Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Cuộc đua bơm vũ khí có thể định đoạt chiến sự Ukraine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Cuộc đua bơm vũ khí có thể định đoạt chiến sự Ukraine

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 4 12, 2022 1:21 pm






    Cục diện chiến trường hoàn toàn mới, khi Nga xoay trục giao tranh sang miền đông Ukraine, thúc đẩy phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev.

    Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby ngày 11/4 cho biết Nga đang tăng cường lực lượng quanh Donbass, với đoàn xe quân sự lớn đang tiến đến gần thành phố Izyum, song chưa mở chiến dịch tại miền đông Ukraine, mà chỉ đang "tái bố trí lực lượng" ở khu vực này.

    Hoạt động điều chuyển quân tới miền đông Ukraine được quân đội Nga tiến hành sau khi tuyên bố hoàn tất giai đoạn một của chiến dịch quân sự đặc biệt và rút phần lớn lực lượng khỏi ngoại ô Kiev cũng như miền bắc Ukraine.

    Điện Kremlin mô tả quyết định rút quân này nhằm "thể hiện thiện chí đàm phán" với Ukraine, nhưng đã hai tuần trôi qua sau hội nghị ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3, phái đoàn hai nước vẫn chưa tổ chức thêm cuộc gặp trực tiếp nào khác. Giới quan sát cho rằng đây là "khoảng lặng trước cơn bão", khi hai bên đều nỗ lực củng cố lực lượng, khí tài chuẩn bị cho những trận đánh mang tính quyết định sắp tới ở miền đông Ukraine.

    Giới chức Kiev và đồng minh cùng các chuyên gia đánh giá trong những trận đánh tới đây ở miền đông, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ phải đối mặt diện với điều kiện và hình thái chiến đấu hoàn toàn khác so với giai đoạn chiến sự đầu tiên.

    Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuần trước đánh giá Ukraine đã thành công trong giai đoạn đầu chiến sự, khi cầm chân được lực lượng Nga ở phía bắc nhờ kết hợp giữa tác chiến đô thị và chiến đấu kiểu du kích, quấy rối tuyến hậu cần của đối phương.

    Hình ảnh
    Cảnh sát Ukraine tuần tra ở làng Dmytrivka, phía tây Ukraine ngày 2/4, sau khi các lực lượng Nga rút khỏi khu vực phía bắc Kiev. Ảnh: AFP.

    Tuy nhiên, tình hình chiến trường tại Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine sẽ là câu chuyện khác, khi các trận chiến diễn ra trên địa hình trống trải, khiến lực lượng Ukraine mất đi lợi thế tác chiến trong đô thị. Các tuyến hậu cần của Nga cũng không còn trong tình trạng "hở sườn" như trước, khi lực lượng Nga và phe ly khai đã xây dựng được bàn đạp vững chắc hơn ở Donbass.

    Giới chức quốc phòng Ukraine và phương Tây đều cho rằng với tình hình chiến trường mới, Kiev sẽ cần nhiều vũ khí hạng nặng, chứ không dừng lại ở tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai như hơn một tháng qua.

    Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuần trước nhấn mạnh nước này cần phương Tây hỗ trợ thêm chiến đấu cơ, thiết giáp, tên lửa chống hạm phóng từ đất liền và các tổ hợp phòng không hạng nặng. Ông cảnh báo giai đoạn chiến sự tiếp theo ở miền đông Ukraine sẽ có những trận đánh quy mô tương tự Thế chiến II, với hàng nghìn xe tăng và khẩu đội pháo tham gia.

    "Chúng tôi vẫn phải phụ thuộc nguồn cung vũ khí vào các đối tác. Thật không may, chúng tôi đang không có đủ vũ khí để chấm dứt xung đột sớm hơn", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ngày 11/4. "Nếu có đủ thiết giáp hạng nặng, pháo binh, chúng tôi đã có thể phá vây cho Mariupol".

    Ông Zelensky cảnh báo rằng nếu phương Tây không nhanh chóng cung cấp thêm các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine, họ sẽ "lãng phí thời gian và mạng sống" của người dân nước này.

    Tình báo phương Tây dự đoán Ukraine chỉ còn vài tuần để tăng số lượng và triển khai vũ khí hạng nặng đến mặt trận phía đông. Nga cũng cần khoảng thời gian tương tự để tái bố trí lực lượng, bổ sung vũ khí, khí tài cho mũi tiến công ở Donbass.

    Một khi đạt được mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Donbass hoặc thậm chí tiến tới hữu ngạn dòng Dniper, lực lượng Nga sẽ có nhiều lợi thế hơn để thay đổi chiến thuật, củng cố phòng ngự lẫn kiểm soát trên thực địa, bước sang giai đoạn xung đột kéo dài và tiêu hao nguồn lực đối phương.

    Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu dưới hai thời tổng thống Barack Obama và Donald Trump, nhận định Ukraine không còn nhiều thời gian để tái vũ trang trước khi giai đoạn chiến sự tiếp theo bắt đầu.

