Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thế khó của ông Biden trong đối phó bạo lực súng đạn Mỹ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27909
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Thế khó của ông Biden trong đối phó bạo lực súng đạn Mỹ

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 5 26, 2022 12:20 pm







    Tổng thống Biden kêu gọi biến nỗi đau thành hành động sau các vụ xả súng, nhưng quyền lực của ông khó thay đổi vấn nạn bạo lực súng đạn ở Mỹ.

    "Thế giới đã thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải hành động", ông Joe Biden phát biểu sau vụ xả súng khiến 20 học sinh và 6 nhân viên nhà trường thiệt mạng.

    Tuyên bố được đưa ra 10 năm trước, sau thảm kịch tại trường Sandy Hook, Newtown, bang Connecticut ngày 14/12/2012, khi ông Biden còn là phó tổng thống Mỹ.

    Sau vụ xả súng ở trường tiểu học tại Texas hôm 24/5 khiến 19 học sinh và hai giáo viên thiệt mạng, ông Biden, giờ là Tổng thống Mỹ, lặp lại lời kêu gọi, mô tả đây là "vụ thảm sát" và nhấn mạnh đã đến lúc biến nỗi đau thành hành động.

    Nhưng một thập kỷ kể từ khi đảng Cộng hòa chặn luật an toàn súng đạn sau vụ xả súng trường Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut, ông Biden vẫn chưa thể biến đau thương thành hành động, khi đối mặt với thực tế rằng ông không thể thực hiện lời hứa ngăn chặn bạo lực súng đạn khi không có sự đồng thuận từ quốc hội.

    Tổng thống Mỹ hôm 25/5 nói sẽ đến thăm Uvalde trong những ngày tới, thêm rằng "ý tưởng một thanh niên 18 tuổi có thể bước vào cửa hàng và dễ dàng mua những vũ khí được thiết kế để giết người là sai lầm".

    Nhưng trong cuộc họp báo, ông không còn nhắc lại lời kêu gọi quốc hội thông qua đạo luật yêu cầu kiểm tra lý lịch người mua súng, hoặc lệnh cấm những loại súng trường kiểu quân sự mà tay súng đã sử dụng ở Texas. Tổng thống Mỹ chỉ đưa ra một yêu cầu "khiêm tốn" là quốc hội phê chuẩn ứng viên lãnh đạo Cục Rượu, Vũ khí và Chất nổ do ông đề cử.

    Hình ảnh
    Tổng thống Joe Biden tại lễ ký sắc lệnh cải cách cảnh sát ở Phòng Đông, Nhà Trắng hôm 25/5. Ảnh: AFP.

    Quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống không kỳ vọng Thượng viện sẽ thông qua luật an toàn súng đạn do vấp phải sự phản đối liên tục từ đảng Cộng hòa, những người cho rằng các biện pháp hạn chế này vi phạm Tu chính án thứ hai và không thể ngăn các vụ xả súng như ở Texas.

    Các cố vấn của ông Biden cho biết ông có thể ký một số sắc lệnh hành pháp để ứng phó vấn đề, nhưng biện pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Ông không thể cấm vũ khí kiểu quân đội hoặc tăng độ tuổi mua súng, bởi những hành động như vậy đều phải được quốc hội thông qua.

    Thay vào đó, các cố vấn cho biết Tổng thống Biden vẫn tập trung vào việc giảm bớt những tranh luận gây chia rẽ và tìm biện pháp để có thể kéo giảm dần dần những cái chết liên quan tới súng đạn.

    Giới chức Nhà Trắng chỉ ra một loạt thành tựu kể từ khi ông Biden nhậm chức, gồm quy định mới để ngăn "súng ma", cung cấp 10 tỷ USD cho chính sách trị an cộng đồng, giảm tự tử bằng súng ở các cựu chiến binh, cũng như tăng cường thực thi luật chống buôn lậu súng.

    Bằng các sắc lệnh hành pháp của mình, Tổng thống Biden "đang nỗ lực trong năm đầu nhiệm kỳ nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử", Michael Gwin, người phát ngôn Nhà Trắng nói.

    Ông chủ Nhà Trắng đến nay chưa công bố kế hoạch thành lập các nhóm chuyên trách đối phó với tình trạng xả súng hàng loạt, cũng như không gây áp lực để thúc ép quốc hội thông qua đạo luật kiểm soát súng đạn như yêu cầu của các nhà hoạt động suốt nhiều năm qua. Thay vào đó, Gwin cho biết các nỗ lực sẽ được tiếp tục ở Cánh Tây, nơi hơn chục nhân viên trong Hội đồng Chính sách Đối nội và nhiều người khác đang tìm cách đưa ra nhiều hạn chế về súng đạn hơn để ngăn các vụ phạm tội bạo lực.

    "Chúng tôi đang tiếp tục xem xét mọi công cụ mình có để ngăn chặn bạo lực súng đạn", Gwin nói.

    Nhưng những nỗ lực đó dường như là chưa đủ để ngăn những thảm kịch như vụ xả súng hôm 24/5. Đề xuất khiêm tốn của ông Biden hôm 25/5 tương phản với những yêu cầu quyết liệt được một số nghị sĩ, nhà hoạt động và gia đình các nạn nhân đưa ra, theo Michael D. Shear, biên tập viên của NY Times.

