Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Lý do lãnh đạo Ukraine bình thản trước Nga
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Lý do lãnh đạo Ukraine bình thản trước Nga

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 1 28, 2022 9:42 pm







    Bất chấp cảnh báo từ phương Tây về nguy cơ chiến tranh, giới chức Ukraine tỏ ra bình thản, dường như nhằm ổn định nội bộ và tránh kích động Nga.

    Nga hôm 25/1 thông báo diễn tập bắn đạn thật ở bán đảo Crimea và khu vực phía nam gần Ukraine, huy động toàn bộ các loại máy bay, sư đoàn tên lửa, cùng những nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen và Hải đội Caspi.

    Tuần trước, Nga cũng thông báo điều khoảng 10.000 binh sĩ từ toàn bộ 4 hạm đội tham gia tập trận đồng thời trên các vùng biển. Các đơn vị quân đội Nga cũng hiện diện ngày càng nhiều gần biên giới Ukraine, với ảnh vệ tinh cho thấy những đoàn xe tăng phủ đầy tuyết dọc theo biên giới.

    Nhà Trắng đánh giá Nga giờ đây "bất cứ lúc nào cũng có thể phát động tấn công Ukraine", trong khi NATO đặt lực lượng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đang nỗ lực chuẩn bị nguồn cung khí đốt và dầu thô từ Trung Đông, Bắc Phi và châu Á cho châu Âu, nhằm đề phòng tình huống Nga cắt nguồn cung năng lượng cho châu lục trong mùa đông.

    Tuy nhiên, bất chấp căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây, giới chức Ukraine dường như đang nỗ lực tạo ra bầu không khí bình tĩnh, dù cơ quan tình báo quân đội của chính nước này nhận định hiện có ít nhất 127.000 binh sĩ Nga ở biên giới, nhiều hơn đáng kể so với số lượng được triển khai đầu năm ngoái. Con số này còn chưa bao gồm lực lượng Nga được điều tới tập trận ở Belarus, quốc gia láng giềng phía bắc Ukraine.

    Hình ảnh
    Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến tại thành phố Avdiivka hôm 23/1. Ảnh: NY Times.

    Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 24/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tỏ ra thắc mắc lý do dư luận ồn ào về những diễn biến gần đây. "Hôm nay, ngay tại thời điểm này, chưa có một nhóm tác chiến nào thuộc lực lượng vũ trang Nga được thành lập, chứng minh thực tế là ngày mai họ sẽ không tiến đánh. Đó là lý do tôi đề nghị mọi người đừng gieo rắc hoảng loạn", ông nói.

    Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết họ coi hành động rút thân nhân các nhà ngoại giao cùng nhân viên không thiết yếu tại đại sứ quán ở Kiev về nước của Mỹ là "quá vội vàng và thể hiện sự thận trọng quá mức". Trong khi đó, Oleksii Danilov, thư ký hội đồng an ninh quốc gia Ukraine, cáo buộc một số quốc gia và hãng truyền thông phương Tây đang phóng đại mối đe dọa vì mục đích địa chính trị.

    "Những chuyện này có gì mới ư? Đây chẳng phải là thực tế suốt 8 năm qua hay sao?", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt câu hỏi trong phát biểu trước toàn quốc tuần trước.

    "Có những tín hiệu từ lãnh đạo đáng kính của các quốc gia rằng ngày mai có thể xảy ra chiến tranh. Đó là cơn hoảng loạn, đất nước chúng ta sẽ phải trả giá bao nhiêu cho nó?", Tổng thống Zelensky nói trong cuộc họp báo ngày 28/1. "Rủi ro lớn nhất với Ukraine là bất ổn trong nước. Chúng tôi không cần cơn hoảng loạn này".

    Giới phân tích đánh giá có nhiều lý do dẫn đến thông điệp bất nhất giữa giới chức Ukraine và phương Tây. Bình luận viên Michael Schwirtz của NY Times chỉ ra rằng Tổng thống Zelensky phải khéo léo lựa chọn thông điệp sao cho vẫn duy trì được nguồn viện trợ từ phương Tây nhưng trấn an được người dân Ukraine và không khiêu khích Nga.

    Nhiều chuyên gia nhận định sau 8 năm căng thẳng với Nga, người Ukraine giờ đây đơn giản là nhìn nhận mối đe dọa khác với các đồng minh phương Tây, chấp nhận thực tế rằng mâu thuẫn với Nga sẽ luôn tồn tại. Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, trong khi lực lượng dân quân do Nga hậu thuẫn đòi ly khai tại hai tỉnh Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine. Hơn 13.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài.

