Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Lạm phát gia tăng nhiều nơi trên thế giới
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27915
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Lạm phát gia tăng nhiều nơi trên thế giới

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 4 13, 2022 4:51 pm






    Lạm phát đang tăng cao ở nhiều nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và chiến sự dai dẳng ở Ukraine.

    Các nhà hoạch định chính sách Mỹ và các nước khác đã mất cảnh giác trước tình trạng lạm phát cao liên tục. Ban đầu, họ dự đoán đà tăng của giá cả hàng hóa sẽ hạ nhiệt khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Nhưng giờ đây, giá năng lượng và thực phẩm vẫn leo thang, tiếp tục làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn thế giới.

    Sau khi Nga tiến quân vào Ukraine, các dự đoán về lạm phát trước đó trở nên lỗi thời do nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh. Cuộc xung đột làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, vốn rất quan trọng đối với châu Âu; và làm gián đoạn sản xuất lương thực, tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng đói toàn cầu. Trong khi đó, chuỗi cung ứng vẫn chịu áp lực từ khi có đại dịch. Nhu cầu đối với một số loại hàng hóa vẫn mạnh hơn khả năng sản xuất.

    Hình ảnh
    Diễn biến lạm phát tại một số nền kinh tế. Đồ họa: NYT

    Tại khu vực Mỹ - Âu và các nền kinh tế tiên tiến, 60% các quốc gia có tỷ lệ lạm phát hàng năm trên 5%, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Đây là tỷ lệ lớn nhất kể từ những năm 1980 và là một vấn đề nghiêm trọng đối với các ngân hàng trung ương, vốn thường đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%.

    Tháng rồi, lạm phát của Mỹ là 8,5% - cao nhất kể từ năm 1981. Bộ Lao động Mỹ cho hay, thu nhập trung bình hàng giờ tăng 5,6% trong tháng 3. Nhưng điều chỉnh theo lạm phát thì có nghĩa mức lương trung bình đã giảm 2,7%. "Tiền lương của người Mỹ ngày càng teo tóp qua mỗi tháng", Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Patrick J. Toomey, bình luận.

    Ở Anh, lạm phát đang ở mức cao nhất trong ba thập kỷ. Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của nước này tăng 6,7% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, con số chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố hôm 13/4 là 7%, mức cao nhất trong 30 năm và gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

    Grant Fitzner, Nhà kinh tế trưởng của ONS, cho biết sự gia tăng lạm phát là "trên diện rộng". Đóng góp lớn nhất cho lạm phát nước này tháng qua là chi phí xăng dầu. Giá nhiên liệu vận tải tăng 30,7% tháng qua, hơn 3 lần mức tăng của tháng 2, sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.

    Hình ảnh
    Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trong một siêu thị tại Anh. Ảnh: Bloomberg

    Giá thực phẩm tăng 5,9%, cao nhất trong một thập kỷ. Hầu hết các loại thực phẩm trong rổ tính giá tiêu dùng đều tăng trên 5%, bao gồm bánh mì, thịt, sữa và trái cây. Giá tiêu dùng tăng cao làm xói mòn thu nhập các hộ gia đình. Nhiều dự đoán cho biết, thu nhập thực tế của các hộ gia đình ở Anh sẽ giảm trong năm nay với tốc độ mạnh nhất kể từ những năm 1950.

    "Các số liệu sẽ gây thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, mặc dù triển vọng tăng trưởng đã xấu đi trong vài tháng qua", Dan Boardman-Weston, Giám đốc điều hành tại BRI Wealth Management, nhận định.

    Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất ba lần kể từ tháng 12. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các công ty đang phải tăng lương cho lao động vì giá cả đắt đỏ hơn. Vì vậy, BoE có thể tiếp tục nâng lãi suất trong tháng này.

    Tại khu vực đồng euro lạm phát đã tăng lên 7,5% vào tháng 3, tăng từ 5,9% của tháng trước. Giá năng lượng cao hơn là nguyên nhân chính. Nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra kế hoạch chấm dứt chương trình mua trái phiếu mở rộng để mở đường cho việc tăng lãi suất, bởi vì "lạm phát ngày càng lan ra trên diện rộng và dai dẳng hơn". Các nhà hoạch định chính sách ECB sẽ gặp lại nhau để tiếp tục bàn bạc trong tuần này.

    Trong khi đó, tại các nền kinh tế mới nổi, hơn một nửa có lạm phát trên 7%. Hiện tại, Trung Quốc và Nhật Bản là những ngoại lệ đáng chú ý vì lạm phát vẫn ở mức thấp.

    "Chúng ta có thể đang ở trên đỉnh của một kỷ nguyên lạm phát mới", Agustín Carstens, người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, bình luận. Theo ông, các yếu tố gây lạm phát có thể vẫn tồn tại thêm một thời gian.

    Sau khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đã cố gắng trong hơn một thập kỷ để nâng lạm phát lên đạt mức mục tiêu và giữ ổn định, nay họ đột nhiên phải vật lộn để chế ngự nó. Giá năng lượng và lương thực thường xuyên biến động nhưng điều khiến các ngân hàng trung ương lo ngại là việc tăng giá có thể tràn sang các hàng hóa và dịch vụ khác. Kéo theo đó là nhu cầu của người lao động về mức lương cao hơn để đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao.

    Ngay cả ở Nhật Bản, quốc gia đã phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát rất thấp hoặc âm trong nhiều thập kỷ, có một dấu hiệu cho thấy giá cả cao hơn. Tháng trước, một cuộc khảo sát của chính phủ cho hay dự báo lạm phát năm nay có thể đạt 2,7%, mức cao nhất kể từ năm 2014.

    Phiên An (theo NYT, FT)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 16 khách