Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Diễn văn của Tổng thống Ukraine đẩy ông Biden vào thế khó
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Diễn văn của Tổng thống Ukraine đẩy ông Biden vào thế khó

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 3 17, 2022 8:18 am






    Phát biểu trước quốc hội Mỹ, Zelensky kêu gọi Tổng thống Biden hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Ukraine, song đáp ứng yêu cầu của ông không phải điều dễ dàng.

    Chưa một lãnh đạo nước ngoài nào có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ giống như diễn văn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 16/3. Ngắn gọn trong câu từ, mạnh mẽ trong ý tứ, gây xúc động trong video minh họa, Zelensky trực tiếp kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden phải hành động quyết liệt hơn nữa nhằm giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở nước này.

    Những gì Tổng thống Zelensky yêu cầu không mới: Thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Ukraine nhằm ngăn cản hoạt động của không quân Nga. Dù lời kêu gọi này không gây bất ngờ, sức mạnh trong thông điệp cũng như cách ông đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của Tổng thống Mỹ được đánh giá là một bước tiến so với trước đây. Tuy nhiên, nó cũng đặt ông chủ Nhà Trắng vào thế khó, theo giới quan sát.

    Hình ảnh
    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước quốc hội Mỹ ngày 16/3. Ảnh: AP.

    Theo bình luận viên Dan Balz của Washington Post, mục đích của Zelensky trong bài phát biểu này là kêu gọi viện trợ càng nhiều càng tốt, nhấn mạnh vai trò của ông với tư cách là lãnh đạo một quốc gia đang đối mặt với xung đột, nhưng không phải là thành viên NATO và đang cảm thấy đơn độc.

    Trong phần đầu của bài phát biểu 17 phút, Zelensky nói thông qua phiên dịch, nhưng kết thúc diễn văn, ông chuyển sang sử dụng tiếng Anh để chuyển thông điệp trực tiếp tới Tổng thống Biden nhằm tăng sức nặng: "Ngài là lãnh đạo của một quốc gia tuyệt vời. Tôi mong ngài có thể trở thành lãnh đạo của thế giới. Trở thành lãnh đạo của thế giới có nghĩa là trở thành lãnh đạo của hòa bình".

    Tuy nhiên, Balz cho rằng vai trò của Tổng thống Biden rất khác. Qua nhiều tháng ngoại giao, Biden và các cố vấn của ông đã thuyết phục được các đồng minh ủng hộ những chính sách trừng phạt cứng rắn áp đặt lên Nga nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine. Các quốc gia thành viên NATO cũng đã gửi và tiếp tục chuyển hàng tỷ USD vũ khí cho quân đội Ukraine.

    Nhưng với tư cách lãnh đạo của liên minh này, Tổng thống Biden buộc phải cân bằng giữa nhu cầu của Ukraine với nỗ lực giữ đoàn kết trong liên minh. Quan trọng hơn, mục tiêu của ông là hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhiều nhất có thể mà không gây ra một cuộc chiến tranh thế giới khác. Ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ không can dự trực tiếp vào chiến sự ở Ukraine.

    Vì lý do đó, Biden đã liên tục phản đối đề xuất lập vùng cấm bay và chuyển giao tiêm kích từ thành viên NATO cho Ukraine, ngay cả khi ông cam kết hỗ trợ Kiev nhiều vũ khí hiện đại.

    Việc ông Zelensky phát biểu trước quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ gây thêm áp lực lên Tổng thống Biden, buộc ông phải tìm cách làm nhiều hơn nữa. Nó cũng có thể góp phần định hướng chương trình nghị sự cho cuộc họp NATO mà Tổng thống Biden sẽ tham dự vào tuần tới ở châu Âu.

    Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã mô tả Tổng thống Zelensky "dường như là nhà vận động hành lang quyền lực nhất thế giới hiện tại". Điều này được chứng minh khi Tổng thống Biden tuyên bố viện trợ thêm 800 triệu USD cho Kiev chỉ vài giờ sau bài phát biểu của lãnh đạo Ukraine trước quốc hội Mỹ.

    Đây không phải tất cả những gì Zelensky muốn, nhưng được coi là hành động công nhận khí chất và khả năng lãnh đạo của ông. Từ giờ, những người từng tuyên bố ủng hộ Ukraine sẽ phải tích cực hơn, chủ động hơn và không còn chỗ cho sự thờ ơ, bình luận viên Balz nhận xét.

