Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nguy cơ từ những vụ 'xả súng bắt chước' ở Mỹ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nguy cơ từ những vụ 'xả súng bắt chước' ở Mỹ

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 5 16, 2022 3:25 pm






    Giới chuyên gia cảnh báo xu hướng các nghi phạm bắt chước nhau thực hiện những vụ xả súng liên quan đến hành vi thù ghét ở Mỹ đang tăng nhanh.

    Chiều 14/5, Payton Gendron, một thanh niên da trắng 18 tuổi, mặc áo chống đạn xông vào siêu thị Tops Friendly Market ở thành phố Buffalo, New York, nổ súng vào những người có mặt tại đó. Vụ xả súng khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và được phát trực tiếp qua camera gắn trên mũ của y.

    Trong khi nước Mỹ chưa hết bàng hoàng vì vụ xả súng, đến trưa 15/5, một nghi phạm khoảng 60 tuổi xông vào nhà thờ Geneva Presbyterian tại thành phố Laguna Woods, quận Cam, bang California, nổ súng vào các giáo dân, khiến một người thiệt mạng, 4 người trong tình trạng nguy kịch.

    Sau thảm kịch tại Buffalo, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ "xả súng bắt chước", trong đó thủ phạm lấy cảm hứng từ những kẻ thực hiện các vụ nổ súng giết người hàng loạt trước đó.

    Hình ảnh
    Payton Gendron, 18 tuổi, nghi phạm vụ xả súng tại siêu thị Tops Friendly Market ở thành phố Buffalo, New York, khiến 10 người thiệt mạng. Ảnh: AP.

    Gendron, nghi phạm bị cảnh sát New York bắt ngày 14/5 sau vụ tấn công, trước đó đã công khai nội dung phân biệt chủng tộc và phát sóng trực tiếp vụ tấn công qua mạng xã Twitch thuộc sở hữu của Amazon.com. Giới chức New York gọi vụ xả súng này là hành động của "chủ nghĩa bạo lực cực đoan".

    Các chuyên gia cho hay xu hướng các thanh niên da trắng coi những vụ xả súng trước đó là cảm hứng gây án đang gia tăng ở Mỹ. Các ví dụ điển hình cho xu hướng này là vụ tấn công nhà thờ dành cho người da màu tại Charleston, bang Nam Carolina, vụ xả súng tại giáo đường Do Thái ở Pittsburgh hay vụ tấn công siêu thị Walmart tại El Paso năm 2019.

    Adam Lankford, giáo sư tội phạm học tại Đại học Alabama, đã nghiên cứu xu hướng các vụ xả súng hàng loạt theo thời gian. Trong nghiên cứu năm 2020, phân tích dữ liệu nạn nhân của Lankford cho thấy số vụ xả súng "đẫm máu nhất", với trên 8 người thiệt mạng, đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 so với 40 năm trước đó.

    "Đây rõ ràng không chỉ ngẫu nhiên, những kẻ xả súng không tự nghĩ ra kịch bản mà đang học hỏi lẫn nhau", giáo sư Lankford nhận định. "Họ muốn trở thành kẻ tấn công trước đó, coi kẻ đó như một hình mẫu".

    Nghiên cứu của ông cũng chỉ ra các vụ xả súng "đẫm máu nhất" chiếm 25% số vụ xả súng hàng loạt từ năm 1966 đến 2009, nhưng tỷ lệ này tăng lên 50% trong giai đoạn 2010-2019. Đây được cho là bằng chứng trực tiếp cho thấy thủ phạm xả súng bị ảnh hưởng bởi những kẻ tấn công khác.

    Lankford cho rằng các vụ xả súng "bắt chước" tuân theo một xu hướng nhất định, trong đó các nghi phạm tìm cảm hứng từ những chi tiết trong đời tư của kẻ xả súng trước đó. Do đó, giáo sư kêu gọi truyền thông không công bố chi tiết về đời tư của những kẻ xả súng, nhằm tránh tạo cảm hứng cho những kẻ bắt chước.

    Theo phân tích từ The Violence Project, tổ chức theo dõi các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ, các vụ gây án có động cơ thù ghét chủng tộc và tìm kiếm sự nổi tiếng đã tăng nhanh chóng từ năm 2015.

    Trung tâm Luật Nghèo đói miền Nam (SPLC), cơ quan chuyên theo dõi các nhóm cực đoan và thù ghét chủng tộc, cho biết nghi phạm trong vụ xả súng ở Buffalo thường xuyên tham gia những hội nhóm này.

    "Từ những gì đối tượng viết trên mạng bằng tài khoản của mình, có thể thấy anh ta dần cực đoan hóa thông qua những hoạt động tại đây", Susan Corke, giám đốc Dự án tình báo của SPLC, cho biết. "Anh ta thảo luận về cách tích trữ kho vũ khí, hỏi chi tiết về áo chống đạn và kể đã giết một con mèo như thế nào trên mạng. Thậm chí kế hoạch chi tiết vụ tấn công cũng được nghi phạm đăng lên mạng trước khi sự việc xảy ra hai tuần".

    Hình ảnh
    Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng ở thành phố Buffalo, bang New York, Mỹ, ngày 14/5. Ảnh: AP.

    Các phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng phát trực tuyến như Twitch hay Facebook đã gặp nhiều khó khăn khi kiểm soát nội dung bạo lực và cực đoan trong nhiều năm qua.

    Tính chất trực tiếp của các dịch vụ phát sóng khiến khâu kiểm duyệt đặc biệt khó khăn do không có thời gian xem trước như các chương trình truyền hình. Năm 2019, Facebook đã mất tới 17 phút trước khi gỡ được đoạn video phát trực tiếp vụ xả súng hàng loạt tại Christchurch, New Zealand.

    Thống đốc bang New York Kathy Hochul ngày 15/5 cho biết những video như vậy đáng lẽ phải được gỡ xuống nhanh hơn, đồng thời khẳng định sẽ thảo luận vấn đề này với các nền tảng mạng xã hội. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng kêu gọi các mạng xã hội kiểm soát và theo dõi chủ nghĩa cực đoan chặt chẽ hơn sau vụ xả súng.



    Đức Trung (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 67 khách