Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Biden dốc sức bảo vệ thành tựu một năm nhiệm kỳ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Biden dốc sức bảo vệ thành tựu một năm nhiệm kỳ

    by VietNews » Thứ 7 Tháng 1 22, 2022 11:32 pm







    Đội ngũ ngoại giao của Tổng thống Biden đang gia tăng nỗ lực nhằm nhấn mạnh những thành tích nổi bật của ông trong một năm thách thức vừa qua.

    Thông điệp cơ bản của Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken và đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield trong một loạt sự kiện công khai là chính quyền mới đã gặp rất nhiều khó khăn với những gì người tiền nhiệm Donald Trump để lại, nhưng vẫn đạt được những thành tựu quan trọng.

    Hình ảnh
    Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp tại Nhà Trắng hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

    "Bạn hỏi về thất bại của chúng tôi, nhưng qua hơn 35 năm trong ngành ngoại giao, tôi học được rằng chỉ có cấp trên mới yêu cầu cho họ biết những điểm yếu của tôi. Tôi không phải người sẽ cho bạn biết những thất bại của chúng tôi", đại sứ Thomas-Greenfield nói hôm 20/1. "Nhưng một lần nữa, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có hàng loạt bước tiến to lớn, bất chấp những thách thức phải đối mặt khi Tổng thống Biden nhậm chức vào ngày 20/1 năm ngoái".

    Chính quyền Biden đang nỗ lực bảo vệ thành tựu của mình trong năm đầu nhiệm kỳ trước những chỉ trích ngày càng tăng rằng họ thậm chí còn thất bại trong việc đưa ra thông điệp, chứ chưa nói đến thực thi.

    Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra bài phát biểu về chính sách đối ngoại quan trọng ở Berlin, Đức, ngày 20/1, Tổng thống Biden có một cuộc họp báo hiếm hoi kéo dài hai giờ hôm 19/1 và Đại sứ Thomas-Greenfield đã xuất hiện ba lần trong vòng 48 giờ để nói chuyện với một hãng tin, một nhóm tư vấn và cộng đồng doanh nghiệp.

    Điều này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden, với cam kết mang lại kinh nghiệm, sự ổn định và chính sách bài bản, đang đối diện hàng loạt thất bại.

    Tâm lý bất bình trong công chúng được thể hiện rõ qua mức tín nhiệm của Biden. Theo một cuộc khảo sát do Quinnipiac thực hiện mới đây, tỷ lệ ủng hộ ông sau 12 tháng lãnh đạo đất nước đã rơi xuống mức 35%, bằng với người tiền nhiệm Trump và là mức tín nhiệm tổng thống thấp nhất trong 7 thập kỷ qua ở Mỹ.

    "Họ đang cố gắng khắc họa rằng năm ngoái thành công hơn những gì công chúng thấy. Nhiều quan chức chính quyền nói cùng một điều nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng và hướng dư luận khỏi những kết quả gây nản lòng", Brett Bruen, chuyên gia về quản lý khủng hoảng quốc tế, nhận xét.

    Chính quyền Biden khẳng định trong một năm qua, họ đã đạt được nhiều thành tựu hơn so với 4 năm Trump dẫn dắt đất nước. Những thành tựu đó gồm thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD, giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,9% và tiêm chủng đầy đủ cho 3/4 người Mỹ trưởng thành.

    Tổng thống Biden còn đưa Mỹ kết nối trở lại với thế giới, khắc phục mối quan hệ nhiều sứt mẻ với các đồng minh thời Trump, tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), củng cố quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

    Một số người thực sự cho rằng thành tựu Biden đạt được tốt hơn đáng kể so với mức tín nhiệm của ông. "Người Mỹ rất thiếu kiên nhẫn. Họ kỳ vọng rằng bạn chỉ cần bật một công tắc thì chuỗi cung ứng sẽ ổn định, Covid-19 kết thúc và lạm phát được kiềm chế", Richard Levick, lãnh đạo công ty quan hệ công chúng Levick cho biết. "Tôi nghĩ lịch sử sẽ ủng hộ Tổng thống Biden".