    "Công việc của chúng tôi không phải là đưa ra lời cầu nguyện, mà là thông qua luật", thượng nghị sĩ Christopher S. Murphy, thành viên đảng Dân chủ ở Connecticut, nói.

    Ông Biden từ nhiều thập kỷ trước đã cảm nhận rất rõ hạn chế trong quyền lực tổng thống và nỗi thất vọng với rào cản tại cơ quan lập pháp trong nỗ lực hạn chế súng đạn.

    Là một thượng nghị sĩ, ông đã góp phần thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công vào năm 1994, nhưng phải chứng kiến nó hết hạn sau 10 năm, khi bị quốc hội từ chối gia hạn. Năm 2013, khi là phó tổng thống, ông đã dẫn dắt nỗ lực giành ủng hộ lưỡng đảng với dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch người mua súng, nhưng cũng thất bại trước sự phản đối của đảng Cộng hòa và một số thành viên Dân chủ tại Thượng viện.

    Những người từng làm việc với ông Biden từ 10 năm trước nói rằng Tổng thống Mỹ đã rút được một số bài học từ kinh nghiệm bản thân.

    "Ông ấy đang đối mặt với vấn đề hóc búa thực sự", Matt Bennett, người đồng sáng lập tổ chức tư vấn dân chủ Third Way và từng làm việc với nhóm của ông Biden sau vụ xả súng ở trường Sandy, nói. "Ông ấy là lãnh đạo của đảng chiếm đa số trong quốc hội, nhưng vẫn không thể khiến họ làm một số điều mà ông coi là cực kỳ quan trọng".

    Bennett nói ông Biden đã hiểu được giá trị của các sắc lệnh hành pháp sau vụ xả súng ở Sandy Hook, khi ông được yêu cầu vạch ra các bước đi mà tổng thống Barack Obama có thể thực hiện ngoài thúc đẩy dự luật hạn chế súng đạn. Ông Obama sau đó đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp, nhưng chúng bị lu mờ khi dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch người mua súng không thể qua ải quốc hội 4 tháng sau vụ xả súng.

    "Họ đã làm mọi thứ có thể thông qua sắc lệnh hành pháp, nhưng không thể hơn. Ông ấy không thể làm gì vượt thẩm quyền của mình", Bennett nói.

    John Feinblatt, chủ tịch của Everytown for Gun Safety, một nhóm hoạt động về kiểm soát súng đạn hàng đầu ở Mỹ, cho rằng Tổng thống Biden vẫn có thể làm nhiều điều hơn để hạn chế súng đạn mà không cần quốc hội thông qua.

    Ông kêu gọi Tổng thống Biden thay đổi cách định nghĩa về người bán súng, để buộc họ phải kiểm tra lý lịch khách hàng, điều mà ông cho không cần sự phê chuẩn của quốc hội.

    Hình ảnh
    Ước tính doanh số bán súng hàng tháng ở Mỹ. Đồ họa: NY Times.

    Tuy nhiên, Feinblatt thừa nhận dự luật an toàn súng đạn khó có thể được thông qua tại quốc hội, đồng thời ca ngợi những gì Tổng thống Biden đã làm, đặc biệt là quy định về "súng ma", loại súng do tư nhân sản xuất, không có số sê-ri và rất khó để cơ quan pháp luật truy xuất nguồn gốc khi chúng được dùng trong các vụ án.

    "Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng súng ma là một mối đe dọa lớn. Tổng thống đã đối đầu với cả một ngành công nghiệp và đã chiến thắng, do đó tôi nghĩ ông ấy xứng đáng được ghi nhận", Feinblatt nói.

    Chuck Wexler, giám đốc điều hành Diễn đàn Nghiên cứu Điều hành Cảnh sát, vẫn nhớ cuộc họp với ông Biden và nội các của tổng thống Obama sau vụ xả súng năm 2012.

    "Tôi nghĩ rằng nếu ở Washington một thời gian, bạn sẽ có cảm giác thất vọng vì bạn biết vấn đề này quan trọng như thế nào, nhưng rất khó để đạt đồng thuận. Và đó là cảm giác mà tôi từng trải qua", ông nói.

    Ông Wexler, người có mặt tại buổi ký sắc lệnh cải cách cảnh sát ở Nhà Trắng hôm 25/5, cho rằng Tổng thống Biden hiểu rằng môi trường chính trị ở Washington trong thập kỷ qua không có nhiều thay đổi.

    "Những lời kêu gọi thay đổi xuất hiện đầy mạnh mẽ sau vụ xả súng này, nhưng sẽ dần phai nhạt theo thời gian", Wexler nói.

    Sau vụ xả súng ở Texas, ông Biden đăng Twitter kêu gọi "hành động" và đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao chúng ta vẫn sẵn sàng sống chung với cuộc thảm sát này? Bạn cần một vũ khí tấn công để làm gì ngoài việc giết ai đó?

    Nhưng ông không đưa bất kỳ câu trả lời nào.


    Thanh Tâm (Theo NY Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 113 khách