    "Ba tuần tới mang ý nghĩa then chốt, có khả năng định đoạt liệu Ukraine có cơ hội ngăn chặn đợt tiến công của lực lượng Nga hay chiến sự sẽ kéo dài thêm nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa", ông nói.

    NATO đang tập trung đánh giá liệu chiến sự ở Ukraine có cơ hội kết thúc nhanh chóng, hay sẽ chuyển thành xung đột vũ trang kéo dài như ở Syria, một quan chức phương Tây tiết lộ với Bloomberg. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần qua nhận định liên minh quân sự phương Tây "cần sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí" cho Ukraine và các nước thành viên đã ý thức được tình hình cấp bách đến mức nào.

    Hình ảnh
    Lính Ukraine trên xe thiết giáp di chuyển qua thành phố Severodonetsk, thuộc tỉnh Donetsk ở vùng Donbass, ngày 7/4. Ảnh: AFP.

    Do loạt lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao từ Mỹ cùng đồng minh đến nay hầu như không thay đổi tính toán chiến lược của Nga, Bộ trưởng Các lực lượng Vũ trang Anh James Heappey cho rằng phương Tây cần quan tâm hơn đến viện trợ vũ khí, nhằm tạo thế cân bằng lực lượng trên chiến trường miền đông Ukraine.

    NATO ban đầu tỏ ra do dự khi cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine, đặc biệt là sau khi Nga đe dọa sẽ coi các chuyến hàng vũ khí phương Tây chuyển cho Kiev là "mục tiêu chính đáng".

    Tuy nhiên, khi nguy cơ về một cuộc chiến khốc liệt ở miền đông Ukraine ngày càng lớn, các nước phương Tây bắt đầu ít dè dặt hơn về viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev. Các quan chức quốc phòng châu Âu nói với Washington Post rằng phương Tây đang đánh giá chi tiết hơn về số lượng và chủng loại vũ khí gửi cho Ukraine, do thực tế chiến trường đã thay đổi.

    Theo các quan chức này, lực lượng Ukraine đã chứng tỏ được năng lực chiến đấu, đồng thời thể hiện khả năng cầm chân quân đội Nga và thích ứng tốt trong quá trình huấn luyện sử dụng khí tài phương Tây.

    "Ban đầu chúng tôi chủ yếu hỗ trợ những loại vũ khí mà quân đội Ukraine có thể sử dụng ngay lập tức. Giờ đây, chúng tôi nhận thấy họ cần nhiều khí tài hiện đại hơn", Thứ trưởng Quốc phòng Litva Margiris Abukevicius chia sẻ.

    Hình ảnh
    Những điểm nóng giao tranh ở miền đông Ukraine.

    Trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev ngày 9/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng ý gửi thêm 120 thiết giáp và tên lửa chống hạm cho Ukraine. Các nguồn thạo tin quân sự tiết lộ Cộng hòa Czech sẽ hỗ trợ ít nhất 5 xe tăng T-72, 5 thiết giáp BMP-1 cùng một số hệ thống phòng không tầm gần Strela-10 cho Ukraine, theo Reuters.

    Australia cũng thông báo kế hoạch gửi 20 thiết giáp Bushmaster theo đề nghị của Tổng thống Zelensky, kèm gói viện trợ vũ khí và đạn chống tăng trị giá khoảng 20 triệu USD. Cũng trong tuần qua, Slovakia cung cấp cho Ukraine một tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300, đồng thời tiếp nhận hệ thống phòng không Patriot từ NATO.

    Mỹ đã tuyên bố gửi máy bay chiến đấu không người lái Switchblade, đồng thời cung cấp thêm tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Mỹ còn xem xét kế hoạch bán xe tăng M1 Abram cho các nước Đông Âu để thuyết phục họ chuyển giao xe tăng được sản xuất từ thời Liên Xô cho Ukraine.

    Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Sullivan tiết lộ Lầu Năm Góc đang cân nhắc thêm gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine, bao gồm nhiều loại vũ khí hiện đại "chưa từng có tiền lệ" và sẽ có khả năng tạo tác động đáng kể với cục diện chiến trường miền đông Ukraine.

    Những động thái này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cần thiết để các nước Đông Âu tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Thứ trưởng Quốc phòng Litva Abukevicius cho rằng trở thành nước đầu tiên gửi xe tăng cho Ukraine luôn là lựa chọn khó khăn. Ông nói nỗ lực viện trợ vũ khí hạng nặng sẽ dễ dàng hơn một khi có nước tiên phong "phá băng".

    "Với những quyết định ngày càng quyết liệt từ Mỹ và Cộng hòa Czech, các nước phương Tây giờ đây có thể khởi động cuộc đua cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nhằm định đoạt cục diện chiến trường ở miền đông nước này", William Alberque, giám đốc mảng chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) của Anh, nhận định.


    Trung Nhân (Theo Bloomberg, NY Times, Washington Post)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 25 khách