    Dù vậy, hầu hết người dân Mỹ, vốn mệt mỏi sau hai năm sống chung với đại dịch và đối mặt với lạm phát gia tăng do chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị gián đoạn, đều cảm thấy những gì chính quyền Biden làm là chưa đủ.

    "Tôi biết người dân đang rất mệt mỏi và thất vọng", Biden nói với các phóng viên, nhấn mạnh vào đại dịch Covid-19. "Đây là điều gây lo lắng nhưng không phải lý do khiến ta hoảng loạn. Chúng tôi đã làm mọi việc trong khả năng, học hỏi và thích nghi nhanh nhất có thể và chuẩn bị cho một tương lai không chỉ có đại dịch".

    Mùa xuân năm ngoái, Biden phát đi tín hiệu cho thấy Mỹ đang chuyển hướng tập trung và nguồn lực từ châu Âu, Trung Đông sang châu Á. Tuy nhiên, chiến lược này bị ảnh hưởng khi các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác trên thế giới tiếp tục thu hút chú ý của Mỹ, đặc biệt là mối lo ngại Nga động binh tấn công Ukraine.

    Chính quyền Biden cho biết họ không rõ liệu Bắc Kinh có đồng tình với Moskva về cuộc khủng hoảng Ukraine hay không. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá Trung Quốc luôn thể hiện lập trường không can thiệp vào công việc của quốc gia khác và nhiều khả năng sẽ không bày tỏ ủng hộ nếu Nga động binh với Ukraine.

    "Tôi hy vọng họ sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng", Thomas-Greenfield nói với Phòng Thương mại Mỹ. "Vì vậy, kỳ vọng của tôi là Trung Quốc đang âm thầm đối thoại với Nga để ngăn Moskva có hành động quân sự với Kiev".

    Quyết định của Biden rút quân khỏi Afghanistan phục vụ mục tiêu đúng đắn là kéo Mỹ khỏi "cuộc chiến bất tận", nhưng cách thực hiện lại gây nhiều thất vọng. Một số nhà phân tích cho rằng hành động rút quân có thể làm giảm niềm tin của các đồng minh về những cam kết do Washington đưa ra.

    Dù Biden luôn muốn làm nổi bật khác biệt trong chính sách với người tiền nhiệm, chiến lược đối phó Trung Quốc của ông lại duy trì nhiều ưu tiên thời Trump. Dưới thời Biden, Washington và Bắc Kinh có ít bình luận chỉ trích lẫn nhau hơn, nhưng quan hệ song phương vẫn ở tình trạng đóng băng và căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

    Các biện pháp trừng phạt thương mại mà nhiều nhà kinh tế cho rằng cũng gây tổn hại cho Mỹ không kém gì Trung Quốc vẫn được duy trì khi Bắc Kinh cho thấy họ không tuân thủ các cam kết của mình theo thỏa thuận giai đoạn một giữa đôi bên. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tính đến tháng 11, Trung Quốc chỉ mua khoảng 60% hàng hóa Mỹ so với những gì họ hứa trong năm ngoái.

    Một số người cho rằng Biden đã đạt được bước tiến khi tập hợp được các đồng minh nhằm đối đầu với Trung Quốc và thiết lập một thỏa thuận quốc phòng mới với Australia và Anh.

    "Tôi sẽ cho chính quyền điểm cộng về cách họ xử lý vấn đề Trung Quốc", Bruen nói. "Về mặt nào đó, Trung Quốc đã trở thành điểm sáng trong chính sách đối ngoại của chính quyền, đạt được những gì họ chưa thể làm ở những nơi khác".

    Mặt khác, chính quyền Biden hiện cũng đau đầu với những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đang bế tắc.

    Bruen, người từng công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, cho rằng chính quyền Biden cần thể hiện tốt hơn thông điệp về một quốc gia đang thay đổi.

    "Lời nói của Mỹ hiện giờ không giống như trước đây, nó không vang dội, khiến đối thủ e dè hay đồng minh nức lòng", ông nói. "Họ tiếp tục đưa ra nhiều giả định về cách mọi thứ sẽ diễn ra, mọi thứ sẽ có kết cục như thế nào, điều đó không phản ánh thực tế của thế giới hiện tại".


    Vũ Hoàng (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 61 khách