Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Con sông từng cứu thủ đô Ukraine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Con sông từng cứu thủ đô Ukraine

    by VietNews » Thứ 7 Tháng 5 14, 2022 9:24 am






    Sông Iprin từng biến một phần cửa ngõ Kiev thành bãi lầy ngập nước, ngăn đà tiến của lực lượng Nga và được ví như "anh hùng" bảo vệ thủ đô Ukraine.

    Một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24/2, quân đội Ukraine quyết định phá con đập trên sông Iprin ở ngoại ô Kiev. Chiến thuật "tiêu thổ" này đã biến làng Demydiv án ngữ tuyến đường P02 từ phía bắc hướng đến thủ đô Kiev thành một vùng đầm lầy khổng lồ, cản đà tiến của lực lượng Nga.

    Quân đội Nga cuối tháng 3 rút khỏi ngoại ô Kiev mà chưa từng vượt qua được bãi lầy này, trong khi những mũi tiến công khác bị lực lượng Ukraine chặn đứng. Volodymyr Boreyko, nhà sinh thái học địa phương, đã đề nghị trao danh hiệu "Dòng sông Anh hùng" cho Iprin, vì vai trò của nó trong bảo vệ thủ đô Kiev trong 1.000 năm qua.

    Hình ảnh
    Lưu vực đất ngập nước mới được phục hồi ở Demydiv, Ukraine. Ảnh: Guardian.

    Sông Iprin đã nhiều lần bảo vệ Kiev khỏi các cuộc tấn công của người Polovtsia và Pecheneg cách đây 1.000 năm. Con sông dài 162 km này có bãi bồi lớn và lầy lội đến mức kỵ binh đối phương không thể vượt qua.

    Bohdan Prots, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Bảo tồn Thiên nhiên tại Ukraine, cho biết vùng bãi bồi Iprin từng là khu vực đa dạng sinh học với nhiều đầm lầy, thảm sậy dày và cồn cát dọc bờ sông.

    "Vùng nước này từng sâu 5 mét, là nơi sinh sống của nhiều cá thể cá da trơn, cá tầm khổng lồ, cũng như các loài chim nước và chim săn mồi như đại bàng đuôi trắng", ông Prots nói.

    Tuy nhiên, đến thập niên 1960, Liên Xô bắt đầu xây dựng các đập ngăn nước dọc sông Irpin và Dnipro, biến bãi bồi thành một vùng đất khô ráo có diện tích hơn 13.000 hecta.

    Trước khi chiến sự nổ ra, khu đất này từng được quy hoạch để phát triển hạ tầng nhà ở. Tuy nhiên, chiến thuật "tiêu thổ" đã biến vùng đất thành bãi bồi ngập nước trở lại.

    "Nếu lực lượng Nga tấn công muộn hơn 1-2 năm, sông Iprin sẽ không còn khả năng bảo vệ thủ đô, do toàn bộ bãi bồi của nó sẽ bị bê tông hóa và không chướng ngại vật nào còn có thể cản bước xe tăng đối phương", Boreyko nói.

    Nhà sinh thái học này cho rằng chính quyền Kiev nên hủy các dự án xây dựng nhà ở tại đây, bởi không có gì đảm bảo Kiev sẽ không bị tấn công trong tương lai.

    Hình ảnh
    Sông Iprin (màu xanh) chảy qua thủ đô Kiev của Ukraine. Đồ họa: NY Times.

    Theo ông Prots, hệ thống đập của Liên Xô trên sông đã tác động thảm khốc lên hệ sinh thái khu vực, nhiều phụ lưu sông Iprin từng hoạt động mạnh tại nơi đây.

    "Không thể phục hồi các vùng đầm lầy như vậy. Sự can thiệp của hệ thống đập làm giảm thể tích và vận tốc chảy của dòng nước, khiến tảo phát triển quá mức gây thiếu hụt oxy, ảnh hưởng nặng đến các loài cá lớn", ông Ports cho biết. "Tuy nhiên, nước quay trở lại không có nghĩa là hệ sinh thái giàu có khi xưa quay trở lại, mà cần nhiều năm để cải thiện".

    "Vùng đất này đã giúp Ukraine bảo vệ thủ đô, song chính quyền sẽ sớm đối mặt với áp lực phải hút cạn nước từ đó", Prots nói. "Bạn có thể tưởng tượng sẽ có bao nhiêu nghìn tỷ con muỗi xuất hiện vào mùa hè không?".

    Prots cho rằng chính quyền địa phương sẽ phải xây lại đập Irpin trong tương lai, song sẽ mất một thời gian trước khi bắt đầu bất kỳ nỗ lực tái thiết nào, trong bối cảnh chiến sự diễn biến phức tạp và khu vực Kiev vẫn còn rải rác bom mìn.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 11/5 cũng cảnh báo vật liệu nổ sót lại sau chiến sự tại các thành phố có thể khiến Ukraine phải hứng chịu hậu quả trong 100 năm tới.

    Trong khi đó, Alexey Vasilyuk, nhà sinh vật học, chủ tịch của Nhóm Bảo tồn Thiên nhiên Ukraina (UNCG), bày tỏ hy vọng vùng bãi bồi ngập tại lưu vực Irpin sẽ được giữ như hiện nay. "Đây có thể là nơi sinh sản thích hợp cho những loài chim nước quý hiếm, các loài cá đã suy giảm số lượng nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ qua", ông Vasilyuk cho biết.

    Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo hệ sinh thái ở lưu vực sông Irpin đã trong tình trạng tồi tề trước khi đập bị phá.

    "Trước khi chiến sự nổ ra, thuốc trừ sâu và phân bón đã ảnh hưởng nặng nề với khu vực này", Vasilyuk nhận định. "Ngoài ra, còn rất nhiều xác xe tăng và thiết bị quân sự đang nằm ngập dưới nước. Hóa chất, dầu từ các thùng nhiên liệu kết hợp với các bãi rác dưới nước sẽ là nguy cơ ô nhiễm lớn".


    Đức Trung (Theo Guardian)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 72 khách