    Để đạt được điều đó, Zelensky đã biết cách điều chỉnh thông điệp của mình cho phù hợp với đất nước và khán giả mà ông muốn hướng tới, dù bài phát biểu trước quốc hội Mỹ không khác nhiều so với những diễn văn mà ông từng đưa ra kể từ khi xung đột bùng phát.

    Mặc chiếc áo phông kiểu quân đội màu xanh ô liu, Tổng thống Ukraine ngồi vào bàn và nhìn thẳng vào máy quay, đề cập đến cuộc tập kích Trân Châu Cảng đã kéo Mỹ vào Thế chiến II và vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Ukraine đang cảm thấy như vậy "mỗi đêm", Zelensky nói.

    Khi phát biểu trước quốc hội Anh tuần trước, Tổng thống Zelensky lại dẫn lời của cố thủ tướng Winston Churchill và đại thi hào William Shakespeare. Đối với các nghị sĩ Mỹ, ông lặp lại thông điệp từ bài phát biểu "Tôi có một giấc mơ" của Martin Luther King để nhấn mạnh hy vọng rằng Washington có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa giúp Kiev thoát khỏi khủng hoảng.

    Đáng chú ý nhất trong bài phát biểu hôm qua của Tổng thống Zelensky là việc ông chia sẻ đoạn video về tình cảnh thảm khốc tại Ukraine, cho thấy nước này đã bị xung đột tàn phá khủng khiếp như thế nào. Video kết thúc bằng 5 từ ngắn gọn trên nền đen: "Đóng cửa không phận Ukraine".

    Thông điệp tổng thể của Tổng thống Ukraine rất đơn giản và rõ ràng. "Tôi kêu gọi các bạn hành động mạnh mẽ hơn nữa", ông nói. Ông cũng đề nghị phương Tây thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt với Nga cho đến khi Moskva ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.

    Ông nhấn mạnh các tổ chức quốc tế được thành lập sau Thế chiến II đã cho thấy họ không đủ khả năng để bảo vệ một quốc gia như Ukraine trong thời đại ngày nay, và đề nghị "xây dựng những thể chế mới, liên minh mới... một liên minh các quốc gia có trách nhiệm, có sức mạnh... nhằm ngăn chặn xung đột ngay lập tức". Dù Zelensky không nêu rõ "tổ chức quốc tế" nào, mọi người dường như đều đoán được ông có lẽ muốn đề cập tới NATO.

    Những thông điệp và hình ảnh Tổng thống Zelensky có tác động đáng kể về mặt cảm xúc, biến bài phát biểu từ bình thường thành khác thường, theo Balz.

    Cựu bộ trưởng quốc phòng Panetta cho rằng trước chiến dịch quân sự của Nga, Mỹ và NATO không có lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy hỗ trợ quân sự cho Ukraine. "Mỹ và các đồng minh NATO của chúng ta sẽ phải cứng rắn. Nếu ông Putin tăng gấp đôi nỗ lực quân sự ở Ukraine, chúng ta cũng phải tăng gấp đôi", ông nói.

    Năm 2014, khi xung đột ở miền đông Ukraine nổ ra, một tổng thống khác của nước này đã phát biểu trước quốc hội Mỹ. Lãnh đạo Ukraine khi đó, tổng thống Petro Poroshenko, đã yêu cầu Mỹ tăng viện trợ quân sự nhằm chống lại cái mà ông gọi là "hoạt động can thiệp" của Nga. Sau cuộc gặp với tổng thống Barack Obama, Poroshenko được hỏi liệu ông đã đạt được điều mình muốn chưa. "Tôi đã có mọi thứ có thể", ông trả lời.

    Có sự khác biệt rõ rệt giữa "mọi thứ có thể" với "mọi thứ ta muốn" và đây chính là thế khó mà Tổng thống Biden phải đối mặt sau diễn văn đầy sức thuyết phục của người đồng cấp Zelensky, theo Balz.

    Từng là diễn viên, biên kịch, nhà sản xuất, Tổng thống Zelensky đã làm tất cả những gì có thể để trình bày trước quốc hội Mỹ lý do đất nước của ông xứng đáng được nhận nhiều hơn từ Washington. Nhưng lời kêu gọi "thiết lập vùng cấm bay" mà ông đưa ra vẫn rơi vào im lặng, khi Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ không sa vào Thế chiến III vì Ukraine.


    Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 29 khách