Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
'Cổng địa ngục' cháy suốt nửa thế kỷ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    'Cổng địa ngục' cháy suốt nửa thế kỷ

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 1 25, 2022 5:19 pm







    Trong khi nhiều người cho rằng địa ngục chỉ là khái niệm trừu tượng, người dân Turkmenistan thực sự có "Cổng địa ngục" cháy không ngừng từ những năm 1970.

    Được truyền thống nhà nước nhắc đến với cái tên chính thức là "Ánh sáng của Karakum", hố khí gas nằm ở sa mạc Karakum cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan gần 260 km. "Cổng địa ngục" có chiều rộng hơn 70 m và sâu hơn 21 m.

    Dù đây được xem là một điểm du lịch nổi tiếng, dòng khí metan cháy liên tục đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của cư dân địa phương và động vật hoang dã. Tổng thống Turkmenistan hồi đầu tháng lại ra lệnh tìm cách đóng "Cổng địa ngục" sau nhiều năm chưa tìm được giải pháp.

    Nguồn gốc

    Ánh sáng từ ngọn lửa cháy liên tục của hố khí gas có thể nhìn thấy từ cách đó hàng km và là cảnh tượng quen thuộc đối với với 350 dân làng sống ở Darvaza.

    Những nhà địa chất Liên Xô vô tình tạo ra "Cổng địa ngục" Darvaza giữa lúc Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Họ tin rằng nơi đây có rất nhiều dầu mỏ và đưa giàn khoan đến. Bên dưới địa điểm mà họ khoan vào năm 1971 là một hố khí tự nhiên khổng lồ, nằm dưới một tầng đất mỏng.

    Hình ảnh
    Hố khí ga Darzava ở sa mạc Karakum, Turkmenistan. Ảnh: AFP.

    Khi các nhà địa chất bắt đầu khoan, lớp vỏ mỏng nhanh chóng vỡ ra vì không thể chịu được trọng lượng của máy móc. Mặt đất dần sụp đổ như hiệu ứng domino và một miệng hố khổng lồ xuất hiện trên sa mạc Karakum. Các nhà địa chất nhanh chóng nhận ra họ gặp rắc rối.

    "Cổng địa ngục" không chỉ nuốt chửng các thiết bị khoan mà còn khiến khí đốt liên tục bị rò rỉ. Dù khí thoát ra chủ yếu là metan không độc hại, nó vẫn có thể gây khó thở. Động vật hoang dã trên sa mạc Karakum nhanh chóng bị ảnh hưởng và bắt đầu chết dần.

    Ngoài ra, khí metan rất dễ cháy. Không khí chỉ chứa 5% khí metan cũng có thể gây ra một vụ nổ lớn. Do đó, lượng khí metan lớn của "Cổng địa ngục" có thể khiến khu vực này rất dễ đối mặt với thảm họa nghiêm trọng. Các chuyên gia nhanh chóng quyết định hành động.

    Họ sử dụng phương pháp đốt có kiểm soát với hy vọng có thể loại bỏ lượng khí dư thừa, cách thức quen thuộc trong khai thác khí tự nhiên. Các nhà địa chất cho rằng lượng khí sẽ bị đốt xong trong vài tuần. Nhưng họ đã không lường được lượng khí phải xử lý lớn như thế nào. Phương pháp của họ đã dẫn đến một "Cổng địa ngục" cháy không ngừng trong hơn nửa thế kỷ qua.

    Điểm du lịch

    Năm 2010, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedow yêu cầu các nhà địa chất và cơ quan chức năng liên quan tìm cách dập tắt ngọn lửa.

    Là lãnh đạo quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên cao thứ năm toàn cầu, Berdymukhamedov lo ngại ngọn lửa dai dẳng sẽ cản trở quá trình khai thác các mỏ khí đốt khác, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu nhập của Turkmenistan.

    Nhưng các nhà địa chất không thể tìm ra cách dập tắt ngọn lửa. "Cổng địa ngục" kể từ đó trở thành một điểm thu hút khách du lịch, với một khu cắm trại gần đó để mọi người có thể đi bộ đến gần miệng hố gas.

    Trong khi đó, những người dân địa phương cho biết một trong những thú tiêu khiển là xem những con nhện rơi xuống "Cổng địa ngục" và bốc cháy. Năm 2013, nhà thám hiểm Canada George Kourounis đã có quyết định gây sốc khi nhảy xuống hố khí gas cùng bộ đồ chống nhiệt.

    "Cổng địa ngục giống như một hành tinh khác. 4 bề rực cháy. Mọi thứ đều tỏa ra ánh sáng màu cam từ ngọn lửa. Khí độc có ở khắp nơi", ông nói.

    Dù hố khí gas Darvaza trở thành điểm du lịch hấp dẫn, ngành công nghiệp này của Turkmenistan vẫn phát triển hạn chế. Du lịch đến Turkmenistan không phải chuyện dễ dàng, khi du khách cần có thị thực đặc biệt do công ty du lịch hỗ trợ.

    Giờ đây, với những lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của con người và động vật, Tổng thống Turkmenistan một lần nữa muốn dập tắt ngọn lửa này.

    Nỗ lực đóng "Cổng địa ngục"

    Tổng thống Berdymukhamedov, lần đầu đắc cử năm 2006, đã dành 15 năm để xây dựng các tòa nhà chính phủ khổng lồ, các tượng đài và sân bay mới ở thủ đô Ashgabat. Trước khi Covid-19 xuất hiện, số lượng khách du lịch nước ngoài cũng chỉ ở mức vài chục nghìn người. Người dân địa phương nhiều năm qua mong muốn đóng "Cổng địa ngục".

    Nhưng vào năm 2019, Berdymukhamedov một lần nữa khiến hố khí gas Darvaza trở thành tâm điểm chú ý, khi ông lái xe quanh "Cổng địa ngục" để dập tắt tin đồn đã qua đời. Tuy nhiên, Tổng thống Berdymukhamedov sau đó xem xét vấn đề đóng hố khí gas một cách nghiêm túc hơn.

    Trong lần xuất hiện trên truyền hình ngày 8/1, Berdymukhamedov cho biết ông đã ra lệnh cho các chuyên gia một lần nữa "tìm cách dập ngọn lửa". Lãnh đạo Turkmenistan khẳng định cần hợp tác quốc tế để giải quyết và các chuyên gia tư vấn nước ngoài luôn sẵn lòng giúp đỡ.

    "Chúng ta đang thất thoát nguồn tài nguyên quý giá, đáng lẽ có thể mang về lợi nhuận rất lớn cho đất nước và có thể cải thiện đời sống người dân", Tổng thống Turkmenistan nhấn mạnh.

    Tuy nhiên, chính phủ Turmenistan tới nay chưa đưa ra kế hoạch cụ thể để dập tắt hố khí gas ở Darvaza. Và nếu không thể tìm ra giải pháp, "Cổng địa ngục" có thể sẽ tiếp tục cháy cho đến khi hết khí metan, dù các nhà khoa học không biết nó sẽ kéo dài bao lâu.


    Thanh Tâm (Theo ATI)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 78 khách