    "Chúng tôi hiểu những kế hoạch và ý định của Nga. Đối với chúng tôi, kêu gào vì sợ hãi là điều không cần thiết", Danilov cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 24/1.

    Danilov cùng những quan chức khác trong chính phủ Ukraine đánh giá gieo rắc hoảng loạn và xáo trộn trong xã hội Ukraine cũng là một phần trong chiến lược của Nga. Vì vậy, động thái thể hiện nỗi lo ngại, ngay cả khi có cơ sở, chỉ trao cho đối phương chiến thắng trước khi bất cứ phát đạn nào được khai hỏa.

    "Mục tiêu số một của Nga là phá hoại tình hình nội bộ tại đất nước chúng tôi. Thật không may, hiện nay họ đang thành công. Nhiệm vụ của chúng tôi là thực hiện công việc của mình trong bầu không khí bình tĩnh và cân bằng", Danilov nhận định.

    Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Ukraine cách đây ba năm, Zelensky đã theo đuổi cách tiếp cận ôn hòa để ứng phó Nga. Maria Zolkina, nhà phân tích chính trị thuộc nhóm cố vấn Tổ chức Sáng kiến Dân chủ tại Kiev, đánh giá chiến lược này dường như đã mang lại một số lợi ích. Tuy nhiên, trước cuộc khủng hoảng mới, chính sách đó có thể gây cảm giác yếu đuối.

    "Hiện nay, khi kịch bản Nga có thể tiến vào Ukraine hoặc tung đòn tấn công phi truyền thống nào đó thực sự hiện hữu, cách xử lý của Zelensky là một chiến lược thất bại với Ukraine. Phương Tây đang đàm phán mà không có Ukraine tham gia", Zolkina nêu quan điểm.

    Hình ảnh
    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (cầm mũ bảo hiểm) thăm tiền tuyến tại tỉnh Donetsk hồi tháng 12/2021. Ảnh: Cơ quan Báo chí của Tổng thống Ukraine.

    Thực tế cũng cho thấy không phải mọi người dân Ukraine đều đồng tình với cách tiếp cận hiện nay của chính phủ. Cuối tuần trước, các lãnh đạo thuộc phe đối lập, vốn thường xuyên thể hiện thái độ gay gắt, đề nghị Zelensky ngừng kêu gọi bình tĩnh và tiến hành chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh xảy ra.

    Nhiều nghị sĩ từ các đảng khác nhau, cùng cựu tổng thống, thủ tướng và ngoại trưởng Ukraine, cũng ký một tuyên bố chung yêu cầu Tổng thống điều động lực lượng để đối đầu "mối đe dọa chết chóc từ Nga đang rình rập Ukraine".

    "Zelensky cho rằng mức tín nhiệm của ông ấy sẽ giảm nếu khiến người dân Ukraine hoảng sợ. Trong trường hợp Nga tiến đánh, chúng ta phải gạt vấn đề chính trị và mức tín nhiệm sang một bên, bởi tôi không chắc chúng ta còn cơ hội bầu cử quốc hội hoặc tổng thống tiếp theo hay không", Arseniy Yatsenyuk, người giữ chức thủ tướng Ukraine khi xung đột với phe ly khai bùng nổ ở miền đông năm 2014, cho biết.

    Nhiều người dân Ukraine được cho là đang chuẩn bị tinh thần, dù những dấu hiệu huy động toàn lực không quá rõ ràng. Trên khắp đất nước, hàng nghìn người đã đăng ký học kỹ năng chiến đấu trong những lớp do chính phủ và các nhóm bán quân sự tư nhân tổ chức. Mục tiêu mà họ nhắm tới là xây dựng một lực lượng dân quân đủ khả năng nổi dậy trong trường hợp quân chính quy Ukraine thất thủ.

    Tại thành phố Chernihiv, cách Kiev khoảng hai giờ lái xe về phía bắc và được cho là nằm trên đường tiến quân nếu Nga tiến đến thủ đô của Ukraine, một số cư dân bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ hành động nhiều hơn để sẵn sàng ứng phó với kịch bản bị tấn công.

    "Tổng thống và chính phủ hoàn toàn không thấy mối đe dọa nào. Nhưng nếu chiến tranh nổ ra, toàn bộ người dân sẽ đoàn kết lại thành một thể thống nhất", Lyudmila Sliusarenko, giáo viên về hưu 73 tuổi, nêu ý kiến.


    Ánh Ngọc (Theo NY Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 52 khách