộ trước yêu cầu của Nga bằng cách đánh đổi các nguyên tắc cơ bản của NATO", như chính sách mở cửa cho bất cứ nước nào muốn gia nhập và quyền triển khai lực lượng ở bất kỳ quốc gia thành viên nào, Buras nói. Dù vậy, theo ông, cuộc khủng hoảng hiện tại "là hệ quả rõ ràng bắt nguồn từ nỗ lực xoay trục sang châu Á của Mỹ và Nga nhận ra rằng họ có thể tận dụng lợi thế khi Mỹ định hướng lại các lợi ích an ninh cơ bản".

    Theo Ivo Daalder, trước các mối đe dọa từ Nga, NATO hiện tại trở về giống như quá khứ với Mỹ là "keo dán, cốt lõi, lãnh đạo không thể thiếu" của liên minh, đưa các đồng minh lại với nhau, đề ra "chiến lược mà chúng ta sẽ theo đuổi".

    Hình ảnh
    Lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO tại một hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Brussels, Bỉ, hồi năm ngoái. Ảnh: NY Times.

    Điều đặc biệt là hơn 70 năm sau khi NATO thành lập, "châu Âu dường như không có bất kỳ chiến lược độc lập hay quan điểm nào khác với những gì Washington đưa ra", Daalder nói. NATO chắc chắn có chia rẽ "nhưng tất cả đều được giải quyết, ít nhất ở hiện tại".

    Chưa rõ mối đoàn kết này có thể duy trì không nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine, Kadri Liik, nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu ở Berlin, Đức, cho hay. Bà nhận thấy châu Âu dường như không muốn chấp nhận rằng thế giới đang chuyển dịch.

    "Công chúng chưa sẵn sàng cho bất kỳ thay đổi nào đối với trật tự mà chúng tôi đã chung sống suốt 30 năm qua", bà nói. "Mọi người vẫn nghĩ rằng chúng tôi có thể trừng phạt Nga để ép họ tuân theo trật tự an ninh châu Âu".

    Nhưng Mỹ đang dẫn dắt thế giới theo cách khác so với trước đây, Liik nhận định. "Tôi chỉ không chắc rằng chúng ta có thể tiếp tục sống trong một thế giới với các quy tắc, chuẩn mực cũ và mong đợi Mỹ thực thi chúng hay không", bà nói.

    Điều này cũng áp dụng cho cả Nga và châu Âu. "Chúng ta đang dần quay lại với một thế giới đối đầu giữa các hệ thống có quan điểm khác nhau về tuân thủ quy tắc cũng như sử dụng sức mạnh và vũ lực", Liik nhận định.

    Kendall-Taylor tin rằng Tổng thống Putin đã nhìn thấy cơ hội tận dụng điểm yếu của một liên minh xuyên Đại Tây Dương đang lung lay, một châu Âu bị chia rẽ và một nước Mỹ phân cực.

    Các thành viên NATO là một khối thống nhất, nhưng chưa được kiểm chứng qua thử thách thực sự, bà nhận xét. "Còn quá sớm để tuyên bố rằng tinh thần đoàn kết của NATO đã được khôi phục, bởi Nga trên thực tế vẫn chưa làm gì cả. Đây giống như khoảnh khắc bình yên trước cơn bão hơn".


    Vũ Hoàng (Theo NY Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 